Chứng khoán lập kỷ lục mới sau phiên điều trần của Yellen

(ĐTCK) Phát biểu của Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen tại Thượng viện Mỹ đã giúp chứng khoán toàn cầu tăng điểm, lập nên các kỷ lục mới trong phiên 24/2.
Ảnh minh họa: AFP Ảnh minh họa: AFP

Trong phiên điều trần ngày 24/2 trước Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện Mỹ, bà Yellen cho biết, FED sẽ điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt trong thời gian tới và việc tăng lãi suất sẽ ở bất kỳ cuộc họp nào, mà không ấn định thời gian. Đây là lần đầu tiên cụm từ “kiên nhẫn” không được FED sử dụng để nói về việc tăng lãi suất. Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ quyền lực nhất thế giới cũng cho biết, việc tăng lãi suất sẽ khó có thể xảy ra ít nhất trong vài cuộc họp sắp tới.

Đây là kiểu phát biểu nước đôi của Chủ tịch FED, nhưng ít nhất nó cũng làm yên lòng giới đầu tư chứng khoán.

Ngay sau phát biểu này, phố Wall đã đi lên một cách vững vàng với việc chỉ số Dow Jones và S&P 500 thiết lập kỷ lục mới, trong khi Nasdaq có phiên tăng thứ 10 liên tiếp.

Kết thúc phiên 24/2, chỉ số Dow Jones tăng 92,35 điểm (+0,51%), lên 18.209,19 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 5,82 điểm (+0,28%), lên 2.115,48 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 7,15 điểm (+0,14%), lên 4.968,12 điểm.

Các dữ liệu khác cho thấy, ngành dịch vụ của Mỹ mở rộng vào tháng 2 với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 10/2014, trong khi niềm tin tiêu dùng Mỹ giảm hơn dự kiến ​​trong tháng 2.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, các chỉ số chính của khu vực giằng co nhẹ quanh mức tham chiếu trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch ngày 24/2 trước khi bứt phá vào cuối phiên sau phiên điều trần của Chủ tịch FED. Bên cạnh đó, việc Hy Lạp đưa ra danh sách các cải cách để đổi lấy việc mở rộng gói cứu trợ từ Liên minh châu Âu trong thỏa thuận đạt được cuối tuần trước cũng giúp giới đầu tư an tâm hơn.

Trong các tin tức khác, Liên minh châu Âu, giá tiêu dùng khu vực euro trong tháng 2 giảm với tốc độ kỷ lục kể từ khi EU bắt đầu được ghi nhận vào năm 1997. Eurostat cho biết, CPI của khối giảm 0,5% trong tháng 1 so với năm trước. Tin tức này có thể sẽ gợi ý cho đợt kích thích tiền tệ sắp tới của các ngân hàng trung ương.

Chỉ số FTSE 100 và DAX lập kỷ lục, trong đó, chỉ số FTSE 100 ở thời điểm cuối phiên đã có lúc chạm mức cao kỷ lục 6.958,89 điểm, vượt qua kỷ lục trước đó được thiết lập vào năm 1999.

Kết thúc phiên 24/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 37,47 điểm (+0,54%), lên 6.949,63 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 74,82 điểm (+0,67%), lên 11.205,74 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 24,14 điểm (+0,50%), lên 4.886,44 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc đồng yên giảm đã giúp chứng khoán Nhật Bản có phiên tăng thứ 5 liên tiếp và vẫn ở mức cao nhất 15 năm. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn còn một chút thận trọng để chờ đợi thông tin từ phiên điều trần của Chủ tịch FED. Trong khi đó, chuỗi 6 phiên tăng của Chứng khoán Hồng Kông bị chấm dứt trong phiên thứ Ba do ảnh hưởng với cổ phiếu của HSBC và nhóm casino khi các tập đoàn này cắt giảm mục tiêu lợi nhuận của mình. Chứng khoán Trung Quốc vẫn trong kỳ nghỉ Tết và chỉ giao dịch trở lại vào thứ Hai tuần tới.

Kết thúc phiên 24/2, chỉ số Nikkei 225 tăng 136,56 điểm (+0,74%), lên 18.603,48 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 86,69 điểm (-0,35%), xuống 24.750,07 điểm. Chứng khoán Trung Quốc vẫn đang nghỉ Tết cổ truyền.

Giá vàng dường như không mấy chịu tác động với phát biểu của Chủ tịch FED. Lúc đầu, áp lực bán có tăng lên, nhưng sau đó đã giảm dần và kim loại quý này đóng cửa gần như không đổi so với phiên trước đó.

Giá vàng đang chịu tác động bởi đồng USD mạnh, cũng như thông tin tích cực về tình hình địa chính trị tại châu Âu.

Sau phiên điều trần trước Thượng viện, bà Yellen sẽ có phiên điều trần tiếp theo trước Hạ viện Mỹ vào ngày 25/2, nhưng nhiều nhà đầu tư cho biết, sẽ không có thêm thông tin nào mới đáng chú ý, nên phiên điều trần này sẽ không mấy tác động tới thị trường.

Kết thúc phiên 24/2, giá vàng giao ngay giảm 0,5 USD (-0,04%), xuống 1.201,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 3,5 USD/ounce (-0,29%), xuống 1.197,3 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu tiếp tục giảm giá trong phiên thứ Ba khi giới đầu tư kỳ vọng rằng, báo cáo tuần này sẽ cho thấy các kho dự trữ sẽ tăng trở lại, nhưng mức giảm đã khiêm tốn hơn rất nhiều.

Kết thúc phiên 24/2, giá dầu thô Mỹ giảm 0,17 USD/thùng (-0,34%), xuống 49,28 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,24 USD (-0,41%), xuống 58,66 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục