Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố trong ngày thứ Sáu, trong tháng 12/2019, nền kinh tế Mỹ tạo thêm 145.000 việc làm, thấp hơn so với mức dự báo 164.000 việc làm của giới phân tích đưa ra trước đó. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp được giữ gần mức thấp nhất trong 50 năm là 3,5% và thu nhập trung bình mỗi giờ tăng 0,1% trong tháng trước.
Trong khi các yếu tố địa chính trị đã được hấp thụ xong, thì dữ liệu kinh tế là mối quan tâm của nhà đầu tư và với dữ liệu việc làm gây thất vọng vừa công bố, phố Wall đã quay đầu giảm điểm từ mức cao kỷ lục vừa thiết lập trong phiên thứ Năm.
Trong tuần tới, mọi con mắt sẽ hướng vào kết quả kinh doanh quý IV của các doanh nghiệp.
Kết thúc phiên 10/1, chỉ số Dow Jones giảm 133,13 điểm (-0,46%), xuống 28.823,77 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 9,35 điểm (-0,29%), xuống 3.265,35 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 24,57 điểm (-0,27%), xuống 9.178,86 điểm.
Dù điều chỉnh phiên cuối tuần, nhưng với các phiên tăng mạnh trước đó khi căng thẳng Trung Đông hạ nhiệt giúp Dow Jones và S&P 500 quay đầu tăng trở lại sau tuần điều chỉnh nhẹ trước đó. Trong khi đó, Nasdaq có tuần tăng thứ 7 liên tiếp. Cụ thể, Dow Jones tăng 0,66%, S&P 500 tăng 0,94% và Nasdaq tăng 1,75%.
Dữ liệu việc làm thất vọng của Mỹ cũng khiến chứng khoán châu Âu quay đầu đi xuống trong phiên cuối tuần, nhưng mức giảm nhẹ hơn nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu du lịch và giải trí với sự dẫn dắt của cổ phiếu Ryanair với báo cáo lợi nhuận tăng và Evolution Gaming khi công bố thương vụ M&A với sòng bạc trực tuyến.
Kết thúc phiên 10/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 10,27 điểm (-0,14%), xuống 7.587,85 điểm. Chỉ số DAX giảm 11,75 điểm (-0,09%), xuống 13.483,31 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 5,44 điểm (-0,09%), xuống 6.037,11 điểm.
Chứng khoán châu Âu tiếp tục có sự trái chiều trong tuần qua. Trong khi chứng khoán Đức đảo chiều tăng mạnh 2%, thì chứng khoán Anh có tuần giảm thứ 4 liên tiếp với mức giảm 0,45% và chứng khoán Pháp đảo chiều giảm 0,12% sau khi tăng nhẹ 0,11% tuần trước.
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Á, ngoại trừ chứng khoán Trung Quốc điều chỉnh nhẹ, các thị trường khác đều tăng điểm trong phiên cuối tuần với kỳ vọng vào thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung sẽ được ký kết trong thời gian sớm tới.
Kết thúc phiên 10/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 110,70 điểm (+0,47%), lên 23.850,57 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 2,59 điểm (-0,08%), xuống 3.092,29 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 77,20 điểm (+0,27%), lên 28.638,20 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 19,94 điểm (+0,91%), lên 2.206,39 điểm.
Chứng khoán châu Á lại đồng loạt tăng điểm trong tuần qua, trong đó chứng khoán Nhật Bản tăng 0,82% sau khi giảm 0,76% tuần trước đó (tuần trước đó, chứng khoán Nhật Bản chỉ giao dịch 1 phiên duy nhất); chứng khoán Trung Quốc có tuần tăng thứ 21 liên tiếp với mức tăng 0,28% chứng khoán Hồng Kông thậm chí có tuần tăng thứ 5 liên tiếp với mức tăng 0,66%, trong khi chứng khoán Hàn Quốc đảo chiều tăng 1,38% sau khi giảm 1,26% trong tuần trước.
Sự thất vọng của nhà đầu tư với dữ liệu việc làm mới công bố của Mỹ đã tạo động lực cho giá vàng quay đầu tăng trở lại trong phiên cuối tuần.
Kết thúc phiên 10/1, giá vàng giao ngay tăng 10,1 USD (+0,65%), lên 1.562,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 tăng 5,8 USD (+0,37%), lên 1.560,1 USD/ounce..
Giá vàng tiếp tục có tuần tăng thứ 5 liên tiếp với mức tăng lần lượt là 0,63% và 0,50%.
Với những diễn biến như hiện tại, cả giới đầu tư và phân tích có cái nhìn khá thận trọng về xu hướng giá vàng trong tuần mới, dù phần lớn vẫn dự báo giá kim loại quý sẽ tiếp tục tăng.
Cụ thể, trong 16 chuyên gia trả lời khảo sát, có 7 người, chiếm 44% dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng, 5 người dự báo giảm, chiếm 31% và 4 người dự báo đi ngang, chiếm 25%.
Tương tự, trong 1.171 người tham gia trả lời trực tuyến, có 556 lượt, chiếm 47% dự báo giá vàng sẽ tăng, 365 dự báo giảm, chiếm 31% và 250 người, chiếm 21% dự báo giá vàng đi ngang.
Trong khi đó, giá dầu thô tiếp tục có phiên giảm thứ Ba liên tiếp sau khi căng thẳng Mỹ - Iran hạ nhiệt và dữ liệu việc làm mới của Mỹ gây thất vọng.
Kết thúc phiên 10/1, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,52 USD (-0,88%), xuống 59,04 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,39 USD (-0,60%), xuống 64,98 USD/thùng.
Với chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp, giá dầu thô có tuần lao dốc mạnh với mức giảm lần lượt là 6,36% và 5,28%, chấm dứt chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp.