Fed cần có 3 điều sau để cân nhắc tăng lãi suất lần đầu tiên trong năm 2016: khẳng định kinh tế Mỹ tiếp tục lộ trình tăng trưởng, thị trường việc làm duy trì ổn định và lạm phát tăng lên ngưỡng mục tiêu 2%. Ít nhất Mỹ có thể thực hiện được 2 điều đầu tiên trên phương diện triển vọng ngắn hạn, song điều thứ 3 rất khó có thể xảy ra.
Hiện tỷ lệ lạm phát cơ bản của Mỹ vẫn ở ngưỡng dưới 2% và được dự báo sẽ tăng chậm hơn dự kiến. Điều này cho thấy, Fed khó có thể tăng lãi suất trong cuộc họp vào cuối tháng Bảy này, thậm chí trong cả năm nay.
Thực tế là nhiều nhà đầu tư cũng đã đặt niềm tin và loại trừ khả năng lãi suất sẽ được tăng ngay trong tháng Bảy. Công cụ quản lý thông tin lãi suất FedWatch của CME Group, vốn luôn theo sát mọi diễn biến thị trường về khả năng Fed có tăng lãi suất hay không cho thấy, sẽ không có đợt tăng lãi suất nào trong tháng Bảy.
Tuy nhiên, những nhà quan sát thị trường đã nhận ra rằng, chính sách tiền tệ của Mỹ nhằm tránh cho các ngân hàng lớn thoát khỏi nguy cơ sụp đổ kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã trở thành một quy chuẩn mà Mỹ luôn theo đuổi. Vấn đề là khi nào Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC – cơ quan hoạch định chính sách của Fed) có thể từ bỏ chính sách “bình thường mới” này.
Một điểm mấu chốt khác mà Fed sẽ phải để mắt tới là các dữ liệu kinh tế, nhất là trong chi tiêu tiêu dùng, chế tạo và các chỉ báo kinh tế quan trọng khác, sẽ được công bố trong thời gian tới. Đặc biệt, trước thời điểm tháng Chín, khi FOMC sẽ lại cân nhắc về kịch bản tăng lãi suất hay không.
Dù dữ liệu FedWatch cho thấy, khả năng tăng lãi suất của Fed trong tháng Chín là không cao, song các nhà kinh tế tại Ngân hàng Deutsche Bank vẫn kỳ vọng vào một lần tăng lãi suất của Ngân hàng trung ương Mỹ vào cuối năm nay.
Bên cạnh đó, vấn đề đáng quan tâm là số liệu việc làm. Dữ liệu thị trường lao động tháng Năm vừa qua là đủ để các thành viên FOMC đưa ra những đánh giá về sự sụt giảm tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ có đạt mục tiêu hay không, cho dù Fed trước đó đã khẳng định, họ sẽ không đưa ra bất kỳ quyết định nào chỉ dựa trên một báo cáo đơn lẻ.
Chiến lược gia thị trường toàn cầu David Lebovitz tại JPMorgan Asset Management chia sẻ rằng, có thể Fed vẫn sẽ tăng lãi suất một lần trong năm nay nếu mọi chuyện diễn biến tốt đẹp, ngay cả khi thị trường không kỳ vọng về điều đó.
“Tăng trưởng kinh tế trong quý I/2016 của Mỹ được điều chỉnh giảm xuống mức 1%, tức là chỉ bằng một nửa mức tăng trưởng trung bình mà chúng ta đã chứng kiến trong suốt giai đoạn phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Tuy nhiên, nếu nhìn vào những gì đã diễn ra trong tháng Sáu vừa qua, chúng ta có thể trông đợi những tín hiệu khả quan hơn. Dẫu vậy, vẫn còn nhiều vấn đề không chỉ từ trong lòng nước Mỹ, mà còn từ bên ngoài như những gì đang xảy ra tại Anh và châu Âu, sẽ tác động tới nước Mỹ như thế nào. Điều này bản thân Fed cũng đã nhìn ra và thừa nhận”, ông Lebovitz nói.
Giới phân tích nhìn chung cũng tỏ rõ sự thận trọng hơn sau sự kiện Brexit (tức cử tri Anh bỏ phiếu lựa chọn ra khỏi Liên minh châu Âu trong cuộc trưng cầu ý dân vừa qua). Như vậy, cùng với viễn cảnh Mỹ chưa thể đạt mục tiêu lạm phát 2%, các thị trường sẽ còn phải chờ đợi thêm một quãng đường dài, trước khi Fed đưa ra quyết định tăng lãi suất tiếp theo.