Chuẩn bị phương án cho kịch bản có thể xấu hơn

(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp niêm yết cho biết, đang chuẩn bị để ứng phó với tình hình sản xuất - kinh doanh có thể chịu tác động tiêu cực lớn hơn khi dịch Covid-19 không chỉ bùng phát tại Trung Quốc, mà đang diễn ra ở các đối tác đầu tư lớn khác của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản. 
Chuẩn bị phương án cho kịch bản có thể xấu hơn

Siết giảm chi phí là biện pháp đầu tiên các doanh nghiệp thực hiện như một phản ứng có điều kiện mà doanh nghiệp đã rèn luyện trong nhiều giai đoạn sốc của trước đây.

Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC) đã có cuộc họp nội bộ thực hiện cắt giảm chi phí chuẩn bị ứng phó với tình hình khó khăn hơn khi nguồn công việc cũ đã đến thời điểm hoàn thành bàn giao, trong khi nguồn công việc mới ít hơn do thị trường bất động sản thiếu nguồn cung do ách tắc về thủ tục.

Đại diện Công ty cổ phần Gemadept (GMD) cho biết, khoảng 10 ngày sau Tết Nguyên đán 2020, việc vận chuyển hàng hoá đến cảng ở Trung Quốc bị gián đoạn, nhưng sau đó đã thông quan bình thường.

Sau Tết là thời gian thấp điểm của vận tải hàng hoá qua cảng biển nên tác đông của dịch Covid-19 tại Trung Quốc đến vận tải hàng hoá ở các cảng không đáng kể.

“Nếu dịch bệnh được ngăn chặn và kết thúc sớm thì tác động đến GMD trong ngắn hạn là không đáng kể, vì các doanh nghiệp sẽ sớm nối lại sản xuất tăng ca để kịp bàn giao đơn hàng. Hàng hoá thông quan có thể tăng lên trong trường hợp vận chuyển hàng tiểu ngạch (đường bộ) sang đường biển (chính ngạch). Nhưng nếu dịch bệnh kéo dài thì tác động chung đến tất cả doanh nghiệp và nền kinh tế là xấu. Lượng hàng hoá qua cảng xuất đi Trung Quốc chiếm khoảng 25% tỷ trọng hàng qua cảng”, đại diện GMD nói.

Một công ty chứng khoán lớn cũng phát đi thông điệp siết chặt chi phí, nhưng không đến nỗi cắt, mà các khoản cần chi vẫn chi. Thông điệp siết chi phí là cần thiết để mỗi nhân viên chuẩn bị tinh thần tốt hơn khi thị trường chứng khoán có diễn biến xấu hơn, doanh thu có thể sụt giảm.

“Nếu phía Hàn Quốc không kiểm soát dịch tốt, các tập đoàn lớn như Samsung vì dịch bệnh mà bị gián đoạn sản xuất thì Việt Nam ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng.

Thị trường chứng khoán sẽ phản ánh tác động xấu trước tiên. Nhưng dù gì thì chúng tôi cũng sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này”, đại diện công ty chứng khoán trên chia sẻ.

Lo lắng nhất thời điểm hiện tại có lẽ là các doanh nghiệp dệt may. Tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc khiến các công ty đứng trước nguy cơ thiếu nguyên phụ liệu sản xuất.

Ông Trần Như Tùng, Giám đốc Đầu tư Công ty cổ phần Đầu tư Dệt may Thương mại Thành Công (TCM) cho hay, với doanh nghiệp lớn, tồn kho cao thì có thể tiếp tục sản xuất 2 - 3 tháng.

Nhưng nếu dịch bệnh kéo dài, nguồn cung phụ liệu ngành may không tìm được đối tác thay thế nhà cung cấp Trung Quốc thì sản xuất có thể bị ảnh hưởng.

Riêng với ngành dệt may, tác động của dịch Covid-19 càng lớn khi Hàn Quốc và Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn bị ảnh hưởng.

Tiêu dùng chậm lại có thể ảnh hưởng đến số lượng đặt hàng dệt may từ hai thị trường này với doanh nghiệp may trong nước.

“Giải pháp hiện nay là chúng tôi đang tìm kiếm các khách hàng mới từ thị trường châu Âu, đa dạng khách hàng”, ông Tùng cho biết.

Nhiều doanh nghiệp chia sẻ, họ đang mong đợi những chính sách hỗ trợ kinh tế của Chính phủ, nhưng không mong muốn đó là nới lỏng chính sách tiền tệ.

“Biện pháp hỗ trợ nên tập trung vào các đích cụ thể để tạo động lực lan toả, thay vì nới lỏng để tiền chảy vào bất động sản mà giá đã tăng cao hoặc vào chứng khoán rồi sau đó nền kinh tế chịu tác động xấu”, giám đốc tài chính một doanh nghiệp bất động sản phía Bắc nói.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, thị trường đang dư cung tiền, trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm đang có mức lãi suất rất thấp, lương tiền Chính phủ mua vào 9 tỷ USD năm ngoái chưa được hút về…, nên nếu nới lỏng tiền tệ thì thực tế sẽ không có tác dụng.

Ở thời điểm hiện tại, các biện pháp hỗ trợ kiểu kích cầu không những không có tác dụng, thậm chí còn cản trở quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

“Theo thống kê của tôi, 3 năm qua, tăng trưởng tín dụng giảm nhưng GDP vẫn tăng trưởng nhờ tăng thu hút vốn đầu tư tư nước ngoài là đòn bẩy tạo động lực phát triển, chuyển dịch kinh tế. Chuyển dịch kinh tế tạo nên những giá trị mới, các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ nếu có nên tập trung vào hỗ trợ, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế để nền kinh tế hiệu quả hơn trong tương lai, khi các doanh nghiệp, các mô hình kinh doanh cũ bị sàng lọc”, ông Hiển nhấn mạnh.

Thành Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục