Nasdaq có chuỗi tăng dài nhất hơn 14 năm

(ĐTCK) Trong khi Dow Jones và S&P 500 đảo chiều do tác động của giá dầu, thì Nasdaq tiếp tục có phiên tăng thứ 9 liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất trong hơn 14 năm.
Ảnh minh họa: AFP Ảnh minh họa: AFP

Phố Wall có phiên giao dịch ngược chiều trong ngày đầu tuần mới. Trong khi chỉ số Dow Jones và S&P 500 đảo chiều giảm điểm từ mức cao kỷ lục do chịu tác động của nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu giảm trở lại, thì Nasdaq nhờ sự hỗ trợ của Apple tiếp tục có phiên tăng thứ 9 liên tiếp, chuỗi phiên tăng dài nhất kể từ tháng 9/2000, lên mức cao nhất trong ngày và cũng là mức cao nhất kể từ tháng 3/2000 trước khi hạ nhiệt dần và chỉ còn mức tăng nhẹ khi chốt phiên.

Thông tin về thỏa thuận giữa Hy Lạp và Liên minh châu Âu về việc mở rộng gói cứu trợ cho nước này thêm 4 tháng gần như đã phản ánh hết trong phiên cuối tuần trước. Trong khi đó, giới đầu tư đang theo dõi sát động thái của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau phiên điều trần của Chủ tịch Janet Yellen trước Thượng viện Mỹ sắp tới.

Bên cạnh đó, tình hình căng thẳng ở Ukraine và mâu thuẫn Đồng - Tây vẫn chưa có dấu hiệu lặng dịu sau khi thỏa thuận ngừng bắn cho Ukraine được ký kết.

Kết thúc phiên 23/2, chỉ số Dow Jones giảm 23,60 điểm (-0,13%), xuống 18.116,84 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,64 điểm (-0,03%), xuống 2.109,66 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 5,00 điểm (+0,10%), lên 4.960,97 điểm.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu, việc Hy Lạp và Liên minh châu Âu đạt được thỏa thuận mở rộng gói cứu trợ đã giúp giới đầu tư trút được phần nào nỗi lo về địa chính trị, qua đó thúc đẩy chứng khoán châu Âu lên mức cao nhất 7 năm trong phiên giao dịch đầu tuần mới.

Kết thúc phiên 23/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 3,04 điểm (-0,04%), xuống 6.912,16 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 80,28 điểm (+0,73%), lên 11.130,92 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 31,40 điểm (+0,65%), lên 4.862,30 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Trung Quốc vẫn trong thời gian nghỉ Tết, thì chứng khoán Nhật Bản lại có phiên tăng khá đầu tuần, lên mức cao nhất 15 năm sau khi Hy Lạp và Liên minh châu Âu đạt được thỏa thuận mở rộng gói cứu trợ thêm 4 tháng vào cuối tuần trước. Tuy nhiên, đà tăng của Nikkei 225 bị hãm bớt bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng, bảo hiểm khi nhóm này có kết quả kinh doanh không như mong đợi.

Kết thúc phiên 23/2, chỉ số Nikkei 225 tăng 134,62 điểm (+0,73%), lên 18.466,92 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 4/2000. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 4,64 điểm (+0,02%), lên 24.836,72 điểm. Chứng khoán Trung Quốc vẫn đang nghỉ Tết cổ truyền.

Những lo về địa chính trị được trút dần giúp vàng giảm đi tính hấp dẫn. Ngoài ra, việc Trung Quốc nghỉ Tết kéo dài và nhu cầu vàng vật chất của Trung Quốc trong mùa mua sắm cuối năm nay không cao cũng ảnh hưởng không tích cực đến giá vàng. Giá kim loại quý tiếp tục giảm nhẹ trong phiên đầu tuần mới, dù vậy đã thoát khỏi mức thấp nhất ngày và vẫn tạm giữ được mốc 1.200 USD/ounce.

Kết thúc phiên 23/2, giá vàng giao ngay giảm 2,1 USD (-0,17%), xuống 1.201,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 6,8 USD/ounce (-0,56%), xuống 1.200,8 USD/ounce.

Giá dầu giảm hơn 2% trong phiên giao dịch đầu tuần mới khi giới đầu tư lo lắng về dư thừa nguồn cung và đồng USD mạnh. Trong phiên giao dịch đầu tuần mới, giá dầu thô giảm gần như toàn phiên, nhưng sau đó hồi nhẹ trở lại vào cuối phiên sau khi tờ Financial Times dẫn lời Bộ trưởng Dầu mỏ Nigeria Diezani Alison-Madueke nói rằng, nước này có thể kêu gọi một cuộc họp bất thường của OPEC trong 6 tuần tới nếu giá giảm hơn nữa. Bên cạnh đó, cuộc đình công lớn nhất kể từ năm 1980 của công nhân ngành lọc dầu Mỹ cũng ảnh hưởng tới giá dầu thô.

Kết thúc phiên 23/2, giá dầu thô Mỹ giảm 1,36 USD/thùng (-2,75%), xuống 49,45 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,32 USD (-2,24%), xuống 58,90 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục