"Các công ty dầu khí của Nga có thể sản xuất cho đến khi giá dầu giảm xuống còn 15 - 25 USD/thùng", Karen Kostanian, nhà phân tích tại Bank of America, cho biết.
Theo Bloomberg, các công ty dầu khí lớn của Nga trong năm 2019 chỉ cần chi không tới 4 USD để chiết xuất một thùng dầu. Cùng với chi phí vận chuyển và chi phí vốn, tổng chi phí sản xuất ra một thùng dầu không vượt quá 20 USD. Con số này đạt được nhờ sự phát triển của cơ sở hạ tầng khai khoáng, đồng thời hệ thống đường sắt và đường dẫn ống hoạt động hiệu quả.
Năm ngoái, chi phí sản xuất một thùng dầu của các công ty dầu khí lớn của Nga đều dưới 12 USD. Nguồn: Bloomberg
Ngoài ra, hệ thống tài chính ở Nga được thiết kế theo cơ chế, trong thời kỳ giá dầu giảm, gánh nặng thuế đối với các công ty khai thác dầu mỏ cũng sẽ giảm theo, Bloomberg cho biết.
Theo Fitch Ratings, với mức giá 50 USD/thùng, các công ty khai thác dầu mỏ của Nga sẽ phải chịu mức thuế 40% doanh thu. Tuy nhiên, nếu giá dầu trượt xuống ngưỡng 25 USD/thùng, mức thuế sẽ giảm xuống 20%. Và trong trường hợp dầu rơi mạnh xuống vùng giá 15 - 20 USD/thùng, gánh nặng thuế gần như là không có.
Vào năm 2014, Ngân hàng Trung ương Nga đã huỷ bỏ hành lang dao động tỷ giá hối đoái của đồng RUB áp dụng từ năm 1999 theo cách ràng buộc tỷ giá hối đoái của đồng tiền này vào biến động tỷ giá hối đoái của những đồng tiền trong "rổ tiền tệ”.
Việc thả nổi đồng RUB mở ra thời kỳ mới trong chính sách tiền tệ của Nga. Đồng RUB suy yếu so với đồng USD đã hỗ trợ chi phí vốn (capex) cho các công ty Nga, bởi thực tế, họ nhận được một phần đáng kể doanh thu bằng đồng tiền của Mỹ và gần như chỉ chi tiêu bằng đồng tiền của Nga.
Đồng RUB mất giá mạnh ngay sau khi giá dầu giảm trong tuần qua. Lần dầu tiên sau 4 năm, đồng tiền Nga giao dịch ở ngưỡng 75 RUB đổi 1 USD. Nguồn: TradingView.
Ví dụ, vào năm 2016, khi đồng tiền Nga mất giá, xuống mức 67,03 RUB/USD, so với mức 31,85 RUB/USD ba năm trước đó, Rosneft, tập đoàn dầu khí lớn nhất của Nga, đã tăng chi phí vốn bằng đồng RUB lên 66% bằng cách đầu tư vào sản xuất trong tương lai, trong khi các đối thủ cạnh tranh thì buộc phải cắt giảm chi tiêu.
Do đó, hệ thống tỷ giá hối đoái thả nổi giúp cho các công ty dầu khí của Nga được bảo vệ và dễ dàng vượt qua khủng hoảng trong trường hợp đồng RUB suy yếu so với đồng USD.
Tất cả những yếu tố trên có thể tạo điều kiện cho các công ty Nga trở thành những công ty duy nhất trên thế giới có thể đương đầu được với Ả Rập Xê-út trong cuộc chiến giá dầu, các nhà phân tích kết luận.
Vào đầu tuần, sau khi giá dầu giảm mạnh hơn 30%, cả Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Nga đã nhanh chóng đưa ra phản ứng trấn an tâm lý thị trường.
Hãng tin RT trích dẫn thông báo của Bộ Tài chính Nga cho biết, quỹ tài sản có chủ quyền của Nga vẫn đủ dự trữ để bù đắp thâm hụt ngân sách trong nhiều năm, ngay cả khi giá dầu trượt xuống mức từ 25 - 30 USD/thùng.
Cụ thể, quỹ tài sản quốc gia Nga có tài sản lưu động trị giá hơn 10.000 tỷ ruble (tương đương 150 tỷ USD) là nguồn thu từ dầu khí bổ sung, đủ để bù đắp sự thiếu hụt có thể xảy ra do giá dầu giảm trong vòng 6 - 10 năm.
Trước đó, khi dầu còn đang giao dịch ở ngưỡng 40 USD/thùng, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tuyên bố, Moscow phải chuẩn bị kỹ càng để trong bất kỳ kịch bản giá dầu nào xảy ra thì Nga vẫn có đủ dự trữ để duy trì hoạt động.
Mặt khác, về phía Ả Rập Xê-út, nước này đang thực hiện kế hoạch tăng gấp ba nguồn cung dầu cho các nước châu Âu với mức giá 25 USD/thùng, nguồn tin của Bloomberg cho biết.
Trước hết, Ả Rập Xê-út đã cung cấp dầu Arab Light cho Rotterdam với mức giá này. Nguồn tin của Bloomberg cũng cho biết, các khách hàng như Royal Dutch Shell của Hà Lan và Anh, BP của Vương quốc Anh, Total của Pháp, Repsol và CEPSA của Tây Ban Nha đã nhận được một đề nghị từ Saudi Aramco, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ả Rập Xê-út. Theo đó, Saudi Aramco muốn cung cấp khối lượng dầu vượt tiêu chuẩn từ 25 - 200% có các công ty trên.
Theo Bloomberg, mức giá 25 USD/thùng thấp hơn nhiều so với giá xuất khẩu dầu thô Urals của Nga và trước đây, tại thị trường châu Âu, đầu Ả Rập Xê-út chiếm thị phần không lớn.
Diễn biến giá dầu thô Brent trong tuần qua. Nguồn: TradingView.
Mở cửa phiên giao dịch thứ Hai ngày 9/3, giá dầu thô Brent trên sàn giao dịch ICE ở London đã giảm mạnh 30%. Giá dầu lao dốc sau khi OPEC và Nga không thể đạt được thỏa thuận cắt giảm thêm sản lượng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành khiến nhu cầu trên thị trường dầu mỏ giảm vào cuối tuần trước. Đồng thời, Ả Rập Xê-út bất ngờ tuyên bố sẽ tăng sản lượng thay vì cắt giảm, đồng thời sẽ giảm giá cho các khách hàng.