
Chính sách tiền tệ nới lỏng rõ nét
Nhận định về mức tăng trưởng GDP 7,5% trong 6 tháng đầu năm, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, kết quả này đến từ một số động lực chính, trong đó có động lực quan trọng là tăng trưởng tín dụng được đẩy mạnh trong quý II, đạt gần 10% tính đến ngày 30/6/2025, thúc đẩy các hoạt động đầu tư.
Theo ông Nghĩa, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức trên 8%, nền kinh tế tiếp tục cần trợ lực mạnh mẽ từ các chính sách của Chính phủ. Bên cạnh các giải pháp tài khóa thì chính sách tiền tệ là động lực quan trọng.
Nhìn nhận về chính sách tiền tệ trong nước, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng BIDV cho rằng, bên cạnh các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, giảm lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước đã điều tiết cung tiền theo hướng lỏng tay hơn thông qua một loạt công cụ như bơm ròng trên thị trường mở (khoảng 30.000 tỷ đồng), tái cấp vốn, cũng như phối hợp với kênh tiền gửi Kho bạc Nhà nước tăng cường quy mô hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại. Thanh khoản VND có xu hướng cải thiện rõ nét hơn trong quý II/2025 như sự gia tăng quy mô của các dòng tiền hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước và Kho bạc Nhà nước. Ngoài ra, lượng tiền giải ngân từ Ngân sách Nhà nước ra nền kinh tế được đẩy mạnh, đặc biệt trong nửa sau quý II khi giải ngân đầu tư công tăng tốc rõ rệt (theo số liệu của Bộ Tài chính, giải ngân đầu tư công trong 6 tháng đầu năm đạt 268.000 tỷ đồng).
“Mặc dù vậy, trạng thái thanh khoản VND của các ngân hàng thương mại vẫn chưa thực sự dồi dào. Cân đối huy động vốn - tín dụng tại các ngân hàng thương mại trong quý II vẫn ở trạng thái thu hẹp khi tăng trưởng tín dụng được đẩy mạnh - đạt gần 10%, cao gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái và cao hơn tăng trưởng huy động vốn khoảng 2%. Điều này khiến cho xu hướng giảm của lãi suất VND vẫn chưa bền vững và chịu áp lực biến động mạnh ở những thời điểm tỷ giá tăng cao, khiến Ngân hàng Nhà nước phải điều tiết cung tiền thận trọng hơn, điển hình là giai đoạn cuối quý II”, vị lãnh đạo BIDV nói.
Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đã tăng khoảng 2,4%, thấp hơn so với mức tăng 4,8% của cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là xu hướng mất giá của VND có phần “ngược dòng” khi đồng USD suy giảm sức mạnh (chỉ số DXY giảm gần 7% trong 6 tháng đầu năm, xuống vùng thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây) và hầu hết các đồng tiền trong khu vực đều tăng giá so với USD trong quý II như Yên (Nhật) tăng 4,3%, Won (Hàn Quốc) tăng 8,8%, đô-la Singapore tăng 5,7%, Baht (Thái Lan) tăng 4,8%), Ringgit (Malaysia) tăng 5,4%…
Diễn biến này, theo lý giải của lãnh đạo cao cấp BIDV, xuất phát từ những yếu tố sau: Thứ nhất, việc Mỹ công bố mức thuế đối ứng của Việt Nam cao hơn so với nhiều nước khác trong ngày 2/4/2025 đã khiến tâm lý lo ngại gia tăng và duy trì trạng thái thận trọng phần lớn thời gian còn lại dù cho thuế quan tạm thời được hoãn 90 ngày sau đó.
Thứ hai, cung - cầu ngoại tệ cũng giảm bớt mức độ dồi dào so với quý I, ước thâm hụt khoảng 700 - 900 triệu USD. Một mặt, các cấu phần cơ bản như giải ngân FDI vẫn tăng trưởng tích cực (đạt 6,7 tỷ USD) và thặng dư cán cân thương mại có xu hướng cải thiện (đạt hơn 4 tỷ USD) nhờ hiệu ứng front-loading; mặt khác, cung - cầu ngoại tệ vẫn chịu áp lực do xu hướng bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán tiếp tục kéo dài (ước bán ròng khoảng 0,5 tỷ USD trong quý II và 1,5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm) và nhu cầu vay trả nợ của Kho bạc Nhà nước có xu hướng gia tăng (ước gần 2 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm).
“Ngoài ra, chênh lệch lãi suất VND - USD có xu hướng giảm trong phần lớn giai đoạn quý II khi chính sách tiền tệ nới lỏng rõ nét hơn cũng là yếu tố cộng hưởng tạo áp lực lên tỷ giá và gia tăng nhu cầu nắm giữ ngoại tệ trong giai đoạn này”, vị lãnh đạo BIDV nói.
