Chú trọng sự phát triển bền vững của thị trường

(ĐTCK) Năm 2022, TTCK được kỳ vọng tiếp tục có bước phát triển ngoạn mục, tạo lập nền tảng vững chắc cho việc thực hiện Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2030. Nhân dịp năm mới, Đầu tư Chứng khoán trò chuyện với ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Chú trọng sự phát triển bền vững của thị trường

Năm qua chứng kiến sự bùng nổ và dẫn dắt của dòng tiền trên TTCK Việt Nam với sự tham gia hào hứng của các nhà đầu tư. Cơ quan quản lý có nhận xét gì về sự phát triển này, thưa ông?

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

TTCK Việt Nam vừa có một năm tăng trưởng vượt kỳ vọng. Chỉ số VN-Index tăng xấp xỉ 35,7%; chỉ số HNX-Index tăng 133,4%, so với cuối năm 2020. Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu tiếp tục tăng trưởng đột phá, đạt mức 26.600 tỷ đồng/phiên, tăng 2,6 lần so với năm 2020, riêng trong tháng 9, thị trường liên tục đạt mức giao dịch trên 1 tỷ USD/phiên, trong đó có những phiên đạt trên 2 tỷ USD.

Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7,77 triệu tỷ đồng, tăng 46,8% và đạt 123,5% GDP của năm 2020, tương đương 92,6% GDP ước tính của năm 2021. Theo thống kê chưa đầy đủ, trên 80% công ty đại chúng quy mô lớn trên TTCK kinh doanh có lãi, với mức lãi tăng 33% so với năm 2020, một tỷ lệ rất đáng khích lệ trong năm thứ 2 của đại dịch Covid-19.

Trong 2 năm qua, chúng ta có lẽ đã dần quen với khái niệm "bình thường mới" của TTCK. Năm 2020 - 2021, ngân hàng trung ương các nước giảm lãi suất là trạng thái bình thường mới, việc tăng quy mô và thanh khoản của TTCK cũng là bình thường mới.

Ở các TTCK phát triển như Mỹ chẳng hạn, chúng ta cũng quan sát thấy số lượng nhà đầu tư mới tăng kỷ lục. Trên TTCK Việt Nam, năm 2021 có khoảng 1,5 triệu tài khoản chứng khoán mở mới. Quan sát của chúng tôi cho thấy, chất lượng tài khoản mở mới tăng cao hơn, nhiều tài khoản tham gia giao dịch với giá trị lớn.

Những con số trên cho thấy TTCK đã thực sự trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu cho sự phát triển kinh tế của đất nước, doanh nghiệp và đặc biệt là kênh đầu tư hấp dẫn cho công chúng, nhà đầu tư cá nhân trong nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Thị trường tăng trưởng như vậy đã thực hiện tốt chức năng huy động vốn cho các doanh nghiệp trong năm qua, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó, thưa ông?

Đúng là cần nhìn nhận yếu tố tích cực này từ thị trường. Trước đây, khi chưa có TTCK, vai trò cấp vốn ngắn, trung, dài hạn cho doanh nghiệp đều đặt lên vai hệ thống ngân hàng. Nhưng với sự phát triển tốt của TTCK, tỷ trọng dẫn vốn cho nền kinh tế qua kênh chứng khoán đang ngày càng lớn dần và giảm gánh nặng lên hệ thống tín dụng.

Số liệu của chúng tôi cho thấy, giá trị huy động vốn của các doanh nghiệp thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá cổ phần hóa ước đạt 143.924 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với năm trước đó.

Đây thực sự là những con số ấn tượng, giúp nhiều doanh nghiệp có điều kiện mở rộng đầu tư, sản xuất - kinh doanh, góp phần thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, cải cách doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu nợ công, hỗ trợ quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.

Huy động vốn cho ngân sách nhà nước thông qua đấu thầu trái phiếu chính phủ cũng là một năm thành công với mức huy động trên 318.600 tỷ đồng với mức lãi suất bình quân thấp kỷ lục 2,9% và kỳ hạn phát hành bình quân dài nhất - 13,92 năm.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã bước đầu hội nhập thành công, có thể cạnh tranh với những “đối thủ” lớn trên sân chơi quốc tế, thiết lập các mốc tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận rất tích cực.

Đặc biệt, sự phát triển của các doanh nghiệp tạo điều kiện tốt cho họ huy động vốn từ các cổ đông chiến lược nước ngoài và trong nước, để cùng hướng đến các giá trị mới, giúp công ty vươn tầm với các dự án, chiến lược đầu tư triển vọng hơn.

Vậy đâu sẽ là điểm tựa của thị trường trong năm 2022, thưa ông?

Năm 2022, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5%/năm. Nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế gần đây đều tin tưởng vào khả năng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Chương trình phục hồi kinh tế đã được Quốc hội thông qua với thời gian áp dụng tập trung trong 2 năm 2022 - 2023 sẽ tác động lớn đến nền kinh tế và sự phát triển của doanh nghiệp, qua đó gián tiếp tác động đến TTCK Việt Nam theo chiều hướng thuận lợi nhiều hơn.

Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam gia nhập gần đây cũng đem lại cho chúng ta những kỳ vọng lớn, không chỉ với doanh nghiệp khi có thêm các thị trường mới, các điều kiện gia nhập sân chơi quốc tế thuận lợi hơn, mà quan trọng hơn là Chính phủ đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh để phù hợp với các cam kết của tổ chức quốc tế, đồng thời gia tăng cơ hội thu hút các nguồn lực, nhà đầu tư.

Khi kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng tốt sẽ là những nền tảng cơ bản cho sự phát triển của TTCK.

Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục duy trì trong năm 2022, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước gần đây cũng cho biết, năm 2022 sẽ khuyến khích các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, do vậy dòng tiền có khả năng vẫn tiếp tục được thu hút vào TTCK.

Thị trường có nhiều yếu tố tích cực trên nền tảng kế thừa năm 2021, nhưng vẫn có nhiều thách thức.

Đó là nguy cơ của đại dịch covid-19 vẫn còn có nhiều diễn biến phức tạp kéo dài và tiếp tục tác động đến nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng.

Chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới, các gói kích thích kinh tế siết lại, lạm phát cao. Việc gia tăng của giá nguyên vật liệu cũng là những thách thức với hoạt động của doanh nghiệp.

Ngoài ra, mặt bằng giá chứng khoán đã lên cao cũng tạo ra những rủi ro khi thị trường điều chỉnh. Đó là những yếu tố nhà đầu tư cần xem xét để quản trị rủi ro.

Phát triển bền vững luôn là mục tiêu được cơ quan quản lý thị trường nhấn mạnh. Định hướng này sẽ được thực hiện ra sao trong thời gian tới, thưa ông?

Hiện nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang xây dựng để trình Bộ Tài chính Chiến lược phát triển thị trường tới năm 2030.

Quan điểm chủ đạo là chúng ta sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới, trước đây tập trung nhiều vào quy mô và sản phẩm, thời gian tới sẽ tập trung phát triển thị trường theo chiều sâu, tăng chất lượng, phát triển bền vững hơn như tập trung tổ chức triển khai Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn, củng cố và phát triển thị trương trái phiếu, tăng cường chất lượng của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, hàng hóa thị trường...

Đặc biệt là việc thi hành pháp luật về chứng khoán và TTCK nghiêm khắc sẽ góp phần cải thiện chất lượng hàng hóa, chất lượng các doanh nghiệp trên thị trường; thu hút vốn đầu tư của nhà đầu tư trong và ngoài nước; nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường; tăng tính công khai, minh bạch, bảo đảm TTCK hoạt động bền vững, an toàn, chuyên nghiệp, hiện đại.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Sở giao dịch sẽ tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Thủy Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục