Dữ liệu giúp phố Wall phục hồi, hãm đà tăng của giá vàng

(ĐTCK) Dữ liệu kinh tế khả quan, cùng với thông tin từ Fed giúp phố Wall đảo chiều tăng trở lại, trong khi chứng khoán Âu, Mỹ vẫn chịu ảnh hưởng bởi Brexit. Dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan cũng góp phần kìm hãm đà tăng của vàng và giúp dầu thô hồi phục.
Phố Wall phục hồi trong phiên thứ Tư nhờ dữ liệu kinh tế khả quan (Ảnh minh họa: AFP) Phố Wall phục hồi trong phiên thứ Tư nhờ dữ liệu kinh tế khả quan (Ảnh minh họa: AFP)

Theo biên bản cuộc họp ngày 14-15/6 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)¸cơ quan hoạch định chính sách của Mỹ sẽ không tăng lãi suất cho đến khi xem xét tác động của hậu Brexit - Anh rời Liên minh châu Âu (EU).

Daniel Tarullo, một lãnh đạo của Fed cho biết hôm thứ Tư rằng, không tăng lãi suất là cần thiết cho đến khi lạm phát tăng cao hơn.

Ngoài thông tin tích cực từ Fed, thị trường còn đón nhận thông tin tích cực từ nền kinh tế khi dữ liệu vừa công bố cho thấy, hoạt động ngành dịch vụ của Mỹ trong tháng 6 tăng lên mức cao nhất trong 7 tháng nhờ đơn đặt hàng mới tăng và các công ty thuê thêm công nhân. Điều này cho thấy, nền kinh tế Mỹ đã lấy lại tốc độ trong quý II.

Những thông tin tích cực trên giúp phố Wall nhanh chóng đảo chiều tăng điểm trở lại sau phiên điều chỉnh hôm thứ Ba.

Kết thúc phiên 6/7, chỉ số Dow Jones tăng 78 điểm (+0,44%), lên 17.918,62 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 11,18 điểm (+0,54%), lên 2.099,73 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 36,26 điểm (+0,75%), lên 4.859,16 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu tiếp tục có phiên giảm mạnh do tác động từ nhóm cổ phiếu ngân hàng và tài chính khi lo lắng Brexit sẽ ảnh hưởng tiêu cực lâu dài tới các lĩnh vực này. Trong đó, cổ phiếu của Deutsche Bank và Credit Suisse chạm mức thấp kỷ lục. Không chỉ nhóm cổ phiếu ngân hàng, tài chính, mà nhóm cổ phiếu bất động sản cũng lao dốc trong phiên thứ Tư khi lo ngại Brexit sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường bất động sản Anh cũng như châu Âu.

Kết thúc phiên 6/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 81,78 điểm (-1,25%), xuống 6.463,59 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 159,35 điểm (-1,67%), xuống 9.373,26 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 78,12 điểm (-1,88%), xuống 4.085,30 điểm.

Cũng với nỗ lo Brexit, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục mất điểm trong phiên thứ Tư và xuống mức thấp nhất hơn 1 tuần. Cùng nỗi lo tương tự, chứng khoán Hồng Kông cũng mất hơn 1,2% trong phiên thứ Tư.

Trong khi đó, dù lo lắng về Brexit và đà tăng trưởng chậm của kinh tế toàn cầu, nhưng việc đồng nhân dân tệ giảm xuống mức thấp nhất 5 năm rưỡi đã hỗ trợ giúp chứng khoán Trung Quốc đại lục có phiên tăng thứ 3 liên tiếp trong tuần.

Kết thúc phiên 6/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 290,34 điểm (-1,85%), xuống 15.378,99  điểm. Chỉ số Hang Seng giảm 255,43 điểm (-1,23%), xuống 20.495,29 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 10,9 điểm (+0,36%), lên 3.017,29 điểm.

Nỗi lo Brexit và việc Fed hoãn tăng lãi suất là động lực giúp giá vàng tiếp tục thẳng tiến. Tuy nhiên dữ liệu kinh tế của Mỹ khả quan vừa được công bố đã phần nào hãm đà tăng của giá kim loại quý này.

Kết thúc phiên 6/7, giá vàng giao ngay tăng 7 USD (+0,52%), lên 1.363,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 8,4 USD (+0,62%), lên 1.367,1 USD/ounce.

Dữ liệu kinh tế khả quan của Mỹ đã giúp giá dầu thô hồi phục trở lại trong phiên thứ Tư sau 2 phiên giảm mạnh liên tiếp.

Một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy, các nhà phân tích dự đoán kho dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước sẽ tiếp tục giảm thêm 2,3 triệu thùng. Dữ liệu sơ bộ được Viện Dầu khí Mỹ (API) công bố sau đó cho thấy, kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm tới 6,7 triệu thùng trong tuần trước. Số liệu chính thức sẽ được Cơ quan năng lượng Mỹ (EIA) công bố vào thứ Năm (7/7).

Kết thúc phiên 6/7, giá dầu thô Mỹ tăng 0,83 USD/thùng (+1,75%), lên 47,43 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,84 USD (+1,72%), lên 48,80 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục