Chờ đợi sắc thái mới của công tác IR chủ động

(ĐTCK) Không khó để nhận thấy, những doanh nghiệp hướng đến trách nhiệm công bố thông tin minh bạch thường có kết quả kinh doanh vượt trội trên thị trường. Bên cạnh đó, kết quả này có sự ổn định và tăng trưởng bền vững hàng năm.
Những cái tên thường xuyên nhận được các giải thưởng tôn vinh sự minh bạch thông tin thường cũng là những “anh lớn” trong ngành Những cái tên thường xuyên nhận được các giải thưởng tôn vinh sự minh bạch thông tin thường cũng là những “anh lớn” trong ngành

Áp lực “tốt khoe xấu che”

VNM, DHG, BVH, IMP, TRA, VIC, CTD, BMP…. là những cái tên thường xuyên nhận được các giải thưởng tôn vinh sự minh bạch thông tin và cũng là những “anh lớn” trong ngành. Tại các doanh nghiệp này, đội ngũ thực hiện công tác quan hệ với nhà đầu tư (IR) được xếp vào hàng “chuyên nghiệp” trên thị trường chứng khoán Việt Nam, bởi khả năng phản ứng nhanh nhạy với thông tin, ứng xử kịp thời và chuyên nghiệp trong việc công bố thông tin ra công chúng.

Trong số các phương tiện để thu hút nhà đầu tư, việc sử dụng truyền thông xã hội là phương thức ngày càng phổ biến. Vì vậy, ngoài việc đảm bảo thông tin trên các “kênh truyền thống”, đội ngũ IR cũng bắt nhịp rất nhanh với xu hướng trên với kỹ năng kiểm soát các thông tin, cũng như truyền tải thông điệp tốt.

Đội ngũ IR chuyên nghiệp này trở thành những “địa chỉ tin cậy” của nhà đầu tư, cũng như báo chí, giới phân tích…, bởi sự hiểu biết, nắm rõ thông tin hoạt động doanh nghiệp và có cách để tiếp cận, tương tác với nhà đầu tư, cổ đông thông qua kênh thông tin đa dạng. Bên cạnh đó, “may mắn” hơn cả, lãnh đạo các doanh nghiệp này đều có tầm nhìn đúng đắn và nhận thức rõ về vai trò của IR.

Một nhân sự phụ trách IR của công ty xuất thân từ doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, xây lắp hạ tầng cho rằng, tại doanh nghiệp đại chúng, bản thân lãnh đạo doanh nghiệp cần thay đổi tư duy quản trị, đánh giá vai trò của công tác IR cao hơn công tác PR để từ đó bố trí nguồn lực thỏa đáng hơn. Trong đó, cần xác định rõ, IR không phải là “trau chuốt”, đánh bóng thông tin với nhà đầu tư, bởi điều này rất nguy hiểm, có khả năng tạo phản ứng ngược khi nhà đầu tư phát hiện các thông tin sai lệch, không chính xác.

Theo đó, vị này cho rằng, công tác IR vẫn còn chịu áp lực với quan điểm “tốt khoe xấu che” của đa số nhà lãnh đạo và không mấy người làm IR trụ được lâu dài với doanh nghiệp vì mâu thuẫn giữa tính chất công việc và tác động từ cấp trên phải che đậy thông tin xấu. Công tác IR cần nhất là giải pháp của nhà lãnh đạo khi có thông tin xấu, nhưng để thuyết phục “sếp” đưa ra giải pháp thay vì giấu đi không phải chuyện dễ dàng.

Xây dựng kế hoạch IR

Với thời đại công nghệ số, mạng xã hội, công tác IR thuận lợi hơn vì có thể kịp thời truyền tải thông tin đến đối tượng quan tâm thông qua nhiều công cụ như: trang web công ty, các kênh xuất bản online. Ngoài ra, nhờ tin học hóa nên công tác công bố thông tin đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng thuận tiện hơn, chỉ cần đăng nhập hệ thống báo cáo IDS của Ủy ban Chứng khoán, nộp file báo cáo có chữ ký số của doanh nghiệp để nộp; không phải in ấn tài liệu, gửi thư…

Sát cánh cùng hoạt động IR của doanh nghiệp là đội ngũ vệ tinh: phân tích chứng khoán, môi giới đầu tư, báo chí – tạo ra sự liên kết thông tin thống nhất, chính xác, minh bạch. Tuy nhiên, điều cần thiết để làm được điều này là tất cả các đối tượng trên phải hiểu rõ hoạt động của doanh nghiệp, ngược lại, doanh nghiệp cần chia sẻ thông tin một cách đầy đủ, trung thực nhất.

Tại một doanh nghiệp phân phối điện tử, bản thân lãnh đạo công ty đã có định hướng xuyên suốt từ trên xuống về cách làm IR chủ động, minh bạch, qua đó giúp nhà đầu tư hiểu đúng, hiểu đủ về chiến lược và giá trị của công ty. Không chỉ là công bố thông tin định kỳ đầy đủ, tuân thủ quy định, doanh nghiệp này còn công bố thông tin bằng tiếng Anh, xây dựng các bản tin định kỳ, kết hợp với các công ty chứng khoán tổ chức nhiều buổi gặp gỡ nhà đầu tư nhằm đưa thông tin rộng rãi, trực tiếp ra công chúng.

Thực tế cho thấy, năm 2016, doanh nghiệp gặp khó do ảnh hưởng của việc thay đổi chiến lược của một nhà sản xuất lớn, buộc phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Thế nhưng với việc đối diện với khó khăn, thẳng thắn chia sẻ tình hình với cổ đông, công ty đã có được niềm tin từ những nhà đầu tư này.

Thị trường chứng khoán những tháng đầu năm biến động mạnh, nhưng cổ phiếu doanh nghiệp này duy trì mức giá vững vàng, thậm chí có giai đoạn đi ngược thị trường. Sở dĩ diễn biến như vậy là nhờ hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp có sự khởi sắc và những điều này đều đã được cổ đông thấu hiểu.

Tuy nhiên, trên thị trường, số lượng các doanh nghiệp có chiến lược thực hiện công tác IR như vậy chưa nhiều. Theo đó, đa phần doanh nghiệp Việt Nam chỉ quan tâm tới hoạt động IR khi cần, còn lại chủ yếu là duy trì hoạt động công bố thông tin theo quy định, thậm chí giấu nhẹm thông tin xấu đối với cổ đông. Việc đảm bảo công bố thông tin đúng thời hạn là quan trọng nhưng chất lượng nội dung công bố cũng cần thiết không kém, điều này lại ít được các doanh nghiệp chú trọng.

Thực tế, chỉ cần xem cách các doanh nghiệp công bố tài liệu mùa đại hội đồng cổ đông vừa qua cũng thấy rõ, ngoại trừ các doanh nghiệp thường xuyên được vinh danh ở các giải thưởng, cuộc bình chọn về minh bạch thông tin – đa số là các doanh nghiệp đầu ngành hoặc là những doanh nghiệp có định hướng phát triển bền vững, có tiềm năng tăng trưởng tốt, thì hầu hết nội dung tài liệu mới mang tính hình thức.

Đơn cử nhiều báo cáo của HĐQT, báo cáo ban kiểm soát rất sơ sài, nội dung lặp lại và không thay đổi nhiều so với các báo cáo những năm trước, các diễn giải về tình hình hoạt động, chỉ số tài chính không mang nhiều ý nghĩa… Hay các nội dung quan trọng trình đại hội đồng cổ đông cũng không được diễn giải cụ thể trong tài liệu. Nhiều thông tin cơ bản còn thiếu, chẳng hạn cơ cấu sở hữu của cổ đông lớn.

Trong khi đó, theo thông lệ tốt trên thế giới, tài liệu được gửi tới cổ đông phải có nội dung cụ thể, chi tiết các vấn đề sẽ lấy ý kiến.

Thực tế này cũng được phản ánh rõ qua các đợt xử phạt, nhắc nhở của các cơ quan chức năng về việc doanh nghiệp chưa thực hiện đúng các quy định công bố thông tin trên thị trường. Theo thống kê của Vietstock kết hợp với Tạp chí Tài chính và Cuộc sống điện tử, trong kỳ khảo sát giai đoạn 1/5/2017 - 30/4/2018, số lượng doanh nghiệp tuân thủ đúng và đầy đủ về nghĩa vụ công bố thông tin trên cả hai sàn chứng khoán (HOSE và HNX) là 266 doanh nghiệp, trong tổng số 686 doanh nghiệp niêm yết thuộc danh sách khảo sát, tương ứng với tỷ lệ chỉ khoảng 38,78%.

Trao đổi với các nhóm thực hiện tư vấn IR ở một số công ty chứng khoán, một tình trạng chung ở không ít doanh nghiệp, đó là bên cạnh việc chưa thấu hiểu hết tầm quan trọng, lợi ích cũng như nghĩa vụ trong việc thực hiện IR tốt, thì nhiều ông chủ doanh nghiệp thậm chí còn muốn hướng các chuyên viên phân tích làm định giá theo... ý mình. Một số doanh nghiệp hiểu lầm công tác IR là làm... giá cổ phiếu, đẩy hoặc dìm giá cổ phiếu theo ý muốn chủ quan của lãnh đạo doanh nghiệp. Việc quá quan tâm giá cổ phiếu trong ngắn hạn đã khiến nhiều doanh nghiệp đưa ra các quyết định bất lợi cho cổ đông.

Từ kinh nghiệm doanh nghiệp cho thấy, phải có kế hoạch xây dựng IR từ trước, chuẩn bị các phương án ứng phó trước khi sự cố xảy ra, thay vì có sự cố xảy ra các bên liên quan mới ngồi lại để giải quyết. Đồng thời, công tác quan hệ nhà đầu tư không chỉ dừng lại ở khâu tổ chức các sự kiện, công bố thông tin về doanh nghiệp mà còn đòi hỏi sự tương tác nhiều chiều liên tục.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục