Chưa lo “bong bóng” chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tuần qua, một đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan ngại về tính bền vững của nguồn thu ngân sách khi thu thuế từ lĩnh vực chứng khoán, bất động sản tăng cao, kéo theo sự tăng trưởng tổng thu ngân sách 9 tháng đầu năm nay, mặc dù ngân sách Trung ương hụt thu hơn 29.000 tỷ đồng.
Ảnh: Dũng Minh. Ảnh: Dũng Minh.

Vị này cũng lo ngại hiện tượng “bong bóng” tài sản có thể xảy ra trong tương lai nếu nhiều nhà đầu tư vay vốn rẻ của ngân hàng nhưng không đầu tư sản xuất, mà đầu cơ vào chứng khoán, bất động sản.

Thực tế, thời gian gần đây, thị trường chứng khoán liên tục xuất hiện các phiên giao dịch đạt thanh khoản hơn 1 tỷ USD, có thời điểm khối lượng giao dịch trên ba sàn đạt 2,3 tỷ USD. Chỉ số VN-Index liên tiếp lập đỉnh mới, đạt 1.460 điểm vào ngày 10/11/2021. Do kiếm lời dễ dàng, hoạt động mua bán cổ phiếu trong thời dịch ngày càng lan rộng, tạo nên những “cơn sốt” lớn, nhỏ.

Trong lĩnh vực bất động sản, sau một thời gian im ắng, giá đất tại nhiều địa phương lại tăng chóng mặt, khiến thị trường nổi lên những cơn sốt cục bộ.

Nhìn lại quá khứ, thị trường bất động sản đã hai lần xảy ra tình trạng “bong bóng” bất động sản vào năm 2007 và 2010. Sau này, trong báo cáo của mình, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, có nguyên nhân do chính sách nới lỏng tín dụng: ngân hàng cho vay dưới chuẩn, thiếu kiểm soát rủi ro; gói kích cầu quy mô 1 tỷ USD hồi giữa năm 2009 được sử dụng sai mục đích để đầu tư vào bất động sản…

Còn “thời kỳ đen tối nhất” của thị trường chứng khoán Việt Nam thì đã từng xảy ra vào những năm 2007, 2008. Ngày 12/3/2007, chỉ số VN-Index đạt đỉnh lịch sử 1.170,67 điểm trong khi đầu năm 2006 mới đạt 300 điểm. Sau khủng hoảng tài chính 2008, đến tháng 2/2009, VN-Index rớt xuống 240 điểm. Câu chuyện này cũng có một phần nguyên nhân từ tác động của chính sách tiền tệ thời điểm đó.

Từ bài học quá khứ này, nhiều ý kiến cho rằng, có cơ sở để lo ngại nguy cơ “bong bóng” tài sản có thể xuất hiện trong bối cảnh nền sản xuất chưa kịp hồi phục, Chính phủ bơm tiền vào nền kinh tế để kích cầu nhưng sẽ bị một số người sử dụng sai mục đích, thay vì đầu tư vào sản xuất thì đổ tiền vào đất và chứng khoán.

Tuy vậy, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Quân đội (MBS) không đồng tình với quan điểm này. Theo ông Sơn, thị trường hiện vẫn đang ở giai đoạn hấp dẫn và không nhìn thấy nguy cơ “bong bóng” trong ngắn hạn. “Thị trường đang đi lên một mặt bằng mới, có sự khác biệt, có thể nói là trưởng thành so với 20 năm trước đây”, ông Sơn nói.

Ông Sơn phân tích, nhìn chung, khi Chính phủ bơm tiền cứu nền kinh tế thì các thị trường tài sản sẽ được hưởng lợi. “So với một năm trước, VN-Index đã tăng 30%, nằm trong Top tăng nhanh nhất thế giới. Giai đoạn này cũng có những cổ phiếu tăng nóng như cổ phiếu bất động sản, dầu khí, phân bón, thép… Tuy nhiên, nhìn chung, P/E toàn thị trường hiện đang là 17 lần thì chưa phải nóng so với các mức đỉnh cũ. Nó chỉ không còn quá hấp dẫn về mặt định giá nữa, nhưng chưa đến lúc phải cảnh báo”, ông Sơn nói.

Từ góc nhìn của ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SGI (SGI Capital), thị trường tài sản đang vận động theo đúng quy luật bình thường.

Định giá của cổ phiếu bây giờ là 17 lần, là mức trung vị rất bình thường so với quá khứ và so với thế giới.

Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SGI

Theo ông Phúc, thị trường chứng khoán trở thành kênh đầu tư hấp dẫn nhà đầu tư khi họ mất nguồn thu từ sản xuất và giảm nguồn thu từ lãi suất tiết kiệm.

“Định giá của cổ phiếu bây giờ là 17 lần, là mức trung vị rất bình thường so với quá khứ và so với thế giới. Ở các nước đang phát triển, P/E trên 20 lần, ở các nước phát triển còn cao hơn”, ông Phúc nói.

Trong khi đó, ông Chu Tuấn Linh, Phó giám đốc khối IB, Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) cho rằng, chưa cần phải cảnh báo rủi ro đối với thị trường, bởi vì rất khó xảy ra khủng hoảng như những năm 2007, 2010.

Tiềm lực kinh tế của Việt Nam đã khác trước, thể hiện ở dự trữ ngoại hối hơn 100 tỷ USD, gấp 10 lần năm 2007; kinh tế vĩ mô chưa phải khởi sắc nhưng vẫn ổn định, lạm phát được kiềm chế, các dư địa chính sách còn nhiều để can thiệp vào thị trường, kinh nghiệm chèo lái của doanh nghiệp, của người làm chính sách kinh tế tốt hơn… nên không có chuyện chấp nhận rủi ro khi đẩy vốn quá nhiều ra thị trường.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,205.61 28.21 2.34% 198,469 tỷ
HNX 227.87 5.24 2.3% 1,609 tỷ
UPCOM 88.37 0.86 0.98% 414 tỷ