Giới đầu tư lại hướng mắt vào Trung Đông

(ĐTCK) Sau khi hồi phục trong phiên giao dịch đầu tuần mới nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ và internet, phố Wall đã nhanh chóng quay đầu giảm trong phiên thứ Ba (7/1) khi mối bận tâm Trung Đông một lần nữa trở lại.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Những lời đe dọa qua lại lẫn nhau giữa Iran và Mỹ sau cái chết của Thiếu tướng Soleimani của Iran tăng cường trở lại, đặc biệt là Quốc hội Iran thông qua nghị quyết liệt Lầu Năm Góc vào tổ chức khủng bố và tuyên bố có 13 sự lựa chọn để đối phó Mỹ, khiến giới đầu tư lo lắng trở lại.

Nỗi lo này, cùng với việc giá dầu đảo chiều khéo theo nhóm cổ phiếu năng lượng giảm đã khiến các chỉ số chính của phố Wall quay đầu giảm trở lại sau phiên hồi phục đầu tuần mới. Tuy nhiên, nhờ đà tăng tốt của một số cổ phiếu sản xuất chip, nên đà tăng được hãm lại, Nasdaq thâm chí chút nữa có phiên tăng thứ 2 liên tiếp.

Kết thúc phiên 7/1, chỉ số Dow Jones giảm 119,70 điểm (-0,42%), xuống 28.583,68 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 9,10 điểm (-0,28%), xuống 3.237,18 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 2,88 điểm (-0,03%), xuống 9.068,58 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Â, dù căng thẳng ở Trung Đông khiến nhiều nhà đầu tư lo sợ, nhưng nhờ sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu sản xuất chip giúp đà giảm của chứng khoán Anh, Pháp hãm lại, đóng cửa gần như không đổi, trong khi chứng khoán Đức hồi phục mạnh mẽ.

Kết thúc phiên 7/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 1,49 điểm (-0,02%), xuống 7.573,85 điểm. Chỉ số DAX tăng 99,84 điểm (+0,76%), lên 13.226,83 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 1,23 điểm (-0,02%), xuống 6.012,35 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng vọt trở lại lấy lại hết những gì đã mất trong phiên đầu tuần nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ thăng hoa theo đà tăng của cổ phiếu Alphabet và nhóm công nghệ trên thị trường phố Wall trong phiên trước đó. Chứng khoán Trung Quốc leo lên mức cao nhất 8 tháng khi thị trường phản ứng tích cực với triển vọng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung. Chứng khoán Hồng Kông và Hàn Quốc cũng nối gót tăng điểm tốt trong phiên thứ Ba khi tình hình căng thẳng Trung Đông chưa có dấu hiệu leo thang thêm, trong khi triển vọng ký thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung đang rất sáng.

Kết thúc phiên 7/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 370,86 điểm (+1,60%), lên 23.575,72 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 21,39 điểm (+0,69%), lên 3.104,80 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 95,87 điểm (+0,34%), lên 28.322,06 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 20,47 điểm (+0,95%), lên 2.175,54 điểm.

Nỗi lo căng thẳng Trung Đông tiếp tục hỗ trợ cho đà tăng của giá vàng trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 7/1, giá vàng giao ngay tăng 9 USD (+0,58%), lên 1.574,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 tăng 5,5 USD (+0,35%), lên 1.574,3 USD/ounce..

Trong khi đó, sau chuỗi tăng giá do căng thẳng Trung Đông, giá dầu thô chịu áp lực chốt lời nên đã quay đầu giảm trở lại trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 7/1, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,57 USD (-0,9%), xuống 62,70 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,64 USD (-0,93%), xuống 68,27 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục