Rủi ro thao túng
Bên cạnh ý kiến cho rằng, thao túng chỉ số VN30 là khó, vì trong rổ chỉ số này bao gồm nhiều cổ phiếu có quy mô và thanh khoản lớn, thì nhiều nhà đầu tư lại cho rằng, có dấu hiệu chỉ số này bị… “bóp méo”.
Tiếng là VN30 có 30 cổ phiếu, nhưng theo nhìn nhận của một công ty quản lý quỹ, khoảng một nửa cổ phiếu trong số này là thanh khoản duy trì được khá tốt, trong khi lượng cổ phiếu còn lại thanh khoản không tốt. Thêm vào đó, một số mã chứng khoán trong rổ chỉ số VN30 có tỷ lệ cổ phiếu lưu hành tự do thấp, thanh khoản cũng thấp, trong khi mức giá cao và chiếm tỷ trọng lớn trong rổ chỉ số.
Trên thực tế, có mã cổ phiếu bị đẩy giá lên hay kéo giá xuống bất thường, nên dễ “làm méo” VN30. Bất cập này kéo dài đang gây nên quan ngại “tay to” đủ sức tác động lên VN30 để trục lợi trên TTCK phái sinh.
Cũng theo góc nhìn từ chuyên gia, có cổ phiếu trong VN30, nếu xét “thẳng căng” thì không xứng trong TOP 30 cổ phiếu đại diện cho TTCK Việt Nam. Thế nhưng, cơ chế rà soát và loại ra, đưa vào có vẻ chưa phù hợp, dẫn đến có những mã bị điều tiếng là “lái giá”, tác động tiêu cực đến chỉ số VN30, nhưng vẫn không bị xem xét loại khỏi chỉ số này. Nói cách khác, thị trường đồn đoán về việc có dấu hiệu thao túng cổ phiếu trong VN30.
Thế nhưng đến nay, nhà quản lý, tổ chức và vận hành thị trường vẫn chậm có giải pháp căn cơ để xử lý... Tình trạng này tác động tiêu cực đến niềm tin của nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài về tính minh bạch, công bằng của TTCK Việt Nam.
Một điểm tréo nghoe khác là chỉ số VN30 do Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) xây dựng và vận hành, trong khi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) lại là đơn vị sử dụng chỉ số này để xây dựng sản phẩm phái sinh chỉ số.
Bởi vậy, nếu thiếu sự phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin thường xuyên trong giám sát, cũng như các động thái tác động lên chỉ số, thì sẽ khó đánh giá được VN30 bị... “làm méo” ra sao. Thực hư câu chuyện làm giá, trục lợi trên thị trường phái sinh vẫn là một dấu hỏi.
Sẽ xây chỉ số VNX200?
Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, cũng như để giảm thiểu rủi ro tác động lên chỉ số cơ sở, HNX đang nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số VNX200 làm chỉ số cơ sở cho hợp đồng tương lai chỉ số.
Theo kinh nghiệm quốc tế, trong đó có các thị trường lớn ở châu Á, nhiều chỉ số đều được xây dựng từ ít nhất 200 cổ phiếu trở lên. Chẳng hạn, bộ chỉ số KOSPI 200 của Hàn Quốc với 200 mã cổ phiếu trong rổ chỉ số; Nikkei 225 của Nhật Bản với 225 mã cổ phiếu trong rổ chỉ số; CIS 300 hoặc CSI 500 của Trung Quốc có 300 hoặc 500 mã cổ phiếu trong rổ chỉ số; S&P 500 của Mỹ có tới 500 mã cổ phiếu trong rổ chỉ số...
Trong khi có ý kiến cho rằng, TTCK phái sinh cần thêm bộ chỉ số để vừa đủ mang tính đại diện cho toàn thị trường, vừa khắc phục những rủi ro có thể bị thao túng. Ý kiến khác cho rằng, rổ chỉ số mới cần tới 200 cổ phiếu như nhiều thị trường trên thế giới hay không, khi mà xét về quy mô thị trường và chất lượng doanh nghiệp, Việt Nam có nhiều điểm khác.
Thanh khoản của các cổ phiếu trên TTCK Việt Nam kém xa so với các thị trường quốc tế. Không cẩn thận, VNX200 xây ra sẽ loãng, không nằm trong tầm quan tâm của nhà đầu tư. Chỉ số này phù hợp hơn cho mục tiêu cung cấp thông tin ra thị trường...
Nhu cầu có thêm sản phẩm phái sinh để sàn bớt “một mình một chợ” là rõ ràng, nhưng thêm sản phẩm gì, bao giờ nên thêm lại là những câu hỏi không dễ trả lời. Trong khi nhà quản lý phải nghĩ việc này thì các thành viên thị trường cho rằng, họ có quyền đòi hỏi phải sớm có sản phẩm mới, sản phẩm tốt để lành mạnh hóa giao dịch.
Sàn phái sinh cung cấp công cụ đầu tư và nhà đầu tư trả phí khi tìm kiếm cơ hội trên đó. Khi “khách hàng” quan trọng nhất đưa ra yêu cầu thì người tạo chợ cần sớm đáp ứng để thể hiện đúng vai trò của người tổ chức chợ và giữ chân dòng tiền ở lại.