Chờ đâu nguồn điện mới?

0:00 / 0:00
0:00
Nhu cầu tiêu thụ điện tăng gần 4.000 MW/năm, khiến việc lo nguồn để đáp ứng yêu cầu “điện đi trước một bước” ngày càng trở nên cấp bách.

Nhiều vướng mắc

Tháng 4/2021, Công ty Delta Offshore Enegry (DOE) và các đối tác đầu tư trong Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu đã gửi thư tới Chính phủ đề nghị tháo gỡ 12 vấn đề liên quan các bộ, ngành chức năng để có thể gỡ khó trong đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Theo đó, Bộ Tư pháp có 3 vấn đề: trường hợp bất khả kháng của Chính phủ, Luật điều chỉnh/thay đổi luật và giải quyết tranh chấp. Ngân hàng Nhà nước có 2 vấn đề: cam kết chuyển đổi ngoại tệ và tỷ giá hối đoái. Bộ Tài chính có 2 vấn đề: bảo đảm thanh toán chấm dứt hợp đồng và bảo đảm thanh toán nghĩa vụ của bên mua điện. Bộ Công thương có 3 vấn đề: nghĩa vụ tiếp nhận hoặc trả tiền của EVN, chuyển tiếp giá mua khí LNG sang giá điện và cam kết đấu nối, truyền tải. Bộ Tài nguyên và Môi trường có 2 vấn đề: thế chấp quyền sử dụng mặt nước, mặt biển và quyền tiếp quản dự án, bao gồm cả quyền sử dụng đất của bên cho vay.

Đồ họa: Đan Nguyễn
Đồ họa: Đan Nguyễn

Sở dĩ DOE đưa ra 12 vấn đề trên là bởi EVN và công ty mua bán điện thuộc EVN đã từ chối đàm phán về các nội dung đảm bảo đầu tư liên quan đến các rủi ro chủ quyền tại Dự án LNG Bạc Liêu. Lẽ dĩ nhiên, không đàm phán được PPA, thì dự án hơn 4 tỷ USD này cũng không thể thuyết phục được các bên cho vay.

Nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, đến giữa tháng 7/2021, vẫn chưa có chuyển động nào xung quanh các đề xuất của DOE.

Thực tế, những vướng mắc trên không chỉ với Dự án LNG Bạc Liêu, mà các dự án điện quy mô lớn khác cũng đều phải đối mặt. Trong nửa đầu năm 2021, có thêm 2 dự án nguồn điện với quy mô vốn khổng lồ được cấp phép là Dự án Điện khí LNG Long An (3,1 tỷ USD) và Dự án Điện khí Ô Môn 2 (1,3 tỷ USD). Mặc dù 2 dự án này chưa biết ngày nào mới đàm phán PPA, nhưng có thể dự đoán trước rằng, những khó khăn đó sẽ tái diễn ở các dự án này.

Không chỉ các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, mà hàng loạt địa phương khác đã và đang chuẩn bị tiến hành đấu thầu chọn nhà đầu tư phát triển các dự án điện mới với quy mô vốn hàng tỷ USD, như Quảng Ninh, Ninh Thuận, Quảng Trị, Bà Rịa - Vũng Tàu… cũng sẽ không miễn nhiễm với các vấn đề mà LNG Bạc Liêu đang đề nghị Chính phủ giải quyết.

Như vậy, nếu tắc ở Dự án LNG Bạc Liêu, thì các dự án nguồn điện mới khác cũng sẽ không dễ vượt khó.

Nhu cầu điện vẫn tăng mạnh

Thống kê của EVN về tiêu thụ điện tháng 6/2021 cho thấy, công suất tiêu thụ điện toàn quốc liên tục đạt quanh mức 42.000 MW, cao hơn công suất đỉnh năm 2020 tới 10%. Theo dự báo, trong tháng 7/2021, đỉnh công suất tiêu thụ điện có thể đạt mức 43.000 MW.

Nếu xét thuần tuý con số 42.000 MW công suất tiêu thụ điện cao nhất trong tháng 6/2021 so với tổng công suất nguồn của hệ thống khoảng 71.000 MW, thì có thể thấy, dự phòng còn khá xa. Tuy nhiên, với thực tế đỉnh công suất có những lúc đạt gần 42.000 MW vào 22 giờ, thì hệ thống đã đứng trước nguy cơ cung không đủ cầu. Nguyên nhân là, trong số khoảng 71.000 MW công suất nguồn, có tới 17.000 MW là điện mặt trời - nguồn điện chỉ phát huy khi có ánh nắng mặt trời.

“Đây chỉ là công suất đặt, nếu không có mưa lũ để nước về tốt ở miền Bắc, hay thời tiết quá nóng khiến các thiết bị và nước làm mát cũng nóng, dẫn giảm hiệu suất tại các nhà máy nhiệt điện than, rồi các thiết bị phải sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ, thì công suất khả dụng của toàn hệ thống cũng chỉ khoảng 45.000 MW. Như vậy, tiêu thụ điện nếu cứ lập đỉnh công suất sau 17 giờ, thì dự phòng gần như không còn mấy và chuyện tiết giảm điện sẽ xảy ra ở nơi này, nơi khác”, một chuyên gia hàng đầu về điện nhận xét.

Ngày 2/7/2021, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cũng phát đi cảnh báo, hồ Hòa Bình chỉ còn cách mức nước chết gần 5 m, hồ Sơn La còn cách mức nước chết 8 m, hồ Thác Bà chỉ còn cách mức nước chết chưa tới 1 m. Nghĩa là, dù đã bước vào mùa mưa lũ, nhưng chưa thấy nước về như mong đợi, làm hạn chế khả năng phát điện cả về công suất phát và sản lượng điện.

“Trong bối cảnh nguồn điện và mức tiêu thụ điện như vậy, mức dự phòng nguồn điện ở khu vực phía Bắc chỉ còn ở mức thấp, dẫn đến nguy cơ sự cố do quá tải và ảnh hưởng đến tình hình cung cấp điện”, thông báo của A0 cho biết.

Trên thực tế, khu vực miền Bắc (trong đó có Hà Nội) đang phải đối mặt với các thách thức về cấp điện.

Thống kê của EVN cho thấy, dù đã huy động tối đa nguồn điện trên hệ thống điện miền Bắc và khai thác tối đa khả năng truyền tải từ miền Trung, nhưng đang là cuối mùa khô, mực nước tại các hồ thủy điện xuống thấp và khả năng truyền tải điện từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc bị giới hạn do năng lực của 2 đường dây 500 kV Bắc - Nam hiện chỉ có vậy. Do đó, miền Bắc đã có những lúc thiếu gần 2.000 MW trong tháng 6/2021.

Thống kê của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) năm 2020 cho thấy, sản lượng điện thương phẩm ở 27 tỉnh miền Bắc (trừ Hà Nội) tăng 6,76% và trong 5 tháng đầu năm 2021 tăng 12,39%.

Đối nghịch với tăng trưởng điện vẫn cao ở miền Bắc là chuyện thưa vắng nguồn điện mới.

Từ năm 2016 đến nay, miền Bắc chỉ có Nhiệt điện than Thăng Long (600 MW), Nhiệt điện than Thái Bình 1 (600 MW), Nhiệt điện than BOT Hải Dương 1 (1.200 MW) đi vào hoạt động.

Năm 2021, EVN đã khởi công Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng (480 MW), song phải nhiều năm mới hoàn thành.

Nhìn rộng ra cả nước, ngoại trừ điện mặt trời bùng nổ trong giai đoạn 2019-2020 với tổng công suất 17.000 MW, nhưng chưa phát huy được mấy và đang gây khó khăn cho vận hành hệ thống do tập trung dày đặc ở miền Trung và miền Nam, thì chỉ có một số dự án điện gió mới (khoảng 2.000 MW) có thể được bổ sung từ nay tới tháng 11/2021.

Ở nguồn truyền thống, chỉ còn 2 dự án điện lớn là Nhiệt điện than BOT Nghi Sơn 2 (1.200 MW) và Nhiệt điện than BOT Duyên Hải 2 (1.2000 MW) sẽ vận hành trong năm 2022. Sau đó là Nhiệt điện than BOT Vân Phong 1 (1.200 MW) vào năm 2023.

Nếu xét về công suất, năm 2021, đỉnh công suất tiêu thụ của hệ thống đã tăng khoảng 4.000 MW so với năm 2020 và diễn ra trong điều kiện dịch bệnh, sản xuất, dịch vụ chưa phát huy được như kỳ vọng.

Như vậy, việc cần thêm 4.000 - 6.000 MW điện mới hàng năm ngày càng cấp bách và nếu không có nguồn mới đảm bảo chạy ổn định, thì trước tiên là miền Bắc và sau đó là cả nước sẽ gặp khó về điện.

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ xem xét giải quyết những vướng mắc liên quan đến Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 diễn ra chiều 15/7, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý theo 2 phương án. Phương án 1 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đề xuất một số cơ chế đặc thù. Phương án 2 giải quyết theo một gói tài chính cụ thể do cấp có thẩm quyền xem xét và quyết định. Thủ tướng yêu cầu phân tích kỹ ưu điểm, nhược điểm của 2 phương án này.

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục