HSC đã tư vấn IR cho nhiều doanh nghiệp. Ông đánh giá thế nào về công tác này ở các công ty niêm yết hiện nay?
Những doanh nghiệp mà HSC đã gặp và giới thiệu về hoạt động IR đều có nhu cầu làm IR tốt hơn, nhưng từ “muốn” đến “thực hiện” có khoảng cách nhất định.
Một số doanh nghiệp hiểu lầm công tác IR là làm giá cổ phiếu, đẩy hoặc dìm giá cổ phiếu theo ý muốn chủ quan của lãnh đạo doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tăng vốn, phát hành thêm nên thuê dịch vụ IR chỉ trong 3-6 tháng.
Những trường hợp này, HSC từ chối không làm, bởi IR là đồng hành cùng doanh nghiệp trên chặng đường dài thực hiện mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp, chứ không làm thời vụ. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng uy tín của HSC.
Nhìn chung, có thể phân doanh nghiệp niêm yết thành 3 nhóm. Nhóm 1 là nhóm làm IR cực tốt, chủ yếu là các doanh nghiệp hàng đầu trên thị trường. Họ rất chủ động trong công tác tổ chức các hoạt động cho nhà đầu tư, có nguồn lực tốt, đội ngũ IR khá chuyên nghiệp.
Nhóm 2 là nhóm không cần làm IR do quan điểm bảo thủ cho rằng “hữu xạ tự nhiên hương”, hoặc cho rằng đã có bộ phận marketing nên không cần thêm bộ phận chuyên trách IR…
Nhóm 3 là các doanh nghiệp muốn làm IR, nhưng do nguồn lực (tài chính, con người) hạn chế hoặc chưa có phương pháp làm. Tỷ trọng nhóm này chiếm phần lớn trong các doanh nghiệp niêm yết và cũng là nhóm khách hàng mà HSC nhắm tới.
Thông thường, khi HSC chào dịch vụ tư vấn làm IR thì kiêm luôn việc hướng dẫn, chia sẻ cho doanh nghiệp trong việc định vị lại công tác IR.
Vậy doanh nghiệp cần định vị lại công tác IR như thế nào cho đúng, thưa ông?
Mục tiêu của IR là để thông tin đến đúng, nhanh và đầy đủ cho các đối tượng là nhà đầu tư tài chính, cổ đông hiện hữu, nhà đầu tư tiềm năng thông qua kênh truyền thống (báo giấy, báo mạng, website…) và kênh tương tác mới (gặp gỡ trực tiếp nhà đầu tư, tương tác trực tiếp trên website, họp online, mạng xã hội…).
Lợi ích của IR gắn liền với chiến lược hoạt động của doanh nghiệp và một khi doanh nghiệp còn niêm yết thì còn phải có hoạt động IR. Trước mắt, làm IR là trách nhiệm của doanh nghiệp, thể hiện sự tôn trọng đối với cổ đông - những người chủ của doanh nghiệp.
Khi cổ đông thấu hiểu doanh nghiệp thì họ sẽ sẵn sàng đầu tư và đồng hành cùng doanh nghiệp. Với những nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp - thường sẽ trở thành cổ đông lớn - khi tìm hiểu các cơ hội đầu tư, nhìn vào doanh nghiệp không có nhiều thông tin, nội dung website sơ sài, các báo cáo không được diễn giải, thuyết minh đầy đủ…, thì có thể doanh nghiệp đã mất đi phần nào cơ hội thu hút vốn từ những nhà đầu tư này.
Với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, mua bán thứ cấp qua sàn, nhìn vào cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp mà không có cổ đông lớn cũng sẽ khiến họ không an tâm khi đầu tư. Do vậy, nếu doanh nghiệp thực hiện IR tốt sẽ giúp thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư dài hạn.
Ngoài ra, thị trường tài chính Việt Nam đang trong quá trình phát triển nên IR chưa đạt đẳng cấp chuyên nghiệp như các thị trường đã phát triển khác. Hiện nay, dịch vụ IR cũng chỉ mới đáp ứng được các tiêu chí “đúng, nhanh, đủ”.
Đến một lúc nào đó, thị trường Việt Nam cũng sẽ chuyên nghiệp như các thị trường đi trước, khi đó, nếu doanh nghiệp có sự chuẩn bị về hoạt động IR thì có thể tự ý thức và chủ động hoàn toàn trong IR, mà không cần nhờ đến đơn vị tư vấn. Qua đó, tăng tinh minh bạch trên thị trường, tạo thành xu hướng minh bạch và thúc đẩy tích cực tới các doanh nghiệp khác làm theo.
Theo ông, để thực hiện IR tốt, đâu là yếu tố quan trọng nhất?
Đó là con người. Hiện nay, chưa có ngành nghề chuyên về IR và đa phần Giám đốc IR của doanh nghiệp đến từ các công ty chứng khoán (là người có kiến thức tài chính, am hiểu thị trường), nhưng cũng là vừa học vừa làm mà chưa qua đào tạo bài bản, cũng như chưa có một cộng đồng để chia sẻ kinh nghiệm. Ở Việt Nam, chưa có công ty chuyên về IR đích thực.
Một khó khăn khác là chi phí thực hiện các hoạt động IR không nhỏ. Mặt khác, quy mô thị trường Việt Nam vẫn còn nhỏ, nên động lực để doanh nghiệp chịu đầu tư làm IR là chưa lớn.
Vậy dịch vụ tư vấn IR của HSC có thể hỗ trợ gì cho doanh nghiệp?
HSC là đơn vị trung gian, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện từng bước, nhưng không làm thay, các nội dung IR doanh nghiệp đều cần tự thực hiện.
Nhiều doanh nghiệp có bộ phận IR riêng, cũng nhiều doanh nghiệp không có và thường phân công cho Thư ký HĐQT, hoặc kế toán đảm trách nhiệm vụ này. HSC luôn tư vấn doanh nghiệp cần có một đội ngũ chuyên trách và có nhân sự làm đầu mối giữa doanh nghiệp và đơn vị tư vấn.
Điều này đảm bảo tính xuyên suốt trong việc tổ chức các hoạt động của doanh nghiệp, mà trước hết là đảm bảo đúng các quy định của pháp luật về công bố thông tin và nhu cầu tìm hiểu thông tin của cổ đông. Đối với các hoạt động lớn như Đại hội đồng cổ đông, báo cáo thường niên... thì cần sự chuẩn mực và có sự đầu tư.
Ông Nguyễn Cảnh Thịnh
Hiện nay, doanh nghiệp có rất nhiều dạng thông tin, nhưng chủ yếu chỉ công bố theo quy định công bố thông tin của cơ quan quản lý, thậm chí có doanh nghiệp còn không cập nhật trên website, hoặc doanh nghiệp cứ công bố, nhưng thông tin có đến được với nhà đầu tư hay không thì không biết.
Do vậy, HSC tư vấn cho doanh nghiệp về phương pháp, cách thức quản trị nguồn lực thông tin, giúp doanh nghiệp khai thác được sâu nhất, hiệu quả nhất nguồn lực này đến đúng đối tượng, đúng kênh.
Một điểm cần lưu ý, rất nhiều doanh nghiệp cả năm chỉ gửi 1 tài liệu đến cổ đông 1 lần, đó là thư mời dự họp Đại hội đồng cổ đông và cổ đông cũng không quan tâm tới tình hình doanh nghiệp, mà chỉ giao dịch qua sàn. Đây là điểm cần thay đổi nhận thức, cho cả doanh nghiệp và cổ đông.
TTCK hiện nay có hơn 1,7 triệu tài khoản, trong đó có rất nhiều nhà đầu tư tiềm năng quan tâm tới doanh nghiệp nhưng không có điều kiện gặp gỡ trực tiếp, chỉ có thể tiếp cận qua các bài phân tích, đọc qua báo chí…, nên tính thời sự đã không còn. Đây là cách tiếp cận thông tin bị động. HSC sẽ giúp doanh nghiệp chủ động tìm đến các nhà đầu tư quan tâm thông qua các kênh hiện hữu của HSC.
Theo đánh giá của HSC, kênh hiệu quả cao là việc lãnh đạo doanh nghiệp gặp gỡ trực tiếp nhà đầu tư để kể về câu chuyện của doanh nghiệp, tình hình hoạt động kinh doanh, đối thoại trực tiếp, trả lời chất vấn của nhà đầu tư, từ đó tạo niềm tin với nhà đầu tư.
Thách thức lớn nhất mà HSC gặp phải trong quá trình tư vấn IR cho doanh nghiệp là gì, thưa ông?
Có nhiều lý do khiến doanh nghiệp không quan tâm đến IR. Trước tiên là ý chí, tư duy của HĐQT, Ban điều hành của doanh nghiệp. Thứ 2 là doanh nghiệp hiểu sai về IR và thứ 3 là những doanh nghiệp đang trong quá trình M&A nên họ “bí mật”, không muốn làm IR.
Trong 3 nguyên nhân trên thì nguyên nhân thứ 2 có thể thuyết phục được, còn nhóm 1 và 3 khó thuyết phục và đôi khi việc niêm yết trên sàn là do doanh nghiệp chịu áp lực nào đó, chứ không phải tự nguyên niêm yết, hướng tới minh bạch.
Theo kinh nghiệm của HSC, thách thức nhất vẫn là tư duy của lãnh đạo doanh nghiệp. Nền tảng để doanh nghiệp làm IR chính là ý chí và tầm nhìn phát triển doanh nghiệp của ban lãnh đạo, bởi trong yếu tố cấu thành nên chiến lược đó có yếu tố về IR. Ban Lãnh đạo không muốn thì không có cách nào thay đổi.
Doanh nghiệp làm IR tốt là chuẩn bị cơ sở cho tương lai, hướng đến minh bạch, giúp doanh nghiệp có được lòng tin của nhà đầu tư. Khi doanh nghiệp phát triển, có nhu cầu huy động vốn để mở rộng đầu tư thường sẽ được nhà đầu tư ủng hộ và thành công. Thế nhưng, ở những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh cốt lõi mờ nhạt, hoặc thua lỗ triền miên, hoặc sản xuất trì trệ…, thì doanh nghiệp cũng không mặn mà làm IR.
Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, thị trường phát triển, doanh nghiệp phát triển quy mô lớn hơn, xuất hiện nhiều doanh nghiệp có quy mô vốn hóa từ vài trăm triệu đến hàng tỷ USD, tiêu chuẩn cao hơn thì quy luật đào thải sẽ thể hiện rõ hơn.
Khi đó, câu chuyện sẽ không phải là muốn làm hay không mà bắt buộc phải làm. Với những doanh nghiệp không chịu thay đổi, không hướng đến minh bạch, không theo kịp chuẩn mực đã được nâng lên của thị trường chắc chắn sẽ bị đào thải. Còn doanh nghiệp đáp ứng được sẽ có cơ hội được các nhà đầu tư quan tâm hơn, thu hút nguồn vốn dễ dàng hơn.