Phát triển thị trường chứng khoán chất lượng và bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Việt Nam bước sang năm 2022 với kỳ vọng phát triển ngày càng vững chắc hơn, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngày 11/12/2021, Bộ Tài chính đã tổ chức Lễ ra mắt Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX). Ngày 11/12/2021, Bộ Tài chính đã tổ chức Lễ ra mắt Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX).

“Năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển lên một đỉnh cao mới”

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính.

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính.

Thị trường chứng khoán năm 2021 đã có sự phát triển vượt bậc, từng bước khẳng định vị thế quan trọng là kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Với vai trò là cơ quan quản lý thị trường, tổ chức thị trường và giám sát thị trường, Bộ Tài chính đã luôn theo sát thị trường trong thời gian qua.

Với mục tiêu đưa thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững, ngày càng minh bạch, chuyên nghiệp và đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia, Bộ Tài chính cam kết luôn theo sát, hỗ trợ thị trường phát triển và chủ động các giải pháp cụ thể để giải quyết các vấn đề phát sinh. Chúng ta hy vọng và hoàn toàn tin tưởng năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển lên một đỉnh cao mới.

Hiện Bộ Tài chính đang cùng với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045. Căn cứ, cơ sở để xây dựng chiến lược này là chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thị trường chứng khoán là một bộ phận cấu thành của Chiến lược phát triển kinh tế, phát triển đất nước.

Quan điểm bao trùm khi xây dựng chiến lược là phát triển thị trường đồng bộ, thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính, gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu nền kinh tế, đảm bảo liên kết thị trường tài chính với thị trường tiền tệ, mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động thị trường trên cơ sở chú trọng ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ 4.0, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của nền kinh tế đang rất mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, sẽ quản lý giám sát thị trường chứng khoán trên cơ sở quản lý rủi ro, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các chủ thể tham gia thị trường, đảm bảo tính minh bạch, an toàn và bền vững của thị trường. Nhà nước quản lý thị trường bằng pháp luật, bằng khuôn khổ pháp lý, bằng hệ thống các quy định pháp luật thị trường.

Chúng ta sẽ xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán là kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ yếu của nền kinh tế.

Trước đây, khi chưa có thị trường chứng khoán, vai trò cấp vốn ngắn, trung, dài hạn cho doanh nghiệp đều đặt lên vai hệ thống ngân hàng. Nhưng từ khi chúng ta xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán, gánh nặng này của hệ thống tín dụng được san sẻ. Tỷ trọng dẫn vốn cho nền kinh tế của kênh chứng khoán cũng ngày càng lớn dần so với hệ thống ngân hàng.

Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam cũng gắn liền với sự phát triển của thị trường khu vực, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Theo đó, sẽ đưa các chuẩn mực, thông lệ tốt trên các thị trường quốc tế vào áp dụng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong giai đoạn mới, thị trường chứng khoán sẽ được định hướng phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng và tính thanh khoản thị trường, trong đó thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP (GDP đã điều chỉnh) vào năm 2025 và 110% GDP vào năm 2030…

Đối với thị trường trái phiếu, mục tiêu hướng tới là quy mô thị trường đạt 47% GDP vào năm 2025 và 58% GDP vào năm 2030. Cơ cấu thị trường cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ được phát triển hợp lý.

Với thị trường chứng khoán phái sinh, mục tiêu tốc độ, quy mô tăng 20 - 30%/năm; số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số vào năm 2025, đạt 8% vào năm 2030, với cơ cấu nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư cá nhân, trong nước, ngoài nước hợp lý.

Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chủ động hội nhập với thị trường chứng khoán thế giới và mục tiêu là sẽ nằm trong nhóm 4 thị trường lớn nhất trong khu vực ASEAN.

“Tập trung phát triển thị trường chứng khoán theo chiều sâu và tăng trưởng bền vững hơn”

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Có lẽ chúng ta cần làm quen với khái niệm "bình thường mới" của thị trường chứng khoán. Năm 2020-2021, ngân hàng trung ương các nước giảm lãi suất là trạng thái bình thường mới, việc tăng quy mô và thanh khoản của thị trường chứng khoán cũng là bình thường mới. Ở các thị trường chứng khoán phát triển như Mỹ chẳng hạn, chúng ta cũng quan sát thấy số lượng nhà đầu tư mới tăng kỷ lục.

Với thị trường chứng khoán Việt Nam, năm 2021 có khoảng 1,5 triệu tài khoản chứng khoán mở mới. Quan sát của chúng tôi cho thấy chất lượng tài khoản mở mới cao hơn, quy mô giao dịch và nhiều tài khoản tham gia giao dịch với giá trị lớn. Nếu nhìn vào thống kê so với năm 2020 cũng thấy nhà đầu tư vay margin không nhiều, mà phần lớn sử dụng “tiền thật”.

Năm qua, chúng ta cũng quan sát thấy nhà đầu tư nước ngoài bán ròng rất lớn, số liệu thống kê cho thấy họ bán ròng khoảng 2,3 tỷ USD. Tuy vậy, họ rút ròng tính đến 21/12/2021 chưa đến 1,2 tỷ USD, trong khi năm ngoái họ rút ròng 1,53 tỷ USD. Điều này cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn để tiền mặt khá lớn trên thị trường.

Điểm sáng trên thị trường chứng khoán là giá trị trái phiếu doanh nghiệp huy động được 500.000 tỷ đồng, một con số lớn, góp phần hỗ trợ dòng vốn cho nhiều doanh nghiệp trong năm 2021.

Nhìn sang năm 2022, thị trường có nhiều yếu tố tích cực trên nền tảng kế thừa năm 2021 nhưng vẫn có nhiều thách thức. Đó là chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới, các gói kích thích kinh tế giảm, lạm phát cao. Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng mạnh.

Tốc độ tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết có xu hướng chậm lại, nếu như quý II/2021, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tăng 67% thì hết quý III/2021 tăng 33%. Đó là những yếu tố nhà đầu tư cần xem xét để quản trị rủi ro.

Hiện nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã trình Bộ Tài chính Chiến lược phát triển thị trường 10 năm tới. Quan điểm chủ đạo là chúng ta sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới, trước đây tập trung nhiều vào quy mô và sản phẩm, thời gian tới sẽ tập trung phát triển thị trường theo chiều sâu, tăng chất lượng, phát triển bền vững hơn.

Phát triển thị trường cổ phiếu, trái phiếu, các yếu tố quản trị doanh nghiệp, công tác thanh tra giám sát sẽ được tập trung với quan điểm chất lượng đặt lên hàng đầu.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