Ngành chế biến tăng thấp
Theo báo cáo mới Bộ Công thương cho biết, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 3/2019 ước tính tăng 27,6% so với tháng trước chủ yếu do có số ngày làm việc nhiều hơn.
So với cùng kỳ năm trước, IIP tháng 3 tăng 9,1%, trong đó ngành khai khoáng tăng 0,4%; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,8%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 11%.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ chốt, thúc đẩy tăng trưởng chung của toàn ngành.
Tính chung quý I/2019, IIP ước tính tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 12,7% của cùng kỳ năm 2018, nhưng vẫn cao hơn mức tăng 7,4% và 4,8% của cùng kỳ năm 2016 và năm 2017.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ chốt, thúc đẩy tăng trưởng chung của toàn ngành với mức tăng 11,1%, đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung, tuy nhiên tốc độ tăng này thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 15,7% của cùng kỳ năm 2018; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,4%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,5%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 2,1% (chủ yếu do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 6,2%), làm giảm 0,3 điểm phần trăm mức tăng chung.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2019 tăng 25,6% so với tháng trước và tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung quý I/2019, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8%, thấp hơn mức tăng 14,2% cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 115%; sản xuất kim loại tăng 23,9%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 15,6%; sản xuất đồ uống tăng 12,5%; sản xuất xe có động cơ tăng 10%.
Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng thấp hoặc giảm: Dệt tăng 2,8%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 0,8%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 4,7%.
Trong khi đó, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2019 tăng 15,6% so với cùng thời điểm năm trước, cao hơn so với mức tăng 13,5% cùng thời điểm năm 2018.
Trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm như sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 5,1%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 4,7%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 21,9%.
Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng thời điểm năm trước gồm sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 105,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 59,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 42,6%; sản xuất kim loại tăng 42,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 39,1%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 38,7%; sản xuất trang phục tăng 35,9%.
Trong bức tranh tăng trưởng toàn ngành công nghiệp quý I/2019, ngành khai khoáng giảm 2,1%, thấp hơn so với mức giảm theo kịch bản là 4% chủ yếu do khai thác dầu thô, khí đốt tự nhiên giảm 6,3% do sản lượng các mỏ giảm tự nhiên theo kế hoạch đã được phê duyệt. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng trong quý I của ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt thấp hơn mục tiêu đề ra của Bộ Công thương, tăng 11,1% so với mục tiêu là 12% và thấp hơn so với mức tăng 15,7% cùng kỳ năm 2018.
Lý giải nguyên nhân, Bộ Công thương cho rằng, nhóm công nghiệp chế biến chế tạo đạt thấp chủ yếu do một số dự án lớn có đóng góp cho tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp tăng chậm hơn dự kiến.
Trong đó, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn gặp sự cố về điện nên đã phải tạm dừng sản xuất trong tháng 2; Samsung đang ở chu kỳ chuyển đổi sản phẩm, nên sản lượng và xuất khẩu chỉ tăng nhẹ, khoảng 1,02%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.
“Tuy nhiên, với kỳ vọng vừa ra mắt dòng điện thoại S10, số lượng điện thoại sản xuất và xuất khẩu của Samsung sẽ tăng mạnh trong các tháng tới và Nhà máy Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn hoạt động trở lại dự kiến khoảng đầu tháng 4 khởi động lại 100%, thì ngành công nghiệp sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới”, Bộ Công thương nhận định.
Kỳ vọng vào nửa cuối năm
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tổng hợp đo lường kết quả hoạt động của ngành sản xuất sau khi giảm từ mức 51,9 điểm trong tháng 1 xuống còn 51,2 điểm trong tháng 2/2019, đã tăng trở lại lên mức 51,9 điểm trong tháng 3.
Dù chỉ số PMI thấp hơn mức trung bình của năm 2018, nhưng chỉ số PMI trên 50 cho thấy sự mở rộng trong sản xuất và đây đã là tháng 40 liên tiếp, chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam trên ngưỡng 50.
Dự kiến, từ nay tới cuối năm 2019, một số dự án lớn hoàn thành trong năm 2018 và năm 2019 sẽ đóng góp vào tăng trưởng của ngành công nghiệp và tăng trưởng chung của nền kinh tế trong năm 2019.
Cụ thể, Nhà máy Thép Formosa Hà Tĩnh sẽ phát huy hết công suất với công suất 7,5 triệu tấn/năm (năm 2018 mới huy động khoảng 4,5 triệu tấn); thép Hòa Phát Dung Quất dự kiến đi vào sản xuất trong năm 2019, trong đó dự kiến đi vào sản xuất lò cao số 1 từ tháng 6/2019, lò cao số 2 từ tháng 9/2019 và lò cao số 3 từ tháng 12/2019. Nếu huy động hết công suất sẽ sản xuất khoảng 2 triệu tấn thép.
Dự án ô tô Vinfast đi vào sản xuất từ tháng 4/2019 có thể sản xuất vài chục nghìn xe ô tô tùy theo thị trường; dự án nhiệt điện Thái Bình với công suất 600 MW đi vào hoạt động từ giữa tháng 1/2019; Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn công suất 10 triệu tấn/năm đã vận hành thương mại từ cuối tháng 12/2018 và mới sản xuất khoảng 4,5 triệu tấn sản phẩm. Năm 2019 có thể phát huy hết công suất.