Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 69.300MW, tăng gần 14.000 MW so với năm 2019, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 17.430 MW (tăng 11.780 MW so với năm 2019) và chiếm tỷ trọng 25,3% so với tổng công suất đặt và 48% so với công suất đỉnh của hệ thống.
Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN và thứ 23 thế giới.Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2020 là 247,08 tỷ kWh, tăng 2,9% so năm 2019.Điện thương phẩm toàn Tập đoàn đạt 216,95 tỷ kWh, tăng 3,42% so với năm 2019 và bằng 94,73% kế hoạch năm.Năm qua, điện cấp cho khu vực công nghiệp - xây dựng tăng trưởng 3,24%; cấp cho quản lý tiêu dùng có mức tăng trưởng 6,72%; cấp cho thương mại - khách sạn - nhà hàng là thành phần bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch Covid-19, nên giảm 11,62% so năm 2019; cấp cho nông nghiệp tăng trưởng 12,0%; thành phần phụ tải khác giảm 5,51%.
Thực tế năm 2020 đầy biến động, đặc biệt do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phụ tải điện tăng trưởng thấp, thủy văn diễn biến bất thường, phức tạp và rất khó dự báo; tỷ trọng các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao cũng đã gây khó khăn trong điều hành hệ thống và dẫn đến tình trạng ”thừa nguồn” trong các thời điểm buổi trưa và các ngày lễ/cuối tuần.Có những lúc, nhu cầu tiêu thụ điện của hệ thống xuống mức hơn 16.500 MW.
Cũng cho tới nay, tỷ lệ khách hàng không dùng tiền mặt toàn EVN đạt 71,48%, cao hơn 11,48% so với kế hoạch.EVN đã triển khai thí điểm việc tích hợp các hệ thống kỹ thuật và kinh doanh nhằm giảm số thủ tục và rút ngắn thời gian giải quyết các yêu cầu cấp điện mới. Vì vậy, thời gian giải quyết các thủ tục cấp điện trung áp của Điện lực bình quân là 3,17 ngày, giảm 0,66 ngày so với năm 2019.Thời gian cấp điện qua lưới điện hạ áp bình quân cho khách hàng sinh hoạt khu vực thành phố, thị trấn, thị xã là 2,27 ngày, khu vực nông thôn là 2,67 ngày và khách hàng ngoài sinh hoạt là 2,66 ngày.
Năm 2021, Mục tiêu EVN đặt ra về điện thương phẩm là 228,156 tỷ kWh, tăng 5,16% so với năm 2020; tỷ lệ tổn thất điện năng toàn Tập đoàn: dưới 6,35%; duy trì vị trí ASEAN 4 trong tiếp cận điện năng, bảo toàn và phát triển vốn; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, kinh doanh có lợi nhuận.Kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2021 của EVN là 97.124 tỷ đồng. Trước đó, năm 2020, giá trị khối lượng đầu tư toàn EVN đạt 88.425 tỷ đồng, bằng 94,9% kế hoạch.