Sau khi duy trì đà tăng khá tốt trong các tuần trước đó nhờ kết quả kinh doanh khả quan của một số doanh nghiệp lớn công bố, đặc biệt là các đại gia công nghệ như Apple, Alphabet (công ty mẹ của Google), Amazone…, chứng khoán Mỹ đã điều chỉnh trở lại khi bước vào tuần này do dữ liệu kinh tế kém khả quan và trong phiên thứ Ba có thêm kết quả kinh doanh kém khả quan của doanh nghiệp ô tô.
Cụ thể, 2 nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Mỹ là Ford và General Motors đều báo cáo doanh số bán xe trong tháng 7 thấp hơn mong đợi.
Trong khi đó, chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ tăng hơn kỳ vọng trong tháng 6. Tuy nhiên, thu nhập cá nhân chỉ tăng 0,2%, thấp hơn so với mức dự báo tối thiểu 0,3%, trong khi lạm phát vẫn dưới mục tiêu 2% của Cục dự trữ liên bang (Fed). Điều đó có thể khiến Fed thận trọng hơn trong quyết định tăng lãi suất của mình.
Ngoài ra, phố Wall còn chịu tác động tiêu cực từ việc giá dầu thô Mỹ lần đầu tiên trong 3 tháng đóng cửa dưới mức 40 USD/thùng, kéo nhóm cổ phiếu năng lượng giảm theo.
Những thông tin trên khiến phố Wall đồng loạt giảm trong phiên thứ Ba, trong đó giảm mạnh nhất là Nasdaq và lấy đi gần như hết những gì chỉ số này có được trong các phiên tăng điểm trước đó.
Kết thúc phiên 2/8, chỉ số Dow Jones giảm 90,74 điểm (-0,49%), xuống 18.313,77 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 13,81 điểm (-0,64%), xuống 2.157,03 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 46,46 điểm (-0,90%), xuống 5.137,73 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, lo ngại về sức khỏe của các ngân hàng Ý sẽ lây lan sang cả khu vực, chứng khoán châu Âu đồng loạt giảm mạnh trong phiên thứ Ba, xuống mức thấp nhất 3 tuần bất chấp dữ liệu kinh tế vừa công bố khả quan.
Cụ thể, chỉ số sản xuất của khu vực tăng 0,7% trong tháng 6, trên mức mong đợi. Dù chỉ số này vẫn giảm 3,1% theo năm, nhưng mức này thấp hơn dự báo.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đều đồng loạt giảm mạnh với chỉ số ngân hàng châu Âu giảm 3,4%, mức giảm mạnh nhất trong các chỉ số ngành.
Kết thúc phiên 2/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 48,55 điểm (-0,73%), xuống 6.645,4 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 186,18 điểm (-1,80%), xuống 10.144,34 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 81,18 điểm (-1,84%), xuống 4.327,99 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Trung Quốc hồi phục, lấy lại được phần nào những gì đã mất trong phiên đầu tuần, thì chứng khoán Nhật Bản chấm dứt chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp, trả lại hết những gì đã có trước đó. Chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh trở lại do giá dầu thô giảm mạnh và đồng yên lại tăng, làm sứt mẻ niềm tin của nhà đầu tư.
Kết thúc phiên 2/8, chỉ số Nikke 225 giảm 244,32 điểm (-1,47%), xuống 16.391,45 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 17,89 điểm (+0,61%), lên 2.971,14 điểm. Chứng khoán Hồng Kông nghỉ giao dịch.
Sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán lại là thông tin tốt cho thị trường vàng. Dòng tiền rút ra từ thị trường chứng khoán thường tìm đến vàng như là kênh đầu tư thay thế và trú ẩn an toàn.
Ngoài ra, trong phiên thứ Ba, đồng USD tiếp tục giảm và xuống mức thấp nhất 6 tuần cũng hỗ trợ rất tốt cho giá vàng, giúp giá kim loại quý này duy trì đà tăng và đóng cửa ở mức cao nhất 3 tuần.
Kết thúc phiên 2/8, giá vàng giao ngay tăng 10,4 USD (+0,77%), lên 1.362,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 13 USD (+0,96%), lên 1.372,6 USD/ounce.
Mở đầu phiên giao dịch thứ Ba, giá dầu thô hồi phục khá tốt do đồng USD giảm xuống mức thấp nhất 6 tuần. Tuy nhiên, nỗi lo dư cung và khả năng một cuộc chiến giá dầu sắp diễn ra sau khi Ả Rập Xê út giảm giá kỷ lục cho các khách hàng châu Á của mình khiến giá dầu thô quay đầu giảm mạnh trở lại.
Đà giảm chỉ hãm bớt khi Viện Dầu khí Mỹ (API) công bố số liệu sơ bộ cho thấy, kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 1,34 triệu thùng trong tuần trước, đúng như kỳ vọng. Số liệu chính thức sẽ được Cơ quan năng lương Mỹ công bố vào ngày thứ Tư.
Dù hãm đà rơi, nhưng giá dầu thô Mỹ cũng lần đầu tiên kể từ tháng 4/2016 đóng cửa dưới mức 40 USD/thùng.
Kết thúc phiên 2/8, giá dầu thô Mỹ giảm 0,55 USD/thùng (-1,37%), xuống 39,51 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,34 USD (-0,80%), xuống 42,11 USD/thùng.