Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội vừa đề nghị Bộ GTVT xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung đoạn tuyến đường 70 kéo dài từ Quốc lộ 1 đến đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ (trường hợp cần thiết sẽ bao gồm cả nút giao khác mức và đoạn tuyến nhánh nối lên đường vành đai 3) vào Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ theo hình thức BOT để đầu tư bằng nguồn vốn của Dự án này, đảm bảo phân luồng cho vị trí đầu tuyến giao cắt với vành đai 3.
Theo ông Chung, trong các cửa ngõ của thành phố, tuyến đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, cửa ngõ phía Nam của Thủ đô, có vai trò đặc biệt quan trọng, là tuyến đường kết nối toàn bộ khu vực Đông Bắc bộ với Thủ đô và các tỉnh phía Nam. Trong khi đó, sau khi Dự án xây dựng đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đã hoàn thành mở rộng 6 làn xe cơ giới từ đầu quý II/2019 đã góp phần làm gia tăng lưu lượng phương tiện trên tuyến. Qua số liệu theo dõi thực tế, tại những thời điểm cao điểm, lưu lượng xe đã đạt đến 110.000 PCU/ngày, xấp xỉ số liệu dự báo của tư vấn lập dự án là 118.686 PCU vào năm 2033.
Với tốc độ tăng lưu lượng như vậy đã dẫn đến tại tất cả hướng ra, vào đường cao tốc (khu vực nút giao Pháp Vân – Vành đai 3) thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt vào các giờ cao điểm và dịp lễ tết, ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn giao thông, hình ảnh Thủ đô Hà Nội.
“Việc xây dựng tuyến đường kết nối từ đường 70 tới tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ; xây dựng nút giao lập thể tại Km184+600 và tiếp tục kéo dài, kết nối với đường vành đai 3 tại khu vực đầu cầu Thanh Trì là giải pháp tối ưu để giải quyết tồn tại nêu trên”, Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội cho biết.
Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội cũng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Công ty CP BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ nghiên cứu bổ sung trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, vị trí dự kiến tại Km 185 để các phương tiện có thể dừng nghỉ nếu lưu lượng tại đầu tuyến quá đông, có thể dãn lưu lượng và giảm bức xúc của người dân; mở rộng mặt cắt lòng đường đoạn tuyến từ Trạm thu phí đến nút giao đường vành đai 3; cải tạo nút giao với đường vành đai 3.
Lãnh đạo Tp. Hà Nội đề nghị Bộ GTVT chấp thuận để thành phố trồng bổ sung hệ thống cây xanh 2 bên đường và các khu vực nút giao thông; tổ chức trông thêm cây bàng lá nhỏ vào giải phân cách giữa để chống lóa cho các phương tiện ngược chiều vào ban đêm, trông cây hoa, cây cảnh, chỉnh trang và hoàn thiện cảnh quan đô thị khu vực nút giao và đoạn đầu tuyến đến trạm thu phí. Chi phí cải tạo chỉnh trang trồng cây xanh, cây hoa, duy tu, duy trì sẽ lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp của Hà Nội.