Tắc vì cơ chế, doanh nghiệp khó sống
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như Nghị định 25/2020/NĐ-CP, sửa đổi Nghị định 20/2017/NĐ-CP, gia hạn nộp tiền sử dụng đất... Các giải pháp phần nào đã giúp doanh nghiệp dễ thở hơn, nhưng đó mới chỉ là phần nhỏ trong tảng băng "vướng mắc về cơ chế" bao năm qua vẫn chưa được giải quyết.
Là một trong những lãnh đạo doanh nghiệp có nhiều kiến nghị và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường thời gian qua, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT GP. Invest đã thẳng thắn chia sẻ những nỗi khổ không mấy ai thấu của doanh nghiệp địa ốc. Trong đó, một trong những điều buồn nhất mà ông Hiệp nói đến là việc Chính phủ tiếp tục đề nghị lùi sửa đổi Luật Đất đai đến nhiệm kỳ sau. Bởi lẽ, những vướng mắc của thị trường bất động sản nói chung và các các doanh nghiệp bất động sản nói riêng đa phần đều xuất phát từ những hạn chế liên quan đến hành lang pháp lý, trong đó Luật Đất đai đóng vai trò trung tâm.
Hay một vấn đề khác là câu chuyện muôn thủa về cấp vốn cho phát triển nhà ở xã hội. Mặc dù liên tục được nhắc tới hàng năm và ngay trong lúc dịch bệnh bùng phát hồi tháng 3/2020, tại Nghị quyết 41/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2020, Chính phủ đồng ý bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội. Thế nhưng, thực tế việc tiếp cận gói vốn này lại không hề dễ dàng.
Ông Bùi Viết Sơn, Chủ tịch HĐQT AZLand, một trong những doanh nghiệp tham gia phát triển dự án nhà ở xã hội và cũng đang vướng mắc một số dự án không triển khai tiếp được thừa nhận, khó thậm chí rất khó để tiếp cận vốn liên quan đến nhà ở xã hội, bởi việc làm hồ sơ thực sự rất phức tạp.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, gói 2.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội mới có Nghị quyết chứ chưa có vốn.
Các cấp chính quyền có thể nhìn vào viễn cảnh khi dự án được triển khai, nhà thầu có việc, người lao động có việc làm, dòng tiền chuyển động... để cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy mọi hoạt động một cách nhanh nhất.
- Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC
Ngay kể cả đối với chính sách hiện hữu, theo báo cáo gần đây của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) gửi đến Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp bất động sản hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Với lĩnh vực tín dụng, doanh nghiệp cần phải cung cấp hồ sơ, thủ tục để chứng minh ảnh hưởng của dịch bệnh để được hỗ trợ lãi suất.
Theo VNREA, việc làm hồ sơ này là không dễ dàng với nhiều doanh nghiệp, vì các thủ tục thực sự rất phức tạp. Điều này dẫn đến mức hỗ trợ đưa ra hầu như chỉ mang tính định tính và “hình thức”, do mức lãi suất mà các doanh nghiệp được giảm trên thực tế chỉ là từ 0,2 - 0,5% chứ không đến 2 - 3% như công bố của các ngân hàng.
Về lĩnh vực thuế, theo ghi nhận của VNREA, doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn về việc chứng minh bị thiệt hại vật do ảnh hưởng của dịch bệnh. Hướng dẫn của Tổng cục Thuế tại Văn bản số 897/TCT-QLN ngày 3/3/2020 có chỉ rõ, trường hợp được gia hạn nộp thuế sẽ là “Bị thiệt hại vật chất gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ”. Nếu muốn hưởng việc gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp thuế vừa nêu, người nộp thuế phải nộp hồ sơ theo quy định tại Thông tư số 156/2013/TT-BTC gồm nhiều tài liệu khác nhau.
Theo đó, cần có xác nhận của cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương, ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế về việc người nộp thuế bị thiệt hại do thiệt hại, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, nên sẽ có nhiều thủ tục hành chính cần phải thực hiện để được hỗ trợ.
