Có nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại rằng, khi Nhà nước thoái vốn tại các DN lớn, kinh doanh hiệu quả sẽ dẫn đến việc các thương hiệu lớn của Việt Nam có nguy cơ bị thâu tóm, rơi vào tay nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, những quan niệm như vậy là sai lầm. Với cơ chế hội nhập này, đừng phân biệt DN Việt và DN nước ngoài.
DN nước ngoài đến Việt Nam đầu tư cũng nên coi là DN Việt Nam. Còn lo ngại về chuyện giá cả hàng hóa bị lũng đoạn, chúng ta đã có cả một hệ thống pháp luật, từ Luật Cạnh tranh, Luật Quản lý thuế… để bao quát. Vấn đề quan trọng là thực hiện pháp luật có nghiêm không, nếu thực thi không nghiêm thì không chỉ DN nước ngoài mà cả Việt Nam cũng có những vi phạm.
Sự thoái vốn tại các công ty lớn sẽ tạo ra không gian mà ở đó dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội tiếp cận DN tốt và tiềm năng. Tất nhiên, cần cân nhắc thời điểm bán, tránh tạo ra tâm lý rằng Nhà nước đang thiếu nguồn nên phải bán đi những cổ phiếu tốt nhất vì bán thời điểm này thực sự giá không tốt. Việc thoái vốn do đó nên thông qua bán lô lớn cho các nhà đầu tư chiến lược, vừa được giá và đảm bảo thực hiện nhanh chóng, đặc biệt phải thực hiện theo phương thức đấu giá cạnh tranh ở các Sở giao dịch để đảm bảo minh bạch và công bằng.
Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT CTCP Tasco
Tác động của quyết sách này đến thị trường vốn, có thể có nhưng không nhiều. Trên thực tế, thị trường vốn hoàn toàn phụ thuộc vào sức khỏe kinh tế vĩ mô, niềm tin của người dân với đồng tiền nội tệ, nếu niềm tin ấy yếu, người ta sẽ không bỏ tiền nhàn rỗi vào chứng khoán và kênh tín dụng. Trong khi DN kinh doanh trông vào 2 kênh cấp vốn đó. Bởi vậy, chúng ta phải xây dựng được nền kinh tế tốt thì mới hấp dẫn và giữ an được tâm lý nhà đầu tư.
Hàng tỷ USD thu được từ thoái vốn tại các DN lớn, không chỉ là 10 DN có vốn do SCIC quản lý mà còn nhiều DN mà Nhà nước đang chi phối vốn khác nên sử dụng vào việc gì?
Nên chăng, đưa vào đầu tư hạ tầng, kích thích cho nền kinh tế đi lên thì hiệu quả mang lại sẽ lớn hơn nhiều so với để cổ phần lại và Nhà nước hưởng cổ tức. Nền kinh tế phát triển phải có hệ thống hạ tầng tốt, chúng ta cần một nguồn lực của Nhà nước để làm vốn mồi, để kích thích các nguồn lực xã hội khác tham gia đầu tư. Hạ tầng mà xập xệ thì kinh tế làm sao phát triển?
Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, giao thông vận tải là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đầu tư hạ tầng giao thông được coi là nền tảng góp phần bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế và đầu tư nước ngoài, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chỉ tính riêng phát triển giao thông đường bộ, theo quy hoạch đến năm 2020, ước tính nhu cầu vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ bình quân khoảng 202.000 tỷ đồng/năm; trong đó, một số dự án giao thông quan trọng, cấp bách như Quốc lộ 1 cần bình quân 22.000 tỷ đồng/năm; đường Hồ Chí Minh bình quân 27.000 tỷ đồng/năm... Như vậy, việc huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội để đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông là rất cần thiết.
Nhìn rộng hơn với cơ chế hội nhập rộng mở như hiện nay, Nhà nước cần hạ tỷ lệ nắm giữ tại nhiều DN lớn khác. Nhà nước chỉ cần nắm giữ cổ phần chi phối tại những DN mà các thành phần kinh tế khác không muốn hoặc không đủ khả năng đầu tư, quản lý, hoặc những lĩnh vực cần độc quyền.
Quyết định thoái vốn nhà nước tại các DN lớn, DN đầu ngành cũng cho thấy quyết tâm đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng thị trường của Chính phủ. Để thay đổi quản trị và thay đổi về chất của các DNNN, DNNN sau cổ phần hóa là không đơn giản nếu không có những nhân tố rất mới, những nhà đầu tư chiến lược tham gia vào DN. Tư duy và cách làm cũ đã ăn sâu vào đầu mỗi con người mấy chục năm từ thời kinh tế bao cấp, thời kinh tế kế hoạch hóa sẽ rất khó thay đổi.
Trên thực tế, có ít DNNN tự chuyển đổi theo thị trường và tạo ra những bước nhảy vọt trong hiệu quả hoạt động DN. Bởi vậy, ở những DN mà Nhà nước không thể quản lý chặt chẽ được, chậm thoái vốn ngày nào, Nhà nước có nguy cơ mất vốn ngày ấy.