Kết quả đối nghịch của các tập đoàn vừa công bố khiến phố Wall trái chiều trong phiên thứ Năm, trong khi Dow Jone giảm nhẹ, thì S&P 500 và Nasdaq lại tăng điểm.
Cụ thể, cổ phiếu Apple tiếp tục tăng 1,35% sau khi hãng sản xuất iPhone này công bố doanh số bán iPhone trong quý tốt hơn dự báo. Cùng với đó, cổ phiếu Alphabet, công ty mẹ của Google cũng tăng mạnh 4% sau báo cáo doanh thu tốt hơn dự kiến. Cổ phiếu của Amozone cũng tăng 1,7% với báo cáo kết quả kinh doanh khả quan của mình. Cổ phiếu Facebook cũng lên mức cao kỷ lục sau kết quả kinh doanh khả quan vừa được công bố.
Ngược lại, hãng sản xuất xe hơi Ford lại công bố kết quả bán hàng tại Trung Quốc yếu kém, khiến cổ phiếu này giảm 8,16%,kéo các cổ phiếu xe hơi khác giảm theo, như General Motors giảm 3,22%, Fiat Chrysler giảm 4,77%.
Về dữ liệu kinh tế, báo cáo của Bộ Lao động Mỹ mới công bố cho thấy, số lượng người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần qua tăng hơn dự kiến, lên 226.000 người.
Kết thúc phiên 28/7, chỉ số Dow Jones giảm 15,82 điểm (-0,09%), xuống 18.456,35 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,48 điểm (+0,16%), lên 2.170,06 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 15,17 điểm (+0,30%), lên 5.154,98 điểm.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Âu giảm nhẹ sau 2 phiên tăng liên tiếp do nhà đầu tư tập trung vào đánh giá báo cáo kết quả kinh doanh quý vừa qua và cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh trước kỳ kiểm tra vào cuối tuần này.
Kết thúc phiên 28/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 29,37 điểm (-0,44%), xuống 6.721,06 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 44,62 điểm (-0,43%), xuống 10.274,93 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 26,38 điểm (-0,59%), xuống 4.420,58 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc đồng yên tăng và chờ đợi cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) khiến chứng khoán Nhật Bản giảm khá mạnh trong phiên thứ Năm. Chứng khoán Hồng Kông cũng giảm nhẹ trong phiên do ảnh hưởng tiêu cực từ nhóm cổ phiếu tài chính và năng lượng, trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục hồi nhẹ trở lại sau phiên giảm trước đó.
Kết thúc phiên 28/7, chỉ số Nikke 225 giảm 187,98 điểm (-1,13%), xuống 16.476,84 điểm. Chỉ số Hang Seng giảm 44,65 điểm (-0,2%), xuống 22.174,34 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 2,33 điểm (+0,08%), lên 2.994,32 điểm.
Trên thị trường vàng, sau khi tăng mạnh hơn 1,5% trong phiên thứ Tư khi Fed quyết định giữ nguyên lãi suất, giá vàng đã hạ nhiệt trở lại trong phiên thứ Năm do áp lực chốt lời và nhà đầu tư lo ngại việc Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 9.
Kết thúc phiên 28/7, giá vàng giao ngay giảm 5,1 USD (-0,38%), xuống 1.334,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 5,6 USD (+0,42%), lên 1.332,3 USD/ounce.
Lo ngại nguồn cung tăng quá nhiều so với nhu cầu, giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh gần 2% trong phiên thứ Năm, xuống mức thấp nhất từ 18/4 và đang đối mắt với tháng giảm mạnh nhất trong năm.
Theo dữ liệu vừa công bố, kho dự trữ xăng của Mỹ đat mức cao kỷ lục trong tuần cuối cùng của tháng 7, trong khi hàng tồn kho East Coast đạt cũng lên mức cao nhất trong thời gian cao điểm.
Còn theo dữ liệu của Công ty nghiên cứu thị trường Genscape, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tại Cushing, Oklahoma tăng gần 328.000 thùng trong tuần tính đến ngày 26/7.