Sau khi các chỉ số ISM trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ được công bố khả quan với mức cao nhất nhiều tháng, dữ liệu quan trọng khác của Mỹ là việc làm cũng vừa được trong ngày thứ Năm.
Đây là dữ liệu quan trọng, các nhà đầu tư căn cứ để xác định xem liệu Fed có tăng lãi suất ngay trong năm nay hay không. Và dữ liệu vừa công bố cho thấy khả năng Fed tăng lãi suất trước khi kết thúc năm 2016 là rất cao.
Cụ thể, báo cáo của Bộ Lao động hôm thứ Năm cho thấy, số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp bất ngờ giảm trong tuần cuối cùng của tháng 9, xuống mức thấp nhất gần 43 năm.
Dữ liệu này đưa ra 1 ngày trước khi báo cáo bảng lương cho tháng 9 được công bố với dự kiến sẽ cho thấy nền kinh tế Mỹ tạo ra 175.000 việc làm trong tháng 9.
Với khả năng Fed tăng lãi suất cao, đồng USD đã leo lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 7, đẩy phố Wall đảo chiều giảm nhẹ về cuối phiên, dù lúc đầu vẫn duy trì đà tăng tốt nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu thô tiếp tục tăng mạnh.
Kết thúc phiên 6/10, chỉ số Dow Jones giảm 12,53 điểm (-0,07%), xuống 18.268,50 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,04 điểm (+0,05%), lên 2.160,77 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 9,17 điểm (-0,17%), xuống 5.306,85 điểm.
Tương tự, dù vẫn nhận được sự hỗ trợ của nhóm ngân hàng và năng lượng, nhưng chứng khoán châu Âu tiếp tục giảm điểm trong phiên thứ Năm do ảnh hưởng bởi sự lao dốc của cổ phiếu hãng hàng không easyJet.
Cổ phiếu easyJet giảm tới 7% khi cho biết, lợi nhuận năm nay giảm hơn 25%, lần giảm đầu tiên kể từ năm 2009 do mối lo an ninh và biến động tỷ giá.
Thông tin tiêu cực của easyJet đã kéo các cổ phiếu hàng không khác đồng loạt giảm mạnh, khiến chứng khoán châu Âu đóng cửa trong sắc đỏ.
Kết thúc phiên 6/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 33,29 điểm (-0,47%), xuống 6.999,96 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 16,98 (-0,16%), xuống 10.568,80 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 9,85 điểm (-0,22%), xuống 4.480,10 điểm.
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông có phiên tăng thứ 4 liên tiếp trong tuần. Trong khi chỉ số Nikkei 225 tăng do đồng yên tiếp tục giảm, thì chỉ số Hang Seng tăng mạnh do nhà đầu tư kỳ vọng chứng khoán Trung Quốc sẽ tăng mạnh khi mở cửa trở lại trong tuần tới sau 1 tuần nghỉ lễ.
Kết thúc phiên 6/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 79,86 điểm (+0,48%), lên 16.899,10 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 164,19 điểm (+0,69%), lên 23.952,50 điểm. Chứng khoán Trung Quốc vẫn nghỉ giao dịch lễ Quốc khánh.
Dữ liệu kinh tế khả quan khiến vai trò trú ẩn của vàng bị giảm sút. Ngoài ra, khả năng Fed tăng lãi suất đang ở mức cao cũng gây sức ép lớn lên giá vàng, khiến giá kim loại quý này giảm mạnh trở lại trong phiên thứ Năm, xuống mức thấp nhất 4 tháng chỉ sau 1 phiên nghỉ ngơi sau phiên lao dốc hôm thứ Ba.
Kết thúc phiên 6/10, giá vàng giao ngay giảm 11,3 USD (-0,89%), xuống 1.255,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 15,6 USD (-1,23%), xuống 1.253,0 USD/ounce.
Trong khi vàng bị sức ép mạnh do dữ liệu kinh tế khả quan, thì các dữ liệu kinh tế Mỹ tích cực liên tiếp được công bố lại hỗ trợ cho giá dầu thô. Ngoài ra, thông tin về cuộc họp giữa OPEC và các nước ngoài khối bàn về cắt giảm sản lượng và kho dự trữ dầu thô của Mỹ sụt giảm mạnh tuần trước giúp giá dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên thứ Năm.