Cuối quý II, ngay trước mùa cao điểm cầu vốn nửa cuối năm song một số ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục hạ lãi suất huy động. Ông có nhận định gì về diễn biến này?
Từ ngày 18/6/2025 đến ngày 24/6/2025, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng duy trì dưới 2%/năm. Điều này thể hiện thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng dồi dào. Các ngân hàng cũng gần như không tham gia vay vốn với Ngân hàng Nhà nước trên thị trường mở (OMO) với mức lãi suất 4%/năm và tối đa 3 tháng.
Thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) dồi dào là điều kiện tốt để các ngân hàng thương mại cân nhắc chính sách lãi suất của mình trên thị trường 1 (gồm cả lãi suất tiết kiệm và lãi suất cho vay tổ chức và cá nhân) theo hướng duy trì hoặc giảm ở mức hợp lý. Đây là một diễn biến hợp lý với một số nguyên nhân:
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước đã có những chỉ đạo và định hướng rất cụ thể, đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho hệ thống ngân hàng năm 2025 là 16%. Để đạt mục tiêu này, mặt bằng lãi suất phải được duy trì ở mức hợp lý.
Thứ hai, mặc dù Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chưa giảm lãi suất trong năm nay, nhưng các nhà kinh tế dự báo Fed sớm muộn sẽ cắt giảm lãi suất. Đây là một trong các tiền đề để Ngân hàng Nhà nước duy trì hoặc hạ lãi suất thị trường hơn nữa.
Thứ ba, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước vẫn đang điều hành chính sách tiền tệ ổn định, tăng trưởng kinh tế ở mức cao, kiểm soát tốt tỷ giá. Niềm tin vào tăng trưởng ổn định và chính sách tiền tệ ổn định là cơ sở của việc giảm lãi suất huy động.
|
Lãi suất duy trì ở mức hợp lý, sức hấp thụ vốn của cá nhân và doanh nghiệp được cải thiện |
Tỷ giá liên ngân hàng đã ở mức cao kỷ lục, theo ông, diễn biến của tỷ giá sẽ tác động như thế nào đến câu chuyện lãi suất tiền đồng?
Theo số liệu công khai, tính đến ngày 23/6/2025, VND đã mất giá khoảng 2,6% so với USD (tại thời điểm cuối năm 2024). Những diễn biến của tỷ giá USD/VND chắc chắn sẽ tác động đến điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.
Lãi suất đang được duy trì hợp lý và doanh nghiệp đang hấp thụ tốt, GDP đang tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, lãi suất liên ngân hàng không được quá thấp và nhất là khoảng cách với lãi suất USD như SOFR không được quá sâu, tránh tạo tâm lý đầu cơ mua USD, tác động bất lợi cho tỷ giá USD/VND.
Ngân hàng Nhà nước một mặt cân đối điều hành lãi suất ở mức hợp lý, mặt khác, vẫn phải theo dõi sát sao những diễn biến lãi suất tại thị trường quốc tế, đặc biệt là những động thái của Fed.
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế Citi Bank, VND năm nay sẽ không mất giá như năm 2024 (xấp xỉ 5%) và sức ép mất giá cho VND sẽ giảm dần trong thời gian tới, đi cùng với việc Fed giảm lãi suất. Đó là những tiền đề cho việc Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc tiếp tục giảm lãi suất, đồng thời không gây áp lực lên tỷ giá VND.
Fitch Ratings vừa cập nhật xếp hạng tín dụng Việt Nam, giữ nguyên ở mức BB+ với triển vọng ổn định. Dự báo của Fitch là kinh tế Việt Nam sẽ chỉ tăng trưởng 5,6% trong năm 2025 và 5,3% trong năm 2026. Vậy nhưng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 của Chính phủ Việt Nam hiện vẫn đang giữ ở mức cao. Theo ông, chính sách tiền tệ nên đi theo hướng nào để vừa đảm bảo mục tiêu ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, mà vẫn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?
Trong bối cảnh biến động địa chính trị phức tạp, chúng tôi đánh giá rất cao cách điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ngay sau khi phía Mỹ công bố về mức thuế đối ứng 46% áp cho hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam vào đầu tháng 4/2025, Citi đã có những nhận định về khả năng mức thuế đó sẽ ảnh hưởng đến môi trường FDI ở Việt Nam và phần nào có ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế năm 2025. Tại thời điểm đó, chúng tôi dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt được mức 5 - 6% trong năm 2025.
Tuy nhiên, khi các nước có thời gian 90 ngày để đàm phán thuế quan với Hoa Kỳ, xu hướng nhập hàng sớm và nhiều vào Hoa Kỳ đã ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, vốn FDI đăng ký ở Việt Nam tăng trưởng rất cao trong 6 tháng đầu năm, hơn 60%. Thực tế này đã thay đổi dự báo của chúng tôi. Đầu tháng 6 vừa qua, Citi điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025 lên mức 6,3%, phần nào phản ánh những đánh giá tích cực của chúng tôi về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay.
Chính sách tiền tệ, trong đó có việc đảm bảo môi trường lãi suất thấp, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì mức tăng trưởng tích cực này. Để đạt được tăng trưởng cao hơn, Chính phủ đã có những bước đi toàn diện như đẩy mạnh đầu tư công, tạo cơ chế chính sách cho kinh tế tư nhân phát triển cũng như quyết tâm thành lập Trung tâm Tài chính Quốc tế (IFC).
Trong bối cảnh biến động địa chính trị phức tạp, chúng tôi đánh giá rất cao cách điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trên cơ sở kiên định những mục tiêu đã đề ra như tăng trưởng kinh tế cao; tỷ giá, lạm phát ổn định.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đã đạt đỉnh 134% GDP. Vốn đầu tư trong nước phụ thuộc lớn vào tín dụng ngân hàng, kể cả vốn trung và dài hạn, tạo rủi ro cho nền kinh tế. Theo ông, giải pháp cho vấn đề này là gì?
Hệ thống ngân hàng đang gánh nhiều cho nền kinh tế trong việc cho vay cả trung và dài hạn, trong khi thị trường vốn nên thực hiện vai trò trên. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay vẫn chủ yếu được phát hành bởi các doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng và một số doanh nghiệp hàng tiêu dùng, chưa phát huy hết vai trò huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.
Sớm hay muộn, chúng ta kỳ vọng nhiều kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, thay vì chỉ dựa vào nguồn vốn ngân hàng, nhất là trong bối cảnh chính phủ đang đặt ra những mục tiêu tăng trưởng cao, giải phóng nguồn lực to lớn cho kinh tế tư nhân.
Các kênh huy động sẽ bao gồm các kênh truyền thống như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, IPO các doanh nghiệp lớn hay những giải pháp đột phá như thành lập trung tâm tài chính quốc tế, xây dựng cơ chế cho các giải pháp sáng tạo như chứng khoán hóa các dòng tiền tương lai với các khoản phải thu…