Chứng khoán Mỹ bước vào phiên giao dịch đầu tiên của tuần mới với sự kỳ vọng của giới đầu tư về cuộc đàm phán nợ của Hy Lạp. S&P 500 tiếp tục thiết lập đỉnh cao lịch sử mới khi vượt qua ngưỡng 21.000 điểm. Tuy nhiên, thông tin không khả quan được đưa ra cuối cuộc đàm phán khiến phố Wall hãm bớt đà giảm.
Kết thúc phiên 17/2, chỉ số Dow Jones tăng 28,23 điểm (+0,16%), lên 18.047,58 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,35 điểm (+0,16%), lên 2.100,34 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 5,43 điểm (+0,11%), lên 4.899,27 điểm.
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu tiếp tục giảm nhẹ với những lo lắng của giới đầu tư về cuộc đàm phán nợ của Hy Lạp. Tuy nhiên, dường như thông tin về Hy Lạp không mấy tác động tới thị trường, khi giới đầu tư tin rằng, trước sau gì giới lãnh đạo châu Âu cũng tìm được hướng giải quyết.
Kết thúc phiên 17/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 41,08 điểm (+0,60%), lên 6.898,13 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 27,61 điểm (-0,25%), xuống 10.895,62 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 2,04 điểm (+0,04%), lên 4.753,99 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, nỗi lo Hy Lạp khiến chứng khoán Nhật Bản giảm trở lại từ mức cao gần 8 năm. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông tiếp tục tăng ngày thứ 4 liên tiếp trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ kéo dài.
Kết thúc phiên 17/2, chỉ số Nikkei 225 giảm 17,68 điểm (-0,1%), xuống 17.987,09 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 41,7 điểm (+0,19%), lên 24.778,9 điểm.
Sau phiên nghỉ đầu tuần, thị trường Mỹ đã giao dịch trở lại trong ngày thứ Ba và ngay sau phiên giao dịch đầu tiên trong tuần mới, giá vàng đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất 5 tuần khi đồng USD hồi phục trở lại so với các đồng tiền mạnh khác. Ngoài ra, việc phố Wall vẫn đang ở trên mức cao kỷ lục cũng khiến giới đầu tư rút dần tiền khỏi các kênh đầu tư an toàn như vàng để đổ vào kênh hấp dẫn hơn là chứng khoán cũng khiến vàng giảm mạnh.
Thông tin ảnh hưởng tới thị trường vàng trong phiên thứ Ba là cuộc đàm phán nợ giữa Hy Lạp với nhóm bộ trưởng tài chính châu Âu và lệnh ngừng bắn ở Ukraine có khả năng bị phá vỡ.
Theo thông tin mới nhất, cuộc đàm phán về vấn đề nợ của Hy Lạp đã thất bại, làm tăng nguy cơ đẩy nước này ra khỏi khu vực eurozone. Trong khi đó, dù lệnh ngừng bắn 4 bên đã được ký kết, nhưng súng vẫn nổ, thậm chí là giao tranh ác liệt hơn, cũng tạo cho nhà đầu tư lo lắng.
Tuy nhiên, những thông tin này không mấy ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư, mà họ đang hướng sự chú ý vào Mỹ với biên bản cuộc họp mới nhất của Fed sắp được công bố. Do ngại về khả năng Fed tăng lãi suất đang lấn át nhà đầu tư và đó chính là một phần nguyên nhân khiến giá vàng giảm mạnh.
Kết thúc phiên 17/2, giá vàng giao ngay giảm 18,10 USD (-1,47%), xuống 1.209,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 12,1 USD/ounce (-0,99%), xuống 1.208,6 USD/ounce.
Trái ngược với giá vàng, giá dầu tiếp tục tăng mạnh, trong đó, giá dầu Brent bỏ xa ngưỡng 60 USD/thùng, còn giá dầu Mỹ cũng đã tiến tới ngưỡng 54 USD/thùng.
Kết thúc phiên 17/2, giá dầu thô Mỹ tăng 0,75 USD/thùng (+1,4%), lên 53,53 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,01 USD (+1,62%), lên 62,53 USD/thùng.