Nỗi lo chiến tranh qua nhanh, giới đầu tư lạc quan về thương mại

(ĐTCK) Sau khi ngòi nổ chiến tranh Mỹ - Iran được tháo gỡ, phố Wall đã nhanh chóng tăng trở lại trong phiên thứ Tư và tiếp tục thiết lập đỉnh lịch sử mới trong phiên thứ Năm (9/1) với kỳ vọng về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung sắp được ký kết.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Những quả tên lửa phóng đi từ Iran hướng đến các mục tiêu của Mỹ ở Iraq rạng sáng ngày 8/1 (tối ngày 7/1 theo giờ Mỹ) khiến thị trường toàn cầu chao đảo, nhưng ngay sau đó đã nhanh chóng trở lại sự cân bằng khi giới phân tích đánh giá, việc Iran phóng tên lửa không phải là châm ngòi cho cuộc chiến tranh mà thậm chí là dấu hiệu giúp hạ nhiệt căng thẳng.

Đúng như dự đoán, phát biểu vào ngày hôm sau, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, các vụ phóng tên lửa này không gây tổn thất về người cho phía Mỹ, trong khi thiệt hại về cơ sở vật chất cũng rất nhỏ. Ông Trump không đưa ra bất kỳ lời đe dọa đáp trả quân sự nào, mà chỉ tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế với Iran, đồng thời cho biết, sẵn sàng cho hòa bình với Tehran.

Sau bài phát biểu của ông Trump, thị trường đã nhanh chóng hồi phục trong phiên thứ Tư. Khi nỗi lo chiến tranh đã qua đi, giới đầu tư lại hướng sự chú ý vào cuộc chiến khác là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Trong phiên thứ Năm, giới đầu tư đã nhận được thông tin tích cực từ cuộc chiến thương mại khi thông tin cho biết, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ tới Mỹ để ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 trong tuần tới.

Ngay khi nhận thông tin này, phố Wall đã đồng loạt tăng điểm ngay từ đầu phiên và duy trì đà tăng tốt trong suốt phiên, đóng cửa thiết lập đỉnh cao lịch sử mới, trong đó Nasdaq tăng mạnh nhất nhờ sự khởi sắc của cổ phiếu Apple (tăng 2,1% sau khi doanh số bán iPhone tại thị trường Trung Quốc tăng hơn 18% trong tháng 12).

Kết thúc phiên 9/1, chỉ số Dow Jones tăng 211,81 điểm (+0,74%), lên 28.956,90 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 21,65 điểm (+0,67%), lên 3.274,70 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 74,18 điểm (+0,81%), lên 9.203,43 điểm.

Kỳ vọng vào thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung được ký kết và căng thẳng Trung Đông hạ nhiệt cũng giúp chứng khoán châu Âu duy trì đà tăng tốt trong phiên thứ Năm, đặc biệt là chứng khoán Đức tăng hơn 1,3%.

Kết thúc phiên 9/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 23,19 điểm (+0,31%), lên 7.598,12 điểm. Chỉ số DAX tăng 174,88 điểm (+1,31%), lên 13.495,06 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 11,56 điểm (+0,19%), lên 6.042,55 điểm.

Chứng khoán châu Á cũng bật dậy mạnh mẽ với phiên giao dịch khởi sắc hôm thứ Năm, lấy lại cả vốn lẫn lãi đã mất trong phiên thứ Tư sau bài phát biểu của Tổng thống Mỹ báo hiệu hạ nhiệt căng thẳng giữa Mỹ và Iran.

Kết thúc phiên 9/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 535,11 điểm (+2,31%), lên 23.739,87 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 27,99 điểm (+0,91%), lên 3.094,88 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 437,08 điểm (+1,68%), lên 28.561,00 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 35,14 điểm (+1,63%), lên 2.186,45 điểm.

Khi ngòi nổ chiến tranh được tháo gỡ, giá vàng đã hết động lực để đi lên nên tiếp tục có phiên giảm thứ 2 liên tiếp trong ngày thứ Năm. Giá vàng không phản ứng gì đối với các báo cáo của tình báo Mỹ cho rằng, Iran đã vô tình bắn hạ chiếc máy bay Boeing của hãng hàng không quốc tế Ukraine trên bầu trời Tehran khiến 176 người thiệt mạng.

Kết thúc phiên 9/1, giá vàng giao ngay giảm 4 USD (-0,26%), xuống 1.552,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 giảm 5,9 USD (-0,38%), xuống 1.554,3 USD/ounce..

Cũng giống như giá vàng, khi ngòi nổ Trung Đông được tháo gỡ, giá dầu thô tiếp tục giảm trong phiên thứ Năm sau khi lao dốc hơn 4% trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 9/1, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,07 USD (-0,12%), xuống 59,56 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,05 USD (-0,08%), xuống 65,37 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục