Chứng khoán đồng loạt giảm, giá vàng hồi nhẹ

(ĐTCK) Dữ liệu việc làm của Mỹ vừa công bố kém khả quan hơn dự đoán cũng không thể làm giảm đi kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất trong năm nay, cùng với việc giá dầu thô đảo chiều khiến chứng khoán Âu, Mỹ tiếp tục giảm trong phiên cuối tuần qua, trong khi giá dầu thô hồi phục nhẹ sau chuỗi phiên giảm liên tiếp trước đó.
Phố Wall tiếp tục giảm nhẹ do lo ngại Fed tăng lãi suất (Ảnh minh họa: AFP) Phố Wall tiếp tục giảm nhẹ do lo ngại Fed tăng lãi suất (Ảnh minh họa: AFP)

Dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ được nhà đầu tư chờ đợi là bảng lương phi nông nghiệp đã được công bố trong phiên cuối tuần. Theo đó, trong tháng 9, nền kinh tế Mỹ tạo thêm 156.000 việc làm mới, thấp hơn mức dự báo 175.000 của giới phân tích, trong khi tỷ lệ thất nghiệp lại tăng lên mức 5%.

Đây là tháng tháng thứ 3 liên tiếp tăng trưởng việc làm của Mỹ chậm lại. Tuy nhiên, dữ liệu này không thể làm giảm khả năng Fed tăng lãi suất trong năm nay khi các dữ liệu kinh tế được công bố trước đó đều rất khả qua. Do đó, dù bảng lương phi nông nghiệp không khả quan, nhưng phố Wall vẫn tiếp tục giảm nhẹ trong phiên cuối tuần và có tuần giảm đầu tiên sau 3 tuần tăng liên tiếp.

Kết thúc phiên 7/10, chỉ số Dow Jones giảm 28,01 điểm (-0,15%), xuống 18.240,49 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 7,03 điểm (-0,33%), xuống 2.153,74 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 14,45 điểm (-0,27%), xuống 5.292,40 điểm.

Sau 3 tuần tăng liên tiếp, chứng khoán mỹ đã điều chỉnh trở lại trong tuần đầu tháng 10. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Dow Jones giảm 0,37%, chỉ số S&P 500 giảm 0,67% và chỉ số Nasdaq giảm 0,37%.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ nhóm cổ phiếu hàng khồng với sự tồi tệ bắt nguồn từ easyJet với dự báo lợi nhuận giảm mạnh trong năm tài chính năm nay do ảnh hưởng từ lo ngại ai ninh sau những cuộc khủng bố liên tiếp tại Pháp và Đức, cũng như ảnh hưởng của biến động tỷ giá. Ngoài nhóm cổ phiếu hàng không, trong phiên cuối tuần qua, chứng khoán châu Âu còn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cổ phiếu công ty Edenred khi cổ phiếu công ty này giảm tới 7,2% sau thông tin bị UBS cắt giảm xếp hạng từ “MUA” xuống “Trung Tính”.

Trong khi đó, chứng khoán Anh lại ngược chiều phục khồi khá tốt trong phiên cuối tuần nhờ đồng bảng Anh giảm mạnh sau khi Thủ tướng Anh Theresa May hướng tới một cuộc chia tay cứng rắn nhằm kiểm soát việc nhập cư.

Kết thúc phiên 7/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 44,43 điểm (+0,63%), lên 7.044,39 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 77,94 (-0,74%), xuống 10.490,86 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 30,19 điểm (-0,67%), xuống 4.449,91 điểm.

Nhờ đồng bảng Anh giảm mạnh, chứng khoán Anh đã phục hồi mạnh trở lại tuần đầu tháng 10, trong khi chứng khoán Đức và Pháp tiếp tục có tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, tuần qua, chỉ số FTSE 100 tăng 2,1%, chỉ số DAX giảm 0,19% và chỉ số CAC 40 giảm nhẹ 0,04%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau chuỗi phiên tăng liên tiếp, chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông quay đầu giảm trong phiên cuối tuần do nhà đầu tư thận trọng trước báo cáo việc làm của Mỹ sẽ được công bố sau đó mấy tiếng.

Kết thúc phiên 7/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 39,01 điểm (-0,23%), xuống 16.860,09 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 100,68 điểm (-0,42%), xuống 23.851,82 điểm. Chứng khoán Trung Quốc vẫn nghỉ giao dịch lễ Quốc khánh.

Dù điều chỉnh trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán châu Á đều có tuần tăng điểm ấn tượng tuần qua, trong đó chứng khoán Hồng Kông có tuần tăng tốt nhất kể từ đầu tháng 9. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,49%, chỉ số Hang Seng tăng 2,38%.

Báo cáo việc làm vừa công bố dù không giúp ích nhiều cho chứng khoán, nhưng đó là thông tin hỗ trợ hiếm hoi mà vàng có thể bám vào để sau chuỗi ngày liên tiếp nhận thông tin tiêu cực. Do đó, giá vàng đã hồi phục nhẹ trở lại trong phiên cuối tuần sau chuỗi ngày giảm liên tiếp do lo ngại Fed sẽ tăng lãi suất trong năm nay sau khi các dữ liệu kinh tế của Mỹ được công bố.

Kết thúc phiên 7/10, giá vàng giao ngay tăng 2,4 USD (+0,19%), lên 1.257,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 5,6 USD (+0,45%), lên 1.258,6 USD/ounce.

Dù phục hồi nhẹ phiên cuối tuần, nhưng với khả năng Fed tăng lãi suất trong năm nay, đẩy đồng USD tăng mạnh, giá vàng đã có tuần giảm mạnh đầu tháng 10, cũng là tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 4,43% và giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 4,56%.

Với dữ liệu việc làm vừa công bố, giới phân tích đã có cái nhìn tích cực hơn về giá vàng trong tuần mới sau khi đã giảm mạnh 2 tuần liên tiếp. Cụ thể, trong cuộc thăm dò của Kitco, trong 18 nhà phân tích và môi giới trả lời, có tới 14 người, chiếm tới 78%  cho rằng giá vàng sẽ tăng trong tuần này, cao hơn nhiều so với con số 45% của tuần trước, trong khi chỉ có 3 người, chiếm 17% dự báo giá vàng sẽ tiếp tục giảm và 1 người, 6% dự báo giá vàng sẽ đi ngang.

Tương tự, trong số 463 nhà đầu tư cá nhân tham trả lời trong cuộc khảo sát online, có 264 người, chiếm 57% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, tương đương tuần trước, trong khi có 137 người, chiếm 30% dự báo giảm và số người dự báo giá vàng đi ngang hoặc có quan điểm trung lập là 62 người, chiếm 13%.

Trên thị trường năng lượng, sau chuỗi phiên tăng liên tiếp nhờ thông tin các nước sản xuất lớn đang đàm phán để đi tới một thỏa thuận giảm sản lượng và kho dự trữ của Mỹ giảm mạnh tuần trước, giá vàng đã chịu áp lực chốt lời và quay đầu giảm hơn 1% trong tuần cuối tuần.

Kết thúc phiên 7/10, giá dầu thô Mỹ giảm 0,63 USD/thùng (-1,26%), xuống 49,81 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,58 USD (-1,12%), xuống 51,93 USD/thùng.

Với nhiều thông tin hỗ trợ, dù điều chỉnh trong phiên cuối tuần, nhưng giá dầu thô có tuần tăng mạnh thứ 3 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 3,25%, giá dầu thô Brent tăng 5,85%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục