Ả Rập Xê út không dễ thắng trong cuộc chiến giá dầu

(ĐTCK) Trong trận chiến giá dầu mà Ả Rập Xê út vừa khơi mào, người chiến thắng không phải người có sức mạnh to lớn, mà là kẻ có sức bền để chịu đựng được tổn thất lâu dài nhất. 
Ả Rập Xê út không dễ thắng trong cuộc chiến giá dầu

Với động thái giảm giá dầu, chiết khấu lớn với khách hàng và dự tính gia tăng sản lượng trong tháng tới, Ả Rập Xê út vừa trở thành nguyên nhân chính khiến giá dầu giảm hơn 31% trong 1 phiên, mức mạnh nhất kể từ chiến tranh vùng Vịnh.

Nếu như trong thời gian qua, Ả Rập Xê út sử dụng chiến thuật kiềm chế sản lượng, thắt chặt nguồn cung để thúc đẩy đà tăng của giá dầu, thì hiện tại, vương quốc dầu mỏ này đã quay ngoắt sang việc đối đầu trực diện với các nhà sản xuất dầu mỏ tại Nga và Mỹ bằng cuộc chiến giảm giá và chờ xem ai là người có thể trụ tới cuối cùng.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên Ả Rập Xê út sử dụng chiến thuật này. Trước đó, năm 1985, sau nhiều năm hạ sản lượng, OPEC đã quyết định phát động cuộc chiến giá bằng cách bơm dầu ra thị trường, đẩy giá dầu xuống còn 8 USD/thùng.

Tuy nhiên, hiện tại, theo giới chuyên gia, dù là bên phát động, Ả Rập Xê út cũng khó có thể giành phần thắng bởi nhiều yếu tố đã thay đổi.

Mỗi tay chơi trong cuộc chiến này đều có những thế mạnh và điểm yếu riêng. Trước tiên, cần nhấn mạnh rằng, không nhà sản xuất dầu mỏ nào có chi phí sản xuất thấp như Ả Rập Xê út.

Cụ thể, vương quốc dầu mỏ chỉ cần 2,8 USD để sản xuất ra một thùng dầu từ các giếng dầu của Saudi Arabian Oil Co (Saudi Aramco), so với mức 16 USD/thùng của Exxon Mobil Corp (Mỹ) và hơn 20 USD/thùng của Rosneft PJSC (Nga).

Tuy nhiên, Aramco không chỉ là một công ty dầu mỏ, mà là một tổ chức không thể tách rời khỏi hoạt động của chính quyền Ả Rập Xê út.

Do đó, phương pháp so sánh thích hợp phải là mức giá mà tại đó chủ thể bắt đầu thu được lợi nhuận (điểm hoà vốn).

Theo đó, Ả Rập Xê út cần giá dầu ở mức 83,6 USD/thùng để ngân sách không cần bù lỗ, mức cao nhất trong 5 năm qua. Con số này với Nga chỉ là 42 USD/thùng, cải thiện mạnh mẽ so với những năm gần đây và Mỹ cũng ở mức tương tự.

Tất nhiên, ở mức giá hiện tại, tất cả các bên đều chịu thiệt hại. Giá dầu thô Brent đã giảm xuống còn 31 USD/thùng trong phiên đầu tuần và còn có thể giảm sâu hơn nữa khi cuộc chiến kéo dài.

Ðây là lý do, cần xét tới khả năng chịu đựng của 3 tay chơi lớn trên thị trường là Ả Rập Xê út, Nga và Mỹ.

Lãi suất trái phiếu Ả Rập Xê út kỳ hạn tháng 4/2030 hiện ở mức 2,38%/năm. Trái phiếu chính phủ Nga kỳ hạn 10 năm có lợi suất ở mức thấp kỷ lục 2,56%/năm trong tuần trước. Trong khi đó, con số này với trái phiếu Mỹ là 2,59%/năm.

Tuy nhiên, với việc các khoản nợ xấu tại thị trường Mỹ có xu hướng gia tăng, nhất là nợ dành cho các nhà sản xuất dầu đá phiến, lãi suất cho vay tại khu vực này có thể lên tới 10,6%/năm.

Như vậy, các nhà sản xuất Mỹ đang ở tình trạng dễ tổn thương nhất khi chi phí sản xuất lớn, trong khi chi phí vay vốn ở mức cao nhất.

Nhà đầu tư, cổ đông của các doanh nghiệp như Exxon Mobil và Chevron Corp sẽ khó cảm thông với công ty trong cuộc chiến với chính quyền Nga và Ả Rập Xê út, chưa kể tới các doanh nghiệp nhỏ hơn trong việc đảm bảo chi phí hoạt động.

Tuy nhiên, ngay cả khi các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ rút lui, Ả Rập Xê út vẫn ở trong cuộc chiến với Nga trong bối cảnh không lấy làm dễ chịu, nhất là khi nhu cầu sử dụng năng lượng ở mức rất ảm đạm bởi dịch bệnh.

Chiến lược đẩy giá xuống năm 1985 của Ả Rập Xê út đã thành công bởi đây là quốc gia có chi phí sản xuất thấp nhất.

Tuy nhiên, hiện tại, với ngân sách không còn màu mỡ như xưa, Ả Rập Xê út được đánh giá là tay chơi có phần “lung lay” nhất trên thị trường.

Lam Phong
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục