Chiến lược của Nga
Cuộc khủng hoảng giá dầu hiện tại xuất phát từ việc Nga từ chối tiếp tục hạ sản lượng cùng các đồng minh tại Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Theo đó, OPEC quay ngoắt 108 độ từ muốn hạ sản lượng để thúc đẩy giá dầu sang đạp giá dầu xuống đáy để xem ai là người chiến thắng.
Trong khi Nga có ý tưởng khác: Chiến lược của quốc gia này là “bóp nghẹt” các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ, vốn đã thâm nhập mạnh mẽ thị trường toàn cầu trong những năm gần đây khi OPEC và các đồng minh tự kìm hãm sản xuất.
Hiện tại, các nhà sản xuất dầu đá phiến sẽ chịu lỗ trên từng thùng dầu bán ra, trừ khi giá dầu phục hồi lại với tốc độ nhanh như khi lao dốc. Diễn biến này khó có thể xảy ra và do đó, việc các công ty dầu đá phiến chao đảo là dễ hiểu.
Chưa kể, ngay cả trước khi Ả Rập Xê út khơi mào cuộc chiến, các nhà băng đã dự tính thắt chặt tín dụng đối với các nhà sản xuất dầu đá phiến bởi khối lượng nợ của khu vực này đã phình to và có nhiều khoản nợ xấu.
Việc giá dầu xuống mức 26 USD/thùng đã góp phần lớn tạo nên suy thoái ngành sản xuất tại Mỹ năm 2016. Hiện tại, giá dầu nhiều khả năng sẽ xuyên thủng mức này, thậm chí chạm 20 USD/thùng.
Khi đó, cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11/2020 sẽ có những biến động mới. Đây là lý do giới chuyên gia nhận định, Nga bước ra khỏi cuộc họp với OPEC nhằm giáng đòn vào Mỹ, bởi nước Nga ở vị thế vững vàng nhất trong số các “tay chơi” trong cuộc chiến giá dầu.
Mức giá dầu cần thiết để các quốc gia cân bằng ngân sách
Trong khi đó, Rory Fyfe, nhà kinh tế trưởng tại MENA Advisor cho rằng, giá dầu duy trì ở mức dưới 40 USD trong 5 năm sẽ tạo nên khoảng thời gian khủng hoảng đầu tiên tại Oman, sau đó tới Ả Rập Xê út và Bahrain, bao gồm phá sản, cắt giảm chi tiêu và thuế cao hơn. Tại mức giá 20 USD/thùng, khu vực này sẽ chứng kiến những thay đổi lớn về chính trị.
“Âm vọng” của giá dầu
Giá dầu lao dốc thẳng đứng sau khi Ả Rập Xê út khơi mào cuộc chiến bằng cách giảm mạnh giá bán cho các khách hàng châu Á, châu Âu…, đồng thời dự định nâng sản lượng lên trên 10 triệu thùng/ngày trong tháng tới. Giá dầu thô Brent giảm gần 1/3 xuống còn 31 USD/thùng trong phiên đầu tuần và Goldman Sachs Group Inc dự báo sẽ sớm chạm tới ngưỡng 20 USD/thùng.
Đà giảm mạnh, nhanh chóng này nếu tiếp tục duy trì sẽ khiến ngân sách các quốc gia như Venezuela, Iran sớm cạn kiệt, đe doạ thủ phủ của dầu đá phiến tại Mỹ và khuấy đảo câu chuyện chính trị trên toàn cầu. Đối với các ngân hàng trung ương, viễn cảnh giá dầu lao dốc sẽ khiến công việc của họ ngày càng trở nên khó khăn hơn, nhất là khi việc lượng hoá các tác động từ dịch bệnh đối với nền kinh tế đã đủ đau đầu.
Chưa kể, trong dài hạn, giá dầu thấp sẽ trở thành chướng ngại vật với cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, làm chậm lại quá trình xanh hoá ngành năng lượng với các loại năng lượng tái tạo.
Giá dầu giảm hơn 30%
Trong bối cảnh hiện tại, nếu nói rằng có người được hưởng lợi thì chỉ có thể nhắc tới Trung Quốc – nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Một khi các công xưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bắt đầu hoạt động bình thường sau thời gian đình trệ vì dịch bệnh, giá dầu thấp sẽ là niềm vui lớn.
Trong khi đó, tình hình với nước Mỹ đã khác biệt, từ kẻ từng giành chiến thắng trong quá khứ thành kẻ chiến bại. Nếu như trước đây Mỹ là quốc gia nhập khẩu dầu mỏ thì hiện tại, nhờ cách mạng dầu đá phiến, nền kinh tế lớn nhất thế giới đang là một trong những nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Với việc giá dầu thấp, nguồn thu đi xuống, nền kinh tế Mỹ sẽ thêm khó khăn. Nhưng tác động nặng nhất là việc thủ phủ của dầu đá phiến sẽ lao đao bởi chi phí sản xuất sản phẩm này luôn cao hơn so với dầu thô tự nhiên.