Giá dầu thô kéo chứng khoán giảm theo

(ĐTCK) Giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4 khiến chứng khoán Âu, Mỹ giảm điểm theo. Tuy nhiên, may mắn đà giảm không mạnh nhờ lực đỡ từ các mã lớn có kết quả kinh doanh khả quan.
Giá dầu thô giảm mạnh đã khiến phố Wall đảo chiều trong phiên đầu tuần mới (Ảnh minh họa: AFP) Giá dầu thô giảm mạnh đã khiến phố Wall đảo chiều trong phiên đầu tuần mới (Ảnh minh họa: AFP)

Với kết quả kinh doanh khả quan của các đại gia công nghệ như Apple, Alphabet, Amazone…, phố Wall mở cửa phiên giao dịch đầu tuần vẫn khá tích cực, trong đó S&P 500 đã có lúc thiết lập đỉnh cao lịch sử mới. Tuy nhiên, giá dầu thô đã phá hỏng tiệc vui.

Trong phiên đầu tuần mới, lo ngại về dư cung với thông tin kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng trong tuần trước đó khiến giá dầu thô Mỹ giảm mạnh, có thời điểm xuống dưới ngưỡng 40 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 4 trước khi kịp đóng cửa ở sát trên ngưỡng hỗ trợ này. Việc giá dầu giảm mạnh đã kéo theo nhóm cổ phiếu năng lượng lao dốc, khiến S&P 500 và Dow Jones đảo chiều theo.

Ngoài ra, dữ liệu kinh tế kém khả quan vừa công bố cũng tác động tiêu cực tới phố Wall. Cụ thể, dữ liệu vừa công bố hôm thứ Hai cho thấy, hoạt động sản xuất của Mỹ chậm lại trong tháng 7, với đơn đặt hàng giảm trên diện rộng và chỉ số xây dựng cũng giảm trong tháng 6.

Trong khi đó, nhờ sự hỗ trợ của cổ phiếu Apple và Alphabet (công ty mẹ của Google), chỉ số Nasdaq lại đóng cửa ở mức cao nhất hơn 1 năm.

Kết thúc phiên 1/8, chỉ số Dow Jones giảm 27,73 điểm (-0,15%), xuống 18.404,51 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,76 điểm (-0,13%), xuống 2.170,84 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 22,07 điểm (+0,43%), lên 5.184,20 điểm.

Tương tự phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch đầu tuần mới, nhưng mức giảm cũng không quá mạnh. Chứng khoán châu Âu giảm trong phiên do tác động từ nhóm cổ phiếu ngân hàng khi một số ngân hàng có kết quả yếu kém trong cuộc kiểm tra của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Ngoài ra, việc giá dầu thô giảm mạnh cũng kéo nhóm cổ phiếu năng lượng trên thị trường chứng khoán châu Âu giảm mạnh theo và tác động tiêu cực lên các chỉ số chứng khoán.

Kết thúc phiên 1/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 30,48 điểm (-0,45%), xuống 6.693,95 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 6,98 điểm (-0,07%), xuống 10.330,52 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 30,64 điểm (-0,69%), xuống 4.409,17 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc đồng yên tăng chậm lại sau biện pháp mở rộng gói kích thích của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản giúp Nikkei 225 tiếp tục phục hồi, lấy lại được gần hết những gì đã mất trong phiên thứ Năm tuần trước. Chứng khoán Hồng Kông cũng phục hồi, lấy lại gần hết những gì đã mất trong phiên cuối tuần trước khi dữ liệu kinh tế của Mỹ yếu kém làm tăng kỳ vọng Fed sẽ không tăng lãi suất. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc tiếp tục giảm với biên độ giảm mạnh hơn phiên cuối tuần trước.

Kết thúc phiên 1/8, chỉ số Nikke 225 tăng 66,5 điểm (+0,40%), lên 16.635,77 điểm. Chỉ số Hang Seng tăng 237,77 điểm (+1,09%), lên 22.129,14 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 25,99 điểm (-0,87%), xuống 2.953,39 điểm.

Bất chấp đồng USD tăng mạnh và giá dầu thô lao dốc, giá vàng vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên đầu tuần mới. Dù mức tăng khiêm tốn hơn trước đó, nhưng cũng đủ để giá kim loại quý này đứng ở mức cao nhất 3 tuần. Theo giới phân tích, diễn biến trên cho thấy, xu hướng tăng của giá vàng khá vững chắc.

Kết thúc phiên 1/8, giá vàng giao ngay tăng 2 USD (+0,15%), lên 1.352,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 1,7 USD (+0,13%), lên 1.351,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 2,1 USD (+0,16%), lên 1.359,6 USD/ounce.

Giá dầu thô giảm mạnh trong phiên đầu tuần mới với giá dầu thô Mỹ có thời điểm xuống dưới ngưỡng 40 USD/thùng, lần đầu tiên kể từ tháng 4. Giá dầu thô Brent cũng có lúc xuống dưới ngưỡng 42 USD/thùng trước khi hồi phục nhẹ để giảm thiểu mất mát khi đóng cửa.

Trong tuần trước đó, kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng trở lại, chấm dứt chuỗi 9 tuần giảm liên tiếp. Theo dự báo của giới phân tích, kho dự trữ dầu thô của Mỹ sẽ tăng trở lại trong tuần trước. Tuy nhiên, nhà đầu tư tập trung vào báo cáo khảo sát của của Reuters công bố cuối tuần qua cho thấy, sản lượng từ OPEC tăng kỷ lục nhất lịch sử trong tháng 7 do Ả Rập Xê út gia tăng sản lượng ở mức cao gần kỷ lục, công ty dầu khi quốc gia của nước này cũng giảm giá bán ở mức kỷ lục, Iran tăng sản lượng và Nigeria tăng kim ngạch xuất khẩu.

Trong khi đó, dữ liệu mới công bố cũng cho thấy, số giàn khoan dầu của Mỹ trong tháng 7 tháng thêm 44 giàn, mức cao nhất trong 1 tháng trong vòng 2 năm. Điều này càng làm cho giới đầu tư lo lắng về tình trạng dư cung, đẩy giá dầu xuống thấp.

Kết thúc phiên 1/8, giá dầu thô Mỹ giảm 1,54 USD/thùng (-3,84%), xuống 40,06 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,01 USD (-0,02%), xuống 42,45 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục