Chọn đầu tư vào tương lai: Giới đầu tư chờ cơ chế ủng hộ

Các nhà đầu tư đang sốt sắng với những cơ hội đón đầu xu thế phát triển cũng như đòi hỏi nâng cấp chất lượng vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Họ gọi đó là đầu tư vào tương lai, nên chờ đợi những chính sách rõ ràng từ Chính phủ.
Các chuyên gia trao đổi tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) diễn ra trong tuần qua tại Hà Nội. Ảnh: Đức Thanh Các chuyên gia trao đổi tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) diễn ra trong tuần qua tại Hà Nội. Ảnh: Đức Thanh

Đường sẽ thông khi mọi câu hỏi đều được trả lời

“Chúng tôi đồng ý với Chính phủ rằng, doanh nghiệp FDI nào không sạch, không tuân thủ pháp luật về lao động, về môi trường thì không nên có mặt tại Việt Nam. Nhưng điều này không có nghĩa là 5 năm nữa, Việt Nam không nuôi tôm, không làm giày, mà chỉ làm máy tính, máy bay... Doanh nghiệp cần phải biết rõ, thế nào là dòng vốn đầu tư chất lượng”. Bà Virginia B. Foote, đồng Chủ tịch Liên minh VBF đã nói với phóng viên Báo Đầu tư bên lề Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2019 như vậy.

Câu hỏi dành cho bà là các doanh nghiệp FDI nói chung và thành viên Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) đã chuẩn bị thế nào khi Việt Nam sẽ ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ tương lai, dự án xanh, quản trị hiện đại, hàm lượng giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Có hơn 30 năm làm việc tại Việt Nam, là một trong những người đầu tiên có mặt trong Ban Thư ký của VBF, nên bà Virginia B. Foote có thể coi là người trong cuộc trong dòng chảy hơn 30 năm thu hút FDI của Việt Nam. Do vậy, khi bà nói, chia sẻ với các chiến lược mới về FDI, vì Việt Nam đang muốn dịch chuyển lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị, muốn cạnh tranh với những doanh nghiệp tốp đầu trong ASEAN, cũng có hàm ý các thành viên AmCham đang tham gia quá trình này, với mục đích “đầu tư vào tương lai”.

Nhưng, nhiều nước cùng bối cảnh phát triển kinh tế như Việt Nam cũng đang có nhu cầu này và điều quan trọng sẽ cần những khoản đầu tư đắt đỏ, thậm chí là đánh đổi để chuẩn bị nền tảng.

“Câu hỏi là làm thế nào để thu hút được các doanh nghiệp dược phẩm đưa giai đoạn nghiên cứu, phát minh tới Việt Nam, hay làm thế nào để fintech, các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt có thể kéo nhà đầu tư mới tới Việt Nam. Vấn đề không chỉ là chính sách thu hút đầu tư, mà còn là chính sách giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ... ”, bà Virginia B. Foote nói.

Đặt những câu hỏi này vào hàng loạt vấn đề cụ thể mà VBF 2019 đưa ra đối thoại với các bộ, ngành, từ những khúc mắc trong thủ tục hải quan, thuế, thủ tục liên quan đến giấy phép lao động cho người nước ngoài và đặc biệt là những đỏi hỏi về sự ổn định của môi trường pháp lý, việc trả lời không hề dễ dàng.

Cơ hội từ những… mối quan ngại

Một điểm khá thú vị đang nổi lên trong dòng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và cả dòng vốn đầu tư tư nhân, đó là cơ hội đầu tư mới từ chính các mối quan ngại về suy thoái môi trường, về khó khăn trong nguồn nhân lực, khả năng thiếu hụt điện, đường, sân bay...

Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đề nghị ưu tiên sức khỏe hơn là phát triển công nghiệp. “Khoảng 5% GDP sẽ bị mất đi do ô nhiễm không khí. Đây là khoản tính trên sự suy giảm vốn FDI khi tình hình không được kiểm soát”, ông Nobufumi Miura, Chủ tịch JCCI nói.

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhắc tới con số ít ỏi là 40 công trình trong nước được cấp giấy chứng nhận công trình xong, trong đó phần lớn là lĩnh vực công nghiệp...

Song tìm giải pháp để giải quyết các tồn tại, theo các nhà đầu tư, đang là cơ hội kinh doanh mới mà Chính phủ Việt Nam có thể đi nhanh trong thu hút đầu tư, kể cả đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài.

“Các tập đoàn đa quốc gia đang tự đề ra mục tiêu tái chế và sử dụng năng lượng tái tạo. Nhưng họ cần khung pháp lý hỗ trợ thực hiện kinh doanh này tại Việt Nam. Việt Nam đã ban hành quy định về sản xuất năng lượng từ chất thải từ năm 2014, nhưng cần có hướng dẫn và lịch trình phê duyệt rõ ràng, khả thi với các dự án sản xuất năng lượng từ chất thải và đẩy nhanh tiến độ thực hiện”, các doanh nghiệp của EuroCham lưu ý như vậy khi gửi kiến nghị tới VBF.

Đặc biệt, giới đầu tư quan tâm tới Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công- tư, cơ chế cho phép họ tham gia vào nhiều dự án đầu tư quy mô lớn.

“Doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm thúc đẩy phát triển hạ tầng ở Việt Nam. Song để tham gia dự án PPP, chúng tôi cần rõ cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Chính phủ và các nhà đầu tư, tổ chức tài chính sao cho không có những rủi ro đáng có”, ông Nobufumi Miura khuyến nghị.

Sự bùng nổ của điện mặt trời và nhưng lo ngại kéo dài của giới đầu tư khi họ đã phải chờ đợi hơn 6 tháng, từ ngày 30/6/2019 (thời điểm Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam hết hiệu lực), nhưng vẫn chưa nhận được biểu giá điện mặt trời rõ ràng vẫn đang là rào cản lớn trong môi trường đầu tư Việt Nam.

Theo tính toán, Việt Nam sẽ cần khoảng 130 tỷ USD đầu tư năng lượng mới cho đến năm 2030, trung bình khoảng 12 tỷ USD/năm, trong đó khoảng 9 tỷ USD cho đầu tư nguồn điện và 3 tỷ USD đầu tư cho lưới điện. Các nhà đầu tư đang kỳ vọng nhiều vào cơ hội này, nhưng họ vẫn chưa hoàn toàn yên tâm.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục