"Kịch bản rút khỏi thỏa thuận hạn chế sản xuất đã được thực hiện, và tình hình hiện tại trên thị trường dầu mỏ nằm trong dự báo", ông Novak cho biết.
Bộ trưởng Năng lượng Nga cho biết, OPEC đã từ chối đề nghị gia hạn thỏa thuận cắt giảm hiện tại cho đến cuối quý II của Nga để Moscow đánh giá ảnh hưởng của nCoV đối với nền kinh tế thế giới.
"Phía Nga đề xuất gia hạn thỏa thuận với các điều khoản hiện có ít nhất cho đến cuối quý II để hiểu rõ hơn về tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu trên thị trường dầu mỏ. Tuy nhiên, các đối tác tại OPEC đã quyết định gia tăng sản lượng dầu và tranh giành thị phần", TASS dẫn lời ông Novak.
Bộ trưởng nhấn mạnh, ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga nổi bật bởi sức mạnh tài chính và cơ sở tài nguyên chất lượng cao, do đó, Nga sẽ vẫn có sức cạnh tranh ngay cả khi giá dầu thấp.
Trong khi đó, Rosneft, tập đoàn dầu mỏ lớn nhất của Nga, cho biết, họ đã sẵn sàng tăng sản lượng bắt đầu từ tháng 4, sau khi thỏa thuận OPEC+ hết hạn, theo Bloomberg. Cụ thể, Rosneft có thể tăng sản lượng thêm 300 nghìn thùng mỗi ngày trong vòng một hoặc hai tuần.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 10,15 USD (-24,6%), xuống 31,13 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 10,91 USD (-24,1%), xuống 34,36 USD/thùng.
Trên thị trường ngoại hối, đồng RUB của Nga mất giá mạnh, lần đầu tiên sau 4 năm giao dịch ở mức 75 RUB đổi 1 USD và 85 USD đổi 1 EUR.
Trước đó, trong cuộc họp vào ngày 6/3 tại Vienna, các quốc gia OPEC+ không thể đạt được thỏa thuận về việc cắt giảm thêm sản lượng dầu mỏ hoặc gia hạn thêm thỏa thuận đang thực hiện hiện tại. Do đó, từ ngày 1/4, các hạn chế về sản lượng dầu sẽ hết hạn.
OPEC đã đề xuất giảm thêm 1,5 triệu thùng mỗi ngày cho đến cuối năm 2020. Tuy nhiên, Nga và Kazakhstan đã phản đối đề xuất này.