Chính phủ quyết cắt bỏ những gì làm khó doanh nghiệp

Chính phủ đã quyết cắt giảm mọi quy định gây rào cản cho hoạt động của doanh nghiệp, bất kể đó là thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh hay quy định gì. Môi trường kinh doanh đứng trước cơ hội được làm sạch toàn diện, nhưng việc thực thi không dễ dàng.
Doanh nghiệp mong muốn cứ quy định nào gây khó là phải cắt bỏ để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Đức Thanh Doanh nghiệp mong muốn cứ quy định nào gây khó là phải cắt bỏ để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Đức Thanh

Cứ làm khó doanh nghiệp là cắt bỏ

Muộn nhất vào đầu tháng 6/2020, các bộ, ngành phải hoàn tất kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của mình. Thời hạn này được quy định trong Nghị quyết 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản  hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025.

“Từ bây giờ, khi làm việc với các bộ, ngành, chúng tôi sẽ không cần tranh luận xem quy định đó là thủ tục hành chính hay là điều kiện kinh doanh để đề xuất cắt giảm như trước, chỉ cần quy định gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì phải cắt bỏ. Tôi hy vọng các bộ sẽ vào cuộc một cách thực chất và chủ động”, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ quan điểm ngay sau khi Nghị quyết 68/2020/NQ-CP được Chính phủ ban hành vào cuối tuần trước.

Không phải ngẫu nhiên, ông Hiếu so sánh như vậy. Là đơn vị được giao xây dựng và theo dõi việc thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP, trước đó là các phiên bản Nghị quyết 19/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia từ năm 2014 đến nay, ông Hiếu chứng kiến nhiều lần các đề xuất của CIEM về rà soát, cắt giảm quy định gây khó, tạo ra rào cản cho doanh nghiệp bị các bộ, ngành bác. Lý do là các quy định đó không phải là thủ tục hành chính, không phải là điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành nên chưa thuộc phạm vi phải rà soát, cắt bỏ.

“Khi góp ý sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh bằng xe ô tô (đã được thay thế bằng Nghị định 10/2020/NĐ-CP), nhiều quy định tạo ra rào cản, như những giới hạn với xe taxi tỉnh này khi đến địa phương khác, xe hợp đồng thì không được đón khách ở điểm cố định… hay các quy định theo kiểu do Bộ trưởng quy định chi tiết… nhưng không được xem xét bãi bỏ không phải là điều kiện kinh doanh hay thủ tục hành chính. Hay cuộc tranh luận về việc điều kiện để thi cấp chứng chỉ hành nghề mà nhiều bộ hướng dẫn có phải điều kiện kinh doanh hay không đã kéo dài vài năm nay vẫn chưa có hồi kết, dù chúng gây khó cho doanh nghiệp rất lớn…”, ông Hiếu phân tích.

Lo ngại vẫn là thực thi

Từ tham vọng mà ông Hiếu nhắc đến khi được đề nghị đánh giá về tác động của Nghị quyết 68/2020/NQ-CP mang nhiều hàm ý.

Phải nói rõ, mục tiêu mà Nghị quyết đặt ra là cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực đến hết ngày 31/5/2020. Tỷ lệ này khá thấp so với đề nghị là 50% của CIEM và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi góp ý vào Dự thảo Nghị quyết này. “Nếu thực hiện được ít nhất 20% cũng đã là một thành công”, ông Hiếu thừa nhận.

Có thể thấy rõ thực trạng này trong văn bản mà VCCI vừa gửi Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) vào tuần trước, góp ý Dự thảo thông tư hướng dẫn đăng ký thuế. Mặc dù Tổng cục Thuế là một trong số ít cơ quan quản lý nhà nước được doanh nghiệp đánh giá có nhiều cải cách, nhưng những quy định có thể làm khó doanh nghiệp vẫn được tìm thấy.

Ví như yêu cầu phải có bản sao giấy xác nhận đăng ký văn phòng điều hành hoặc giấy tờ tương đương do cơ quan có thẩm quyền cấp (nếu có) trong hồ sơ đăng ký thuế lần đầu của nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài trong Dự thảo Thông tư. Nhưng theo VCCI, các quy định về đấu thầu, đầu tư, xây dựng chỉ quy định cấp giấy phép thầu và giấy xác nhận đăng ký văn phòng điều hành cho nhà thầu thi công xây dựng, các nhà thầu trong các lĩnh vực khác không phải thực hiện nghĩa vụ này. Tuy nhiên, Dự thảo này lại áp dụng cho nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài ở các ngành.

