Chỉ số VNX200 chưa ra đời, vì sao?

(ĐTCK) Ðược khởi động cách đây hơn 1 năm, nhưng đến nay, VNX200 - một chỉ số được kỳ vọng có tính đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam, làm cơ sở xây dựng sản phẩm phái sinh vẫn chưa thể ra mắt thị trường. 
Ảnh Shutterstock.

Các chỉ số chứng khoán có hai chức năng. Thứ nhất, cung cấp thông tin đo lường, chỉ báo cho công chúng đầu tư và thứ hai, những chỉ số có tính đại diện cao có thể làm chỉ số cơ sở cho phát triển các sản phẩm như quỹ đầu tư FTF, chứng khoán phái sinh…

Ðể phù hợp với thông lệ quốc tế, cuối năm 2018, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã khởi tạo các bước xây dựng chỉ số VNX200.

Tuy nhiên, đến đầu năm 2020, tiến độ xây dựng chỉ số đang diễn ra chậm trễ do những ý kiến chưa thống nhất giữa cơ quan quản lý, xây dựng chỉ số, lẫn các chuyên gia, tổ chức có nhu cầu sử dụng chỉ số cho phát triển các sản phẩm đầu tư.

Phía ý kiến ủng hộ xây dựng chỉ số VNX200 cho rằng, việc ra đời chỉ số này là phù hợp vì đại diện cho toàn bộ thị trường cổ phiếu Việt Nam, phù hợp với thông lệ nhiều thị trường, mở ra cơ hội cho phát triển các sản phẩm đầu tư mới.

Kinh nghiệm quốc tế, trong đó có các thị trường lân cận Việt Nam cho thấy đều xây dựng và đang vận hành hiệu quả các chỉ số có từ 200 cổ phiếu trở lên.

Ví dụ, bộ chỉ số KOSPI 200 của Hàn Quốc với 200 mã cổ phiếu trong rổ chỉ số, Nikkei 225 của Nhật Bản có 225 mã cổ phiếu trong rổ chỉ số, CIS 300 hoặc CSI 500 của Trung Quốc có 300 hoặc 500 mã cổ phiếu trong rổ chỉ số, S&P 500 của Mỹ có tới 500 mã cổ phiếu trong rổ chỉ số…

Mặt khác, việc ra đời chỉ số VNX200 sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển đa dạng các sản phẩm phái sinh chỉ số, cũng như các quỹ ETF trong thời gian tới.

Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, việc xây dựng chỉ số VNX200 ở thời điểm này là chưa phù hợp, bởi quy mô của chỉ số VNX200 với thành phần gồm 200 cổ phiếu là hơi nhiều, chưa phù hợp với quy mô và thanh khoản của thị trường.

Với lượng cổ phiếu lớn, cộng với nguy cơ các cổ phiếu trong rổ chỉ số thanh khoản thấp sẽ tác động không tích cực đến diễn biến của chỉ số VNX200.

Vì thế cũng ảnh hưởng không khả quan đến các sản phẩm được phát triển dựa trên chỉ số cơ sở này. Do đó, việc xây dựng chỉ số VNX200 là chưa mang lại hữu ích.

Tuy còn có ý kiến khác nhau trên nhiều khía cạnh, nhưng điểm chung giữa luồng ý kiến đồng tình và chưa ủng hộ xây dựng VNX200 ở thời điểm này là có thêm chỉ số mới sẽ giúp công chúng đầu tư có thêm công cụ tham khảo, đo lường diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam, nhất là khi chỉ số mới đại diện cho 200 mã cổ phiếu lớn trên cả sàn HOSE và HNX.

Cũng có ý kiến cho rằng, việc xây chỉ số VNX200 có thể không chỉ khó do các góc nhìn khác nhau, mà cái khó nằm ở quan điểm về tiêu chí chọn lọc cổ phiếu vào rổ tính và cách tính cũng còn những sự khác biệt.

Dù vì lý do gì thì thị trường thực tế khao khát chờ đợi những chuyển động mới về chính sách.

Chỉ số VNX200 chỉ là một trong số rất nhiều kế hoạch, ý định phát triển thị trường lên mức chuyên nghiệp hơn, dễ dàng đầu tư hơn, nhưng bị “treo” kéo dài đến hiện nay.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục