Rạng sáng ngày 3/1 theo giờ Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh không kích giết thiếu tướng Qassem Soleimani tại gần Sân bay quốc tế Baghdaq của Iraq.
Vụ không kích này đã làm rung chuyển Trung Đông, gây lo ngại khắp khu vực và cả giới đầu tư toàn cầu, trong đó có giới đầu tư trên thị trường phố Wall.
Lo sợ cuộc khủng hoảng này có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh, giới đầu tư phố Wall đã đẩy mạnh bán ra trong phiên cuối tuần qua, kéo phố Wall giảm trở lại từ mức cao lịch sử vừa thiết lập trong phiên trước đó.
Kết thúc phiên 3/1, chỉ số Dow Jones giảm 233,92 điểm (-0,81%), xuống 28.634,88 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 23 điểm (-0,71%), xuống 3.234,85 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 71,58 điểm (-0,79%), xuống 9.020,77 điểm.
Phiên giảm điểm cuối tuần đã khiến Dow Jones và S&P 500 quay đầu giảm nhẹ trong tuần qua sau chuỗi tuần liên tiếp tăng trước đó, trong khi Nasdaq vẫn duy trì được tuần tăng thứ 6 liên tiếp. Cụ thể, Dow Jones giảm 0,04%, S&P 500 giảm 0,16%, còn Nasdaq tăng 0,16%.
Chứng khoán châu Âu cũng điều chỉnh trong phiên thứ Sáu sau khi Mỹ không kích giết tướng Soleimani của Iran. Tuy nhiên, chứng khoán Anh và Pháp kịp trở lại sắc xanh trong ít phút cuối phiên, còn chứng khoán Đức giảm mạnh do đà lao dốc của cổ phiếu Lufthansa (-6,5%).
Kết thúc phiên 3/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 18,10 điểm (+0,24%), lên 7.622,40 điểm. Chỉ số DAX giảm 166,79 điểm (-1,25%), xuống 13.219,14 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 2,67 điểm (+0,04%), lên 6.044,16 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng điều chỉnh sau 3 tuần tăng liên tiếp, ngoại trừ chứng khoán Pháp duy trì sắc xanh. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 giảm 0,29%, chỉ số DAX giảm 0,88%, còn CAC 40 tăng 0,11%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản vẫn tiếp tục nghỉ Tết, trong khi các thị trường chứng khoán khác mở cửa tăng điểm khá tốt trong phiên giao dịch cuối tuần, nhưng sau đó đều quay đầu sau vụ không kích của Mỹ giết chết tướng Iran.
Kết thúc phiên 3/1, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 1,41 điểm (-0,05%), xuống 3.083,79 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 92,02 điểm (-0,32%), xuống 28.451,50 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 1,29 điểm (+0,06%), lên 2.176,46 điểm.
Dù điều chỉnh phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán Trung Quốc vẫn có tuần tăng mạnh 2,62% sau khi gần như đứng yên trong tuần trước đó; chứng khoán Hồng Kông có tuần tăng thứ 4 liên tiếp với mức tăng 0,80%, trong khi chứng khoán Hàn Quốc giảm 1,26%. Chứng khoán Nhật Bản chỉ giao dịch một phiên duy nhất đầu tuần trong tuần qua và có mức giảm 0,76%.
Trong khi khiến chứng khoán giảm điểm, thì vụ không kích của Washington giết tướng Soleimani lại là nguồn năng lượng đẩy giá vàng bay cao trong phiên cuối tuần.
Kết thúc phiên 3/1, giá vàng giao ngay tăng 23,6 USD (+1,54%), lên 1.552,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 tăng 24,3 USD (+1,59%), lên 1.552,4 USD/ounce.
Giá vàng có tuần tăng thứ 4 liên tiếp với mức tăng lần lượt 2,75% và 2,26%.
Cũng giống giá vàng, vụ không kích của Mỹ khiến giá dầu “rực cháy” trong phiên cuối tuần qua.
Kết thúc phiên 3/1, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,87 USD (+2,97%), lên 63,05 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 2,35 USD (+3,43%), lên 68,60 USD/thùng.
Với phiên tăng cuối tuần giúp giá dầu thô có tuần tăng thứ 4 liên tiếp với mức tăng lần lượt là 2,15% và 0,65%.