Nhưng phát hiện này không phải là duy nhất. Trong hồ sơ thay đổi các thông tin đăng ký thuế, có những thông tin chỉ mang tính thống kê và có những thông tin thay đổi thường xuyên. Ví như các mẫu tờ khai yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai cả tỷ trọng vốn nhà nước, vốn tư nhân, vốn nước ngoài... Vấn đề là với các doanh nghiệp cổ phần, sự thay đổi tỷ trọng này diễn ra hàng ngày, nếu mỗi lần có sự thay đổi doanh nghiệp lại phải làm thủ tục báo cáo là bất khả thi.

“Hơn thế, việc thay đổi tỷ trọng vốn không ảnh hưởng đến các thủ tục và nghĩa vụ thuế với Nhà nước, nên việc yêu cầu doanh nghiệp báo cáo với cơ quan thuế là không cần thiết”, VCCI giải trình và đề nghị Tổng cục Thuế làm rõ trường hợp nào phải làm thủ tục thay đổi thông tin đăng ký thuế, trường hợp nào không cần.

Vẫn câu hỏi về tư duy quản lý

Đúng trong thời điểm Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi (sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV khai mạc hôm nay - 20/5 và có hiệu lực vào đầu năm 2021) đang trình phương án doanh nghiệp toàn quyền quyết định có hoặc không có con dấu, thì trong Dự thảo trên, Tổng cục Thuế vẫn đưa yêu cầu người nộp thuế phải đóng dấu trên tất cả mẫu tờ khai. 

Cũng phải nói thêm, trong các quy định liên quan đến ngành thuế thường là yêu cầu doanh nghiệp phải đóng dấu lên nhiều loại hồ sơ, giấy tờ. Nhiều doanh nghiệp phản ánh, việc đóng dấu này gây tốn kém thời gian, công sức.

Đây là lý do, Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã quy định doanh nghiệp cũng được lựa chọn dấu số hoặc dấu thông thường. Theo xu hướng này, tới đây, doanh nghiệp có thể thành lập và hoạt động mà không cần con dấu, có thể chủ động ứng dụng các phương tiện khoa học, công nghệ mới, như chữ ký điện tử hoặc công nghệ blockchain... thay cho con dấu truyền thống.

“Vấn đề không chỉ là quan điểm có hay không có con dấu, mà là câu chuyện các bộ, ngành có bao giờ đặt ra câu hỏi, các quy định, yêu cầu quản lý nhà nước mà họ đang đề xuất gây ra chi phí như thế nào cho doanh nghiệp, chi phí đó đem lại hiệu quả gì cho xã hội, cho quản lý nhà nước? Tôi kỳ vọng việc rà soát, đánh giá các quy định liên quan đến kinh doanh của doanh nghiệp cần được xem xét trên nguyên tắc chi phí tuân thủ, lợi ích xã hội, cộng đồng bên cạnh yêu cầu quản lý nhà nước. Mong các đại biểu Quốc hội cũng xem xét các dự thảo luật liên quan đến doanh nghiệp theo nguyên tắc đó”, ông Phan Đức Hiếu nói.

Đề xuất thành lập Tổ chuyên gia độc lập

Nhiều chuyên gia kinh tế đề xuất thành lập Tổ chuyên gia độc lập, tạo sức ép để Nghị quyết 68/2020/NQ-CP được thực hiện nhanh hơn. Tổ có nhiệm vụ đề xuất độc lập các lĩnh vực ưu tiên rà soát, đề xuất phương án cắt giảm và phản biện các kế hoạch rà soát của các bộ, ngành để Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính có thêm kênh tham khảo.

Các chuyên gia tham gia Tổ có thể do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính lựa chọn từ các ngành, mời tham gia với tư cách cá nhân, không phải do các bộ cử đại diện.

Thực tiễn thực hiện các Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02 cho thấy, các bộ, ngành thường có xu hướng lựa chọn việc dễ làm, làm nhanh, thay vì việc cần làm, cần gỡ nhanh cho doanh nghiệp.

Khánh An
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục