Các nhà sản xuất dầu mỏ trên toàn cầu đã cắt giảm chi phí, bán bớt tài sản, đình trệ dự án mới nhằm cân bằng lại bảng cân đối kế toán của chính mình sau khi giá dầu thô lao dốc giai đoạn 2014 – 2017.
Vừa mới nhìn thấy chút ánh sáng sau đường hầm thì hiện tại, họ phải đối diện với cuộc chiến giá dầu mới, cùng viễn cảnh u ám khi nhu cầu tiêu thụ chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh. Những nỗ lực thắt lưng buộc bụng bấy lâu tỏ ra không hề thấm tháp trước tình hình hiện nay.
Giá dầu giảm mạnh hơn 30% trong phiên giao dịch đầu tuần đã khiến giá trị thị trường của các công ty dầu mỏ bốc hơn khoảng 250 tỷ USD trên toàn cầu, sau khi đã giảm 135 tỷ USD cuối tuần trước bởi Nga và Ả Rập Xê út không thể đạt được thoả thuận.
Saudi Aramco, nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới chứng kiến giá cổ phiếu lần đầu tiên xuống dưới giá IPO, trong khi cổ phiếu của Royal Dutch Shell Plc, BP Plc và Total SA đều giảm mạnh nhất kể từ cuối những năm 1980 tới nay.
Giá trị thị trường của các công ty dầu mỏ giảm 385 tỷ USD trong 2 ngày qua
Trong khi đó, chỉ số MSCI ACWI Engergy Sector đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2013 với PE ước tính giảm gần 40% so với mức trung bình 5 năm.
Giá cổ phiếu dầu mỏ đang chiết khấu 40% so với mức trung bình 5 năm qua
Việc Nga từ chối hỗ trợ ý định tiếp tục hạ sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) là nhằm làm suy yếu sức cạnh tranh của các công ty dầu đá phiến Mỹ. Bên cạnh đó, giá dầu giảm xuống mức 30 USD/thùng có khả năng đẩy các nhà sản xuất dầu đá phiến với chi phi cao ra khỏi cuộc chơi. Điều này sẽ tạo nên vấn đề lớn với các nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất trên toàn cầu.
Ví dụ, BP đang tìm cách đẩy mức giá hoà vốn xuống còn 40 USD/thùng cho tới năm 2021, trong ki Equinor ASA cho biết, chỉ cần giá dầu dưới 50 USD/thùng thì Công ty sẽ không có tăng trưởng lợi nhuận.
Tình hình có vẻ ổn hơn với Shell và Total, khi mức giá hoá vốn dự tính năm 2019 của Shell là dưới 30 USD/thùng và Total là dưới 25 USD/thùng, tuy nhiên, với số nợ lớn mà 2 hãng đang gánh vác, khoảng cách hẹp hiện tại với giá dầu không mang lại chút thoải mái nào. Chiến lược gia tại Redburn nhận định, điểm hoà vốn của các công ty này sẽ tăng mạnh trong năm tới khi thị trường rơi vào thế bất lợi.
Điểm hoà vốn của các nhà sản xuất dầu mỏ lớn năm 2020
Việc sản xuất – kinh doanh gặp trở ngại, tất nhiên cổ tức cũng sẽ bị ảnh hưởng. Shell và BP đều thuộc nhóm những doanh nghiệp mạnh tay chia cổ tức nhất trên thế giới, với cam kết ưu tiên hàng đầu thuộc về cổ đông. Tuy nhiên, với việc cuộc chiến giá dầu đã bắt đầu, nhà đầu tư bắt đầu nghi ngờ liệu lời hứa này sẽ kéo dài được bao lâu?
Diễn biến cổ tức của 3 doanh nghiệp dầu mỏ lớn qua các năm