Trong nỗ lực xây dựng TTCK Việt Nam, phát triển các chỉ số mới, đồng thời hoàn thiện bộ chỉ số hiện hành là công việc cần làm để hình ảnh và tính chuyên nghiệp của thị trường được nhận diện rõ nét hơn.
Khi đề cập một cách ngắn gọn nhất về TTCK, người ta thường sử dụng chỉ số. Tại TTCK Việt Nam, diễn biến giao dịch của hơn 700 DN niêm yết, hơn 800 DN đại chúng đang được đo lường bằng nhiều loại chỉ số khác nhau.
Sở GDCK TP. HCM có bộ chỉ số HOSE-Index. Sở GDCK Hà Nội có bộ chỉ số HNX-Index. Bên cạnh đó, từ năm 2017, 2 Sở GDCK đã cùng hợp tác, xây bộ chỉ số VNX-Index cho toàn TTCK Việt Nam…
Bên cạnh chỉ số thông dụng nhất là VN-Index, hai chỉ số được nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư chuyên nghiệp chú ý là VN30 và VNX50. Sở dĩ VN30 và VNX50 được chú ý nhiều hơn cả, như chia sẻ của Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng, là vì TTCK Việt Nam hiện có 1.700 loại hàng hóa, nhà đầu tư không thể chú ý hết mà thường chỉ tập trung vào tốp đầu. Ðược biết, các mã cổ phiếu trong VN30 chiếm trên 70% vốn hóa sàn TP. HCM, còn các mã trong VNX50 chiếm trên 75% vốn hóa toàn TTCK Việt Nam.
Với mong muốn thúc đẩy chất lượng minh bạch, hướng tới việc nâng hạng thị trường, Chủ tịch SSI cho rằng, UBCK, Sở GDCK nên chuẩn hóa tiêu chí chọn cổ phiếu vào VN30 và VNX50. Việc này nằm trong thẩm quyền của tổ chức xây dựng chỉ số, ở đây là các Sở, không cần chờ sửa Luật, nhưng ít nhất sẽ mang lại 2 tác động.
Thứ nhất, giúp các mã lớn trên thị trường Việt Nam chuẩn hóa tính minh bạch, từ đó cải thiện đánh giá của nhà đầu tư quốc tế khi xem xét nâng hạng TTCK Việt Nam.
Thứ hai, tạo nên những DN mẫu, điển hình, xứng đáng tốp đầu cho các DN khác cùng tham khảo, hướng đến.
Vậy chuẩn hóa tiêu chí cổ phiếu vào VN30 và VNX50 bằng cách nào? Chủ tịch SSI cho rằng, nên bổ sung yêu cầu DN chọn vào rổ VN30, VNX50 phải thực hiện kiểm toán bởi những công ty kiểm toán uy tín quốc tế (Big4). Việc này sẽ giúp nhà đầu tư nói chung, nhà đầu tư quốc tế nói riêng yên tâm với chất lượng thông tin từ các DN trong rổ tính.
Hiện tại, trong số 30 DN có cổ phiếu trong rổ VN30, có 27 DN được kiểm toán bởi Big4. Trong số 50 DN có cổ phiếu trong rổ tính VNX50, có trên 40 DN đã thuê Big4 kiểm toán. Số DN có cổ phiếu trong VN30, VNX50 không được Big4 kiểm toán không nhiều, nhưng cũng chính vì thiểu số nên không ít người đặt ra câu hỏi vì sao?
Bình luận về vấn đề trên, ông Trần Ðình Cường, Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán Ernst & Young chia sẻ: “Có những trường hợp DN không tin tưởng Big4, nhưng cũng có những trường hợp chúng tôi tránh đi cho nó lành”.
Theo ông Cường, trách nhiệm lập và công bố báo cáo tài chính là của ban lãnh đạo DN. Trách nhiệm của kiểm toán là đưa ra sự đảm bảo một cách hợp lý các báo cáo tài chính đó có sai sót trọng yếu hay không. Nếu DN cố tình gian lận thì kiểm toán rất khó phát hiện. Ðây là lý do kiểm toán cũng sẵn sàng từ chối khi thiếu niềm tin với khách hàng.
Bên cạnh ý tưởng nâng chuẩn kiểm toán khi chọn DN vào rổ tính VN30, VNX50, một ý tưởng khác được Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng đề cập, đó là yêu cầu các DN lớn thực thi báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế (IFRS).
“Bộ Tài chính đã có đề án nghiên cứu tính khả thi của việc áp dụng IFRS với các DN nói chung, nhưng UBCK cũng sẽ nghiên cứu tính khả thi và tác động của việc áp dụng IFRS nếu áp dụng thí điểm ở các DN niêm yết lớn”, ông Dũng nói và cho biết, nếu các DN trong VN30, VNX50 áp dụng IFRS thành công thì sẽ rút ngắn thời gian áp dụng IFRS với các DN đại chúng.
Nâng hạng DN trong VN30, VNX50 bằng việc yêu cầu chuẩn hóa báo cáo tài chính (theo IFRS) và kiểm toán báo cáo tài chính (bằng Big4) là những ý tưởng mới, có thể không dễ thực hiện, nhưng sẽ góp phần cải thiện sự minh bạch và đánh giá về TTCK Việt Nam từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Hiện có 3 DN có cổ phiếu trong rổ tính chỉ số VN30 không do Big4 kiểm toán gồm ROS, CII và Gemadept.