Ô nhiễm môi trường, không khí và nguồn nước là những vấn đề nóng bỏng của Hà Nội trong những ngày qua.
Tại buổi tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, các cử tri cũng liên tiếp bày tỏ lo lắng, bất an trước các vấn đề này, đặc biệt trước thông tin “Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới”.
Chỉ số quan trắc môi trường diễn biến xấu
Chia sẻ lo lắng với cử tri, Chủ tịch Hà Nội trấn an rằng trong nhiều năm qua, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp để làm giảm ô nhiễm môi trường, trong đó có ô nhiễm không khí.
Cụ thể, thành phố đã làm việc với tập đoàn của Pháp, sang nước bạn học hỏi và có cả chuyên gia Pháp được cử sang để nghiên cứu vấn đề ô nhiễm của Hà Nội.
Từ đầu 2016, thành phố đã tiến hành lắp các trạm quan trắc không khí. Đến quý I/2017, trên địa bàn Hà Nội đã lắp được 10 trạm quan trắc không khí cộng với 4 trạm đang hoạt động trước đó. Ngoài ra, còn có một số trạm quan trắc của đại sứ quán một số nước đặt trên địa bàn thành phố.
Nhưng diễn biến từ 2018 đến tháng 9/2019 lại cho thấy các chỉ số quan trắc môi trường có diễn biến xấu nhiều hơn. Qua nghiên cứu của Hà Nội những năm qua, ông Chung cho biết thành phố đã xác định được các nguồn gây ô nhiễm.
Trước hết, nguồn ô nhiễm lớn nhất hiện nay từ khí thải của các phương tiện xe máy và ôtô.
Từ thực tế này, người đứng đầu chính quyền thành phố nhấn mạnh quyết tâm hạn chế nguồn ô nhiễm này, nhưng vẫn cần có “bày tay của Chính phủ”.
Theo ông Chung, Chính phủ và Quốc hội đã có nghị quyết về kiểm soát khói, bụi của các xe máy, ôtô quá hạn. Đây là vấn đề thuộc trách nhiệm của các bộ GTVT, TN&MT, KH&CN, song thành phố sẽ phối hợp để rà soát.
“Rất mong cử tri đồng tình ủng hộ để chúng ta dần thu hồi xe máy, ôtô quá hạn, bởi đây là nguồn ô nhiễm nặng nhất, tạo ra khói nhiều nhất.
Nguồn ô nhiễm tiếp theo được ông Chung đề cập là từ khói than tổ ong. Qua khảo sát trên địa bàn 12 quận, ông Chung cho biết có xấp xỉ gần 55.000 gia đình đang sử dụng than tổ ong, trong đó có 36% là các hộ kinh doanh bán hàng.
Một số nguồn ô nhiễm khác xuất phát từ quá trình tháo dỡ các công trình xây dựng, vận chuyển phế thải rắn hay mùi hôi thối từ các hệ thống thoát nước chưa được xử lý được, mùi của các trại chăn nuôi cá nhân, hộ gia đình xung quanh Hà Nội, hiện tượng đốt rơm rạ và rác thải cộng với thu gom rác thải chưa tốt…
Biến đổi khí hậu cũng được xác định là một phần nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường ở Hà Nội.
2020 sẽ có nhà máy đốt rác phát điện 4.000 tấn
“Từ những nguyên nhân đó, thành phố đã xây dựng kế hoạch, trình HĐND ban hành nghị quyết về các giải pháp để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân thủ đô, trong đó giảm ô nhiễm không khí, môi trường”, ông Chung nói.
Ngoài triển khai các trạm quan trắc, thành phố cũng đưa ra chính sách hỗ trợ để đến 2020 không còn người dân dùng tham tổ ong, tổ chức tuyên truyền để người dân không đốt rơm rạ vào mùa giáp hạt, hay nạo vét, xử lý ô nhiễm ở sông, hồ…
Ngoài ra, ông Chung cho biết thành phố đang triển khai 3 nhà máy đốt rác phát điện trên địa bàn, trong đó có nhà máy 4.000 tấn ở Sóc Sơn đang phấn đấu tháng khánh thành vào tháng 10/2020 khánh thành.
“Những vấn đề ở Hà Nội thì Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung đã giải đáp rất cặn kẽ, cụ thể. Tôi với tư cách là công dân Hà Nội, có 10 năm làm Phó bí thư, Bí thư Hà Nội, chỉ kiến nghị với lãnh đạo Hà Nội là hết sức quan tâm vấn đề chiến lược. Thủ đô chưa bao giờ phát triển và có được quy mô thế này, vì vậy phải chú ý toàn diện, phát triển kinh tế là trung tâm, nhưng nói đến Hà Nội phải nói đến văn hóa, đạo đức, giữ môi trường hòa bình, ổn định” - Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.