Chứng khoán toàn cầu khởi sắc, giá vàng hạ nhiệt

(ĐTCK) Dữ liệu kinh tế khả quan giúp chứng khoán từ Á sang Âu và Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên đầu tuần, trong đó S&P 500 vượt qua đỉnh cao mọi thời đại. Đà tăng mạnh của chứng khoán đã khiến sự hấp dẫn của vàng giảm đi.
Giới đầu tư phố Wall liên tiếp có niềm vui (Ảnh minh họa: AFP) Giới đầu tư phố Wall liên tiếp có niềm vui (Ảnh minh họa: AFP)

Mặc dù có khởi đầu năm tệ hại do ảnh hưởng bất ổn từ thị trường Trung Quốc, nhưng phố Wall đã có sự trở lại mạnh mẽ, bất chấp một vài phiên chao đảo do Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Với chuỗi tăng liên tiếp sau sự kiện Brexit nhờ dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan, S&P 500 đã chính thức vượt qua đỉnh cao mọi thời đại được xác lập tháng 5/2015 trong phiên đầu tuần (11/7).

Phố Wall tăng điểm trong phiên đầu tuần nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu công nghệ và sự hỗ trợ của các cổ phiếu phòng thủ như tiện ích, viễn thông, hàng tiêu dùng khi các nhóm này đều có mức tăng 2 con số.

Trong khi S&P 500 phá vỡ đỉnh cao lịch sử, thì Nasdaq cũng lên mức đỉnh cao nhất trong năm nay.

Đà tăng mạnh của phố Wall nhờ báo cáo việc làm khả quan được công bố cuối tuần trước với số việc làm tăng mạnh hơn nhiều so với con số dự kiến 287.000 trong tháng 6. Ngoài ra, giới đầu tư cũng kỳ vọng về mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II khả quan hơn sắp tới.

Kết thúc phiên 11/7, chỉ số Dow Jones tăng 80,19 điểm (+0,44%), lên 18.226,93 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 7,26 điểm (+0,34%), lên 2.137,16 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 31,88 điểm (+0,64%), lên 4.988,64 điểm.

Tương tự phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng duy trì đà tăng trong phiên đầu tuần mới, thậm chí là mạnh hơn nhiều. Phiên tăng điểm này giúp các chỉ số chính của chứng khoán châu Âu lên mức cao nhất kể từ khi Anh bỏ phiếu rời EU.

Trong khi đà tăng của phố Wall được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu công nghệ, thì đà tăng của chứng khoán châu Âu, đặc biệt là chứng khoán Đức được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu thép khi ThyssenKrupp, nhà sản xuất thép lớn nhất của Đức cho biết, họ đang đàm phán với Tata Steel của Ấn Độ về một sự hợp nhất của các nhà máy thép.

Triển vọng hợp nhất ngành đã đẩy cổ phiếu Thyssenkrupp 6,4%, trong khi đối thủ ArcelorMittal cũng tăng 5,6%.

Kết thúc phiên 11/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 92,22 điểm (+1,40%), lên 6.682,86 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 203,75 điểm (+2,12%), lên 9.833,41 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 73,85 điểm (+1,76%), lên 4.264,53 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản đã có phiên khởi sắc với mức tăng gần 4% trong phiên đầu tuần nhờ hiệu ứng từ phố Wall trong phiên cuối tuần trước và liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe giành thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử thượng viện, thúc đầy niềm tin trên thị trường.

Tương tự, hiệu ứng tích cực từ phố Wall cũng giúp chứng khoán Hồng Kông tăng mạnh trong phiên đầu tuần mới, trong khi đà tăng của chứng khoán Trung Quốc đại lục chỉ ở mức khiêm tốn khi lạm phát tăng làm tắt kỳ vọng về gói kích thích kinh tế mới.

Kết thúc phiên 11/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng    601,84 điểm (+3,89%), lên 15.708,82  điểm. Chỉ số Hang Seng tăng 316,33 điểm (+1,54%), lên 20.880,50 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 5,6 điểm (+0,19%), lên 2.994,92 điểm.

Sự khởi sắc trên thị trường chứng khoán đã khiến vai trò trú ẩn an toàn của vàng giảm đi, đẩy giá kim loại quý này giảm khá mạnh trong phiên đầu tuần mới.

Kết thúc phiên 11/7, giá vàng giao ngay giảm 10,8 USD (-0,79%), xuống 1.354,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 13,6 USD (-0,99%), xuống 1.356,6 USD/ounce.

Dù dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan, nhưng giá dầu thô chỉ hồi nhẹ trong phiên cuối tuần trước rồi nhanh chóng giảm trở lại trong phiên đầu tuần này do giới đầu tư tài chính không còn đặt niềm tin và đà tăng của loại hàng hóa này như trước.

Kết thúc phiên 11/7, giá dầu thô Mỹ giảm 0,65 USD/thùng (-1,45%), xuống 44,76 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,51 USD (-1,10%), xuống 46,25 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục