Con đường trở lại không còn như cũ
Chỉ sau vài phút trao đổi, 20 doanh nhân Sao Đỏ đã quyết định thay đổi nội dung cuộc thảo luận mở của Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ diễn ra hôm đầu tuần, để bàn xem sẽ kiến nghị gì tới Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra ngày mai (9/5/2020). Thay vì định hướng hoạt động mới thời kỳ hậu Covid-19, các doanh nhân xác định sẽ đối mặt với thời kỳ Covid-19 có thể kéo dài với những tác động có thể coi là vô tiền khoáng hậu và con đường trở lại không còn như cũ.
“Tôi và anh Tiền (ông Vũ Văn Tiền, Sao Đỏ năm 1999, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco) đã trải qua cả chiến tranh, những cuộc khủng hoảng kinh tế vào những năm 1998, 2008..., nhưng chúng tôi đang cảm thấy những điều tệ hơn, những tình huống chưa từng xảy ra”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT chia sẻ quan điểm.
Tình huống chưa từng xảy ra mà ông Bình nhắc tới có thể bắt đầu từ đại dịch Covid-19, nhưng sẽ không dừng lại ở con virus đang làm đảo lộn trật tự toàn cầu.
Có vẻ như xu hướng tiêu dùng tối thiểu, sự tương tác giữa con người thay đổi, giảm trực tiếp, tăng gián tiếp..., sự xuất hiện của các hệ thống tương tác ảo, robot... do nỗi sợ hãi tiềm ẩn trong cộng đồng sau khi trải qua những tình huống chưa từng xảy ra do đại dịch đã không còn là viễn cảnh, không chỉ có trong các dự báo.
Tại sân bay Changi của Singapore, các máy đo thân nhiệt đã được lắp đặt để nhận biết nhiệt độ của mọi nhân viên và khách du lịch ngay tại các khu vực chuyển khẩu. Sân bay quốc tế Hồng Kông cũng sử dụng các robot tiệt trùng thông minh để lau dọn nhà vệ sinh và các khu vực công cộng. Ở Abu Dhabi, Hãng hàng không Etihad đang thực hiện thử nghiệm các quầy tự phục vụ, được phát triển bởi Elenium Automation.
Thậm chí, nhiều người trên thế giới đang sẵn sàng vui với du lịch ảo, hào hứng với các trận đấu thể thao ảo... Một cuộc khủng hoảng toàn diện, không chỉ là suy thoái kinh tế như những lần trước, mà thay đổi cả tư tưởng, cách sống, sự tương tác giữa các quốc gia trên toàn cầu được giới phân tích nhắc tới đang được nhìn thấy nhiều hơn trong thực tế.
Tại Việt Nam, sự sôi động ở một số khu du lịch vào kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, ngay sau thời điểm các quyết định giãn cách xã hội được nới lỏng, vẫn không đủ khỏa lấp những khoảng trống ám ảnh trong chính các khu du lịch những ngày sau đó.
“Con virus tiêu dùng tối thiểu mới thực sự đáng sợ. Mất một giai đoạn dài, thế giới, nhất là Mỹ đã có một thế hệ Y, Z sống hân hoan, sẵn sàng vay để tiêu, nhưng tình huống đã thay đổi. Nếu nhu cầu rút vào tối thiểu, không biết cách nào, mất bao lâu để kéo lại”, ông Bình phân tích thêm.
Rất có thể nhiều doanh nghiệp sẽ rơi vào thế nguy nan nếu không hình dung rõ tương lai để quyết định cách tư duy, hành động.
Cũng phải nói thêm, các doanh nhân Sao Đỏ vẫn được coi là những đại diện thành công tiêu biểu của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong 20 năm qua, kể từ khi Giải thưởng Sao Đỏ được trao lần đầu tiên vào năm 1999. Phần lớn trong số họ đang sở hữu những doanh nghiệp, thương hiệu đình đám, như ông Vũ Văn Tiền với Geleximco, ông Phạm Đình Đoàn với Tập đoàn Phú Thái, ông Trịnh Văn Quyết với Tập đoàn FLC...
Không loại trừ khả năng, một vài giai đoạn hoàng kim mà các doanh nhân đã xây dựng được nhiều năm qua sẽ chỉ còn trong các cuốn kỷ yếu của doanh nghiệp.
Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ thảo luận các kiến nghị gửi Hội nghị Thủ tướng Chính phủ và doanh nghiệp
Mấu chốt là doanh nghiệp phải có mặt trong thế giới phục hưng
Rất khó khăn, không doanh nghiệp nào có thể né tránh thực trạng ảm đạm vào lúc này. Trong danh sách những doanh nghiệp báo lỗ quý I/2020, có mặt nhiều doanh nghiệp lớn. Vietjet lần đầu tiên ghi nhận lỗ trong quý kể từ khi niêm yết, với mức 989 tỷ đồng. Vietravel cũng báo lỗ 41,5 tỷ đồng, con số lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây và là quý lỗ thứ 2 liên tiếp của doanh nghiệp này.
Nhưng đó không phải là những gì mà các doanh nhân muốn gửi tới Thủ tướng Chính phủ. Ngay cả những hình dung về thế giới trong tương lai với thách thức chưa từng có cũng không phải để làm nhụt ý chí kinh doanh, mà để quyết định công việc, cách làm mới của doanh nghiệp.
“Mấu chốt là thế giới sẽ phục hưng, các doanh nghiệp cần phải có mặt ở thế giới đó, chứ không thể bị bão lũ quét đi. Cơ hội để viết những giai đoạn hoàng kim mới đang mở ra”, ông Bình khẳng định.
