Cụ thể, trong số các hệ thống siêu thị đề nghị tăng chiết khấu năm 2016 thì Big C Việt Nam đòi cao nhất, tăng thêm 4,25 - 5% so với năm 2015. Với mức tăng thêm này, doanh nghiệp phải chịu mức chiết khấu lên đến 17 - 20%, thậm chí có mặt hàng chịu chiết khấu lên đến 25%.
"Trứng và cánh gà CP (Thái Lan) được bày bán hầu hết tại các siêu thị ở Hà Nội, còn gà Yên Thế của Việt Nam ở đâu. Chúng ta tự hại chúng ta 7 phần, sức ép từ bên ngoài từ Thái, Mỹ, Úc...thực tế chỉ chiếm 3 phần" - ông Vũ Vinh Phú.
Bàn luận về vấn đề này, tại Hội thảo Thị trường bán lẻ Việt Nam cơ hội và thách thức ngày 18/5, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, đã chỉ ra một loạt những tồn tại của thị trường bán lẻ trong nước, nếu không thay đổi thì chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà. Không chỉ Big C mà siêu thị nội cũng ép chiết khấu, đủ các loại phí như phí tạo mã, phí sinh nhật, đầu kệ, doanh nghiệp…
“Tôi biết có những siêu thị riêng phí tạo mã 100 USD. Phí tạo mã hàng triệu thì giết nhà sản xuất Việt Nam”, ông Phú bức xúc.
Ông Phú cho rằng với cách làm này, chúng ta tự hại chúng ta, phân phối yếu thì sản xuất cũng chết.
“Trứng và cánh gà CP (Thái Lan) được bày bán hầu hết tại các siêu thị ở Hà Nội, còn gà Yên Thế của Việt Nam ở đâu. Chúng ta tự hại chúng ta 7 phần, sức ép từ bên ngoài từ Thái, Mỹ, Úc...thực tế chỉ chiếm 3 phần”, ông Phú nói.
Còn ông Dương Duy Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng: Chủ Thái Lan hay chủ nào đi nữa họ cũng phải tính đến câu chuyện phát triển lâu dài, có lợi nhuận. Không phải đặt chiết khấu cao để giải tán một số khách hàng.
Thị trường hàng hóa tiêu dùng chọn cái gì thì nhà sản xuất, phân phối chọn loại hàng hóa đó. Do đó chúng ta phải tập trung vào việc người tiêu dùng Việt Nam đang ở mức độ nào, chọn hàng hóa, mẫu mã như thế nào để tập trung hệ thống phân phối, sản xuất nâng cao năng lực, hạ giá thành sản phẩm…
“Vấn đề chiết khấu theo tôi nghĩ không phải để gạt ai ra, đưa ai vào. Thị trường có luật chơi của thị trường, các doanh nghiệp FDI, trong nước phải tuân thủ luật chơi đó thì mới sống được”, ông Hưng nói.
Ông Phú lấy dẫn chứng: Như 700m đường Thái Thịnh quy hoạch 3 siêu thị. Tại đây đã có siêu thị Hapro, Lotte nhưng sau đó cắm luôn Fivimart ở giữa. Chỉ sau 3 tháng Hapro đóng cửa, không thể hiểu nổi cách bố trí “binh trận” ở Hà Nội như thế nào?
Hay trường hợp của Hapro, có hàng trăm tỷ đồng bình ổn giá song giá bán vẫn cao hơn bên ngoài.
“Không hiểu sử dụng vốn, quỹ bình ổn như thế nào, tôi cho rằng có lợi ích nhóm”, ông Phú đặt nghi vấn.
Rồi một gói mì chính bán tại siêu thị Lotte cũng có giá rẻ hơn khi so sánh với siêu thị Hapro. Một chục trứng ở Vĩnh Phú chỉ 20.000 đồng nhưng vào siêu thị có giá 47.000 đồng. Hay như giá của chai dầu ăn tại siêu thị nội cũng cao hơn so với giá bán tại các siêu thị nước ngoài.
“Phải tổ chức lại sản xuất, đưa từ sản xuất đến bán lẻ, chứ không phải cứ ngồi ở máy lạnh chờ người ra mang hàng”, ông Phú nhấn mạnh.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội
Theo ông Phú, mua bán sáp nhập trong những năm tới sẽ rất mạnh mẽ, chúng ta đang bị sức ép kinh khủng, nếu không vươn lên sẽ bị thôn tính. Hiện nay hàng điện máy Thái Lan chiếm 75% trong các siêu thị điện máy; hoa quả Thái Lan chiếm hơn 40%....
Sau khi nhà bán lẻ Thái Lan mua lại Big C, tổng cộng Metro và Big C có 52/100 điểm bán lẻ hiện đại, chiếm 50% thị phần bán lẻ hiện đại. Đáng nói là 1 điểm bán lẻ ngoại có doanh số gấp 4 lần Việt Nam. Nhìn thực tế để biết họ lấn như thế nào.
PGS.TS Nguyễn Văn Nam, viện Nghiên cứu thương mại cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam là thị trường tiềm năng nhưng chính sách quản lý dường như không rõ ràng. Trong khi doanh nghiệp nước ngoài phát triển khá thong dong, thì doanh nghiệp trong nước rất khó khăn, chật vật, mặt bằng còn không có, bao nhiêu khó khăn đổ ập. Muốn cạnh tranh được phải có môi trường tốt. Đối sách phát triển phải rõ ràng nếu không đội quân này ngày càng hao mòn.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết: cách đây 5 năm, doanh nghiệp bán lẻ yêu cầu có ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước để có hệ thống vị trí đẹp, thậm chí thuế, vay ưu đãi. Đó là những yêu cầu chính đáng. Nhưng thời gian vừa qua chính các doanh nghiệp đó, sau khi ổn định, phát triển lại bán cho nước ngoài.
“Phải chăng chúng ta giúp hệ thống bán lẻ của nước ngoài tại Việt Nam, phải nhìn nhận khách quan. Nếu cứ theo trào lưu phải hỗ trợ cho doanh nghiệp bán lẻ thế này, thế kia thì khi họ bán hết thì sẽ ra sao. Toàn những ông lớn như Phú Thái, Nguyễn Kim, Kinh Đô. Nếu không cẩn thận thì chúng ta đang hỗ trợ cho chính các doanh nghiệp nước ngoài mà đấy là những doanh nghiệp lớn, có tiếng nói”, Thứ trưởng cho hay.
Đồng tình với ý kiến này, ông Vũ Vinh Phú cũng cho rằng không còn dư địa hỗ trợ, nếu không cạnh tranh thì phá sản, thua ngay trên sân nhà. Không nên quá ưu ái bởi một số doanh nghiệp được ưu ái sau đó bán cổ phần cho doanh nghiệp nước ngoài như Fivimart.
“Mong muốn sự cạnh tranh để người tiêu dùng hưởng lợi và doanh nghệp vươn lên, thị trường còn nhiều tiềm năng, đặc biệt là ở nông thôn”, ông Phú bày tỏ.
Ngoài ra ông Phú cũng cho rằng cần tạo ra môi trường bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài: đất đai, vốn…
“Rồi đây khi thuế suất chỉ còn 0- 5% năm 2018 thì chúng ta không cản được hàng hóa nước ngoài vào, chúng ta chấp nhận cuộc cạnh tranh về hàng hóa, mẫu mã. Hãy làm ăn thực tế, có trách nhiệm với thị trường thì mới cạnh trannh được chứ đừng mong bảo hộ”, ông Phú nhắn nhủ đến các doanh nghiệp.
Ông Dương Duy Hưng cho biết, hội nhập nói chung và hội nhập trong lĩnh vực bán lẻ nói riêng có nhiều khốc liệt, xuất phát từ nhiều phía. Theo ông, bản thân doanh nghiệp cần chủ động trong điều kiện hiện tại, chơi trong sân chơi đảm bảo công bằng, tuân thủ các cam kết.
“Không dám bình luận rằng doanh nghiệp đang bị động nhưng rõ ràng cần sự vào cuộc của doanh nghiệp sản xuất trong nước. Chơi trong một sân chơi công bằng, chúng ta phải tuân thủ cam kết, không có cách nào hỗ trợ riêng, Chính phủ và doanh nghiệp phải cùng vào cuộc”, ông Hưng nói.
TS. Lê Huy Khôi, Viện nghiên cứu thương mại cũng cho rằng, làn sóng mua bán, sáp nhập sẽ tạo nên sức ép cho nhà bán lẻ trong nước. Cần phải thực hiện kiểm tra, thanh tra về việc tuân thủ pháp luật đối với các đơn vị bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài; cho thuê đất, giao đất Nhà nước cần ràng buộc cụ thể đối với nhà bán lẻ nước ngoài, chẳng hạn khi được giao đất phải cam kết hoạt động ít nhất hai phần ba thời gian được giao đất, hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ trong nước…