Doanh nghiệp cần cơ chế phù hợp
Ngay trước thời điểm Hội nghị Diên hồng với chủ đề "Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế" do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì với các doanh nghiệp diễn ra vào ngày 9/5/2020 vừa qua, 20 Doanh nhân Sao đỏ, trong đó có không ít những lãnh đạo của doanh nghiệp bất động sản như ông Nguyễn Tuấn Hải Alphanam, ông Nguyễn Trung Vũ Cengroup, ông Vũ Xuân Tiền Geleximco, ông Nguyễn Cảnh Hồng Eurowindow… thay vì nhìn định hướng hoạt động mới thời kỳ hậu Covid-19, đã xác định sẽ đối mặt với những khó khăn có thể kéo dài, những tác động có thể coi là vô tiền khoáng hậu và con đường trở lại không còn như cũ.
Các doanh nghiệp lựa chọn bước vào giai đoạn thời chiến, xây dựng các kế hoạch ngày, kế hoạch tuần, thay cho kế hoạch năm và bình tĩnh tìm giải pháp. Đồng thời, hợp tác sử dụng sản phẩm của nhau để cùng vực dậy.
Tuy nhiên, từng đó là chưa đủ để doanh nghiệp có thể bật dậy nhanh sau trận ốm, cái doanh nghiệp cần là cải cách thể chế, tháo gỡ nút thắt, để khơi thông thị trường, đưa doanh nghiệp, nền kinh tế vào dòng chảy kinh doanh.
Những khó khăn trong thủ tục hành chính, các quy định chồng chéo... vẫn đang làm khó doanh nghiệp, chưa kể làm khó cả hoạt động đầu tư công, vốn đang được chờ đợi là nơi kích hoạt dòng vốn cho nền kinh tế vào lúc này.
Theo ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, lúc này, doanh nghiệp cần cơ chế, chính sách để có thể hoạt động một cách thuận lợi nhất. Nhiều người nói doanh nghiệp này ra đi, sẽ có doanh nghiệp khác lớn lên. Nhưng tại sao không hành động để các doanh nghiệp tốt, có tiềm lực đều có cơ hội lớn lên, tốt hơn lên. Đơn cử, một dự án đầu tư chục ngàn tỷ đồng, với các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm, tiềm lực, có thể làm nhanh trong 11 - 12 tháng, hãy tạo điều kiện, tháo gỡ mọi nút thắt để doanh nghiệp hoàn tất.
"Các cấp chính quyền có thể nhìn vào viễn cảnh khi dự án được triển khai, nhà thầu có việc, người lao động có việc làm, dòng tiền chuyển động... để cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy mọi hoạt động một cách nhanh nhất”, ông Quyết cho biết.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) cho rằng, Chính phủ đã và đang đưa ra những chính sách rất kịp thời để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, nhưng Chính phủ cũng nên có những hình thức và biện pháp hợp lý để đánh giá một cách tổng quan, cũng như chi tiết các kiến nghị do các doanh nghiệp đề xuất. Bên cạnh đó, Chính phủ cần xem xét đến việc giải quyết một cách triệt vấn đề về pháp lý và thủ tục của dự án mới để có thể hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp trong trung và dài hạn.
HoREA kiến nghị, Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai theo thủ tục rút gọn. Đồng thời, có bổ sung hình thức “giao đất” đối với thửa đất do Nhà nước quản lý xen cài trong dự án nhà ở; trường hợp thửa đất do nhà nước quản lý có đủ điều kiện tách được thành dự án độc lập, thì thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; nếu không đủ điều kiện tách được thành dự án độc lập thì giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư để thực hiện dự án và xác định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Ngoài ra, ông Châu cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành rà soát và hướng dẫn ban hành “Quy trình chuẩn 4 bước” về thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp theo quy định pháp luật hiện hành, để thống nhất thực hiện gồm bước 1, lập thủ tục “Quyết định chủ trương đầu tư”; bước 2, lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; bước 3, lập thủ tục giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; bước 4, công nhận chủ đầu tư; cấp giấy phép xây dựng (chủ đầu tư được khởi công xây dựng); lập thủ tục xác định tiền sử dụng đất, cấp “số đỏ” dự án.
Theo ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi chống Covid-19 như chống giặc, các doanh nghiệp luôn mong muốn các quyết sách hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ chế, chính sách với doanh nghiệp phải đi vào hiện thực và trong bối cảnh như thời chiến, đừng để câu chữ làm khó việc thực thi. Trong bối cảnh hiện nay, ai không làm đúng yêu cầu tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động sẽ phải chịu trách nhiệm, phải bị xử lý. Có như vậy, sẽ tạo nên không khí mới, sự hào hứng mới cho doanh nghiệp, cho xã hội.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com