Đây là lý do mà nhiều doanh nghiệp chọn bước vào giai đoạn thời chiến, các kế hoạch ngày, kế hoạch tuần thay thế kế hoạch năm. Các doanh nghiệp được cho là khó khăn nhất vào thời điểm này là hàng không, du lịch, khách sạn... đều bình tĩnh tìm giải pháp. Ngay trong cuộc làm việc của các Sao Đỏ, các kế hoạch hợp tác, sử dụng sản phẩm của nhau để kích thích nhu cầu trong nước đã được bàn tới...
Nhưng đó là cách doanh nghiệp đương nhiên phải làm. Song, chính lúc này, các doanh nghiệp muốn bàn đến là về cải cách thể chế, tháo gỡ nút thắt, để khơi thông thị trường, đưa doanh nghiệp, nền kinh tế vào dòng chảy kinh doanh. Những khó khăn trong thủ tục hành chính, các quy định chồng chéo... vẫn đang làm khó doanh nghiệp, chưa kể làm khó cả hoạt động đầu tư công vốn đang được chờ đợi là nơi kích hoạt dòng vốn cho nền kinh tế vào lúc này.
“Chính phủ cần phải áp dụng “cơ chế thời chiến”, ưu tiên tốc độ, hiệu quả. Chúng tôi mong muốn doanh nghiệp tốt, doanh nghiệp có tiềm lực có thể tồn tại, sống được, giữ được lao động tốt”, ông Phạm Đình Đoàn tâm tư.
Người lao động cũng được các doanh nghiệp nhắc tới không phải ở góc độ là bên yếu thế, mà là một bộ phận quan trọng của doanh nghiệp, khi đề xuất các phương án chia sẻ khó khăn. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng được nhắc tới với mong muốn chung tay với doanh nghiệp, hỗ trợ cơ chế, chính sách để doanh nghiệp có dòng tiền...
Các doanh nghiệp đang nghĩ về tương lai, thắt lưng buộc bụng, chịu khó hy sinh để tái cơ cấu doanh nghiệp theo mục tiêu đẳng cấp hơn, phù hợp với giai đoạn bình thường mới của thế giới, của nền kinh tế.
Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH:
Khơi thông dòng chảy tâm lý tiêu dùng
Ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Tập đoàn Alphanam
Điều đầu tiên chúng ta cần phải làm bây giờ là không thể sợ hãi, cả người dân, doanh nghiệp. Khi tất cả chúng ta vượt qua sự sợ hãi thì mới thành công.
Việc thứ hai là khơi thông dòng chảy tâm lý tiêu dùng, tháo gỡ nút thắt thủ tục hành chính, các nút thắt thể chế. Cần có bộ phận nhận kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp ở các địa phương, để doanh nghiệp nếu có khó khăn, vướng mắc gì có đầu mối giải quyết ngay.
Trong ngắn hạn, cần giải bài toán lao động. Làm sao để giữ được công việc cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp đang cần tiền mặt để trả lương, nên cần cơ chế hỗ trợ nhu cầu chính đáng vào lúc này.
Đừng để câu chữ làm khó việc thực hiện
Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco
Thủ tướng Chính phủ kêu gọi chống Covid-19 như chống giặc.
Chúng tôi cũng mong muốn các quyết sách hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ chế, chính sách với doanh nghiệp cũng được đặt trong bối cảnh như thời chiến, đừng để câu chữ làm khó việc thực thi.
Chúng tôi cũng muốn đề nghị trong bối cảnh này, ai không làm đúng yêu cầu tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động sẽ phải chịu trách nhiệm, phải bị xử lý.
Doanh nghiệp không xin tiền, chỉ cần thể chế phù hợp
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC
Lúc này, doanh nghiệp cần cơ chế, chính sách để có thể hoạt động một cách thuận lợi nhất. Nhiều người nói doanh nghiệp này đi, sẽ có doanh nghiệp khác lớn lên. Nhưng tại sao chúng ta không hành động để các doanh nghiệp tốt, có tiềm lực đều có cơ hội lớn lên, tốt hơn lên.
Đơn cử, một dự án đầu tư chục ngàn tỷ đồng, với các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm, tiềm lực, có thể làm nhanh trong 11 - 12 tháng, hãy tạo điều kiện, tháo gỡ mọi nút thắt để doanh nghiệp hoàn tất.
Các cấp chính quyền có thể nhìn vào viễn cảnh khi dự án chạy, nhà thầu có việc, người lao động có việc, dòng tiền chuyển động... để cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy mọi hoạt động một cách nhanh nhất. Giải pháp cấp bách, kiến nghị giảm thuế, phí để khuyến khích người dân đi đường hàng không.
Covid-19 cho chúng ta cơ hội suy nghĩ lại, nhìn nhận tương lai mới
Ông Nguyễn Cảnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty Eurowindow, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ
Covid đã đem lại cho chúng ta cơ hội suy nghĩ lại, nhìn nhận tương lai mới. Doanh nghiệp cũng phải giải được con virus sợ hãi, xác định hành động để phải có mặt trong thế giới sau phục hưng. Chúng tôi sẽ có những khuyến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, với 3 vấn đề chính.
Một là, Chính phủ cần hành động quyết liệt để chống suy thoái doanh nghiệp, chống mất việc làm bên cạnh chống dịch.
Hai là, cần áp dụng hành động như thời chiến, để có thể tháo gỡ các vướng mắc cụ thể mà các quy định bình thường không giải tỏa được.
Ba là, ổn định tâm lý xã hội, nhanh chóng đưa cuộc sống trở về giai đoạn bình thường.
Đặc biệt, chúng tôi đề xuất với Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về chống suy thoái kinh tế, với sự tham gia của các doanh nghiệp...