Thúc đẩy tăng trưởng tiếp tục là ưu tiên hàng đầu
Cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái điều tiết cung tiền thận trọng hơn thông qua việc hút tín phiếu trở lại và phối hợp với kênh tiền gửi của Kho bạc Nhà nước nhằm giảm bớt lượng dư thừa thanh khoản VND, đưa chênh lệch lãi suất về vùng hợp lý hơn để hạn chế tạo áp lực lên tỷ giá.
Theo chuyên gia BIDV, việc Việt Nam đang tạm thời chiếm ưu thế về mức thuế quan so với một số quốc gia trong khu vực như Malaysia, Philippines… hỗ trợ tâm lý thị trường theo hướng tích cực hơn trong ngắn hạn. Ngoài ra, chênh lệch lãi suất USD - VND dự kiến ổn định hơn khi Ngân hàng Trung ương Mỹ dự kiến có thêm đợt cắt giảm lãi suất trong những tháng cuối năm sẽ làm giảm áp lực lên tỷ giá USD/VND.
“Cung - cầu ngoại tệ theo đó có thể cải thiện so với quý II, nhưng vẫn kém dồi dào (ước thâm hụt khoảng 0,5 tỷ USD tại kịch bản cơ sở). Đà tăng của tỷ giá dự kiến cũng chậm lại trong quý III, tuy nhiên có thể chịu áp lực tăng mạnh hơn lên trên vùng giá bán trong kịch bản thuế quan thực tế tiêu cực hơn kỳ vọng”, vị lãnh đạo BIDV nhận định.
Dự kiến trong quý III, chênh lệch lãi suất sẽ dao động ổn định hơn với kỳ hạn ngắn qua đêm, 1 tuần. Mặt bằng lãi suất VND liên ngân hàng tiếp tục dao động chủ đạo quanh vùng lãi suất OMO của Ngân hàng Nhà nước. Các yếu tố tác động chính, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, đến từ chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước dự kiến tiếp tục nhất quán định hướng nới lỏng để trợ lực cho nền kinh tế khi mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng vẫn là ưu tiên hàng đầu. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành các công cụ thị trường mở cũng như phối hợp với kênh tiền gửi Kho bạc Nhà nước để hỗ trợ thanh khoản. Tuy nhiên, mức độ nới lỏng sẽ được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh linh hoạt để cân bằng với mục tiêu ổn định tỷ giá, đặt trong bối cảnh rủi ro từ môi trường quốc tế vẫn ở mức cao.
Bên cạnh đó, thanh khoản VND dự kiến cải thiện trong quý III nhờ sự hỗ trợ từ các dòng tiền của Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước và giải ngân từ ngân sách nhà nước ra nền kinh tế được kỳ vọng tiếp tục tăng tốc trong giai đoạn cuối năm. Tuy nhiên, trạng thái thanh khoản vẫn không quá dồi dào do mức nền thấp từ cuối quý II và nhìn chung vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào các dòng tiền hỗ trợ. Cân đối huy động vốn - tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại dự kiến vẫn trong trạng thái thu hẹp khi tín dụng ước tính tăng thêm 3 - 4% trong quý III và cao hơn khoảng 0,2 - 0,4% so với huy động vốn.
Đối với lãi suất USD liên ngân hàng, dự kiến tiếp tục đi ngang trong khoảng 4,3 - 4,5%/năm trong phần lớn quý III và giảm khoảng 20-25 điểm về vùng 4,0 - 4,3%/năm vào cuối quý, do Fed nhiều khả năng có thể giảm lãi suất cơ bản 25 điểm trong tháng 9.
“Trong xu hướng giảm giá hiện tại của đồng USD, kết hợp với ảnh hưởng từ chính sách thuế quan, kỳ vọng VND có thể mất giá trong biên độ kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2025. Mặc dù Fed có thể tiếp tục giảm lãi suất, chúng tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ không điều chỉnh giảm thêm lãi suất chính sách trong năm nay mà tập trung hỗ trợ thanh khoản thông qua hoạt động trên thị trường mở và sử dụng các công cụ khác để điều tiết mức độ nới lỏng của chính sách tiền tệ”, chuyên gia phân tích của VDSC nhận định.
Chia sẻ về thông điệp điều hành chính sách tiền tệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định: “Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục bám sát diễn biến của nền kinh tế để thực hiện các công cụ điều hành chính sách tiền tệ, với thời gian và liều lượng hợp lý để kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn hệ thống ngân hàng. Đây là điểm căn cốt, bởi nếu kinh tế vĩ mô, tiền tệ, ngoại hối biến động như trước đây thì doanh nghiệp rất khó phát triển”.