Kinh tế tháng 1 tiếp tục khởi sắc

Có nền tảng là đà tăng trưởng tích cực của năm 2018, tháng đầu tiên của năm mới 2019, các chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy, nền kinh tế tiếp tục khởi sắc.
Mức tăng 9,4% (đã loại trừ yếu tố giá) của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 1 phần nào cho thấy sự khởi sắc của nền kinh tế. Ảnh: Đ.T. Mức tăng 9,4% (đã loại trừ yếu tố giá) của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 1 phần nào cho thấy sự khởi sắc của nền kinh tế. Ảnh: Đ.T.

Khởi sắc ở hầu hết các ngành

Ngoại trừ dấu trừ (-) của tổng kim ngạch xuất khẩu, nhìn vào biểu đồ về một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô chủ yếu của tháng 1/2019, có thể thấy rất rõ xu hướng khởi sắc của nền kinh tế trong tháng đầu tiên của năm mới 2019.

Đầu tiên không thể không kể tới mức tăng 7,9% của Chỉ số Sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP). Con số này thấp hơn mức tăng 22,1% của cùng kỳ năm trước, nhưng sự so sánh này là khập khiễng. Lý do là năm 2017, tháng 1 là tháng trùng với các kỳ nghỉ Tết kéo dài, sản xuất công nghiệp chậm lại, thế nên so với cùng kỳ, tháng 1/2018, chỉ số IIP đã có tốc độ tăng trưởng vượt bậc.

Thêm nữa, theo Tổng cục Thống kê, do Tết Nguyên đán năm nay vào đầu tháng 2, nên các doanh nghiệp tập trung sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết từ tháng 12/2018. Vì vậy, trong tháng 1/2019, sản xuất công nghiệp khó có thể tăng tốc mạnh. 7,9% là mức tăng IIP ở mức khá cao, cho thấy sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt và đây chính là chỉ dấu cho thấy đà tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2018 đang được tiếp tục trong năm 2019.

Một con số khác, khá tích cực, cho thấy sự khởi sắc của nền kinh tế. Đó là theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tháng 1/2019, cả nước thu hút được 805 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, tăng 36,1% về số dự án và tăng 81,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, còn có 72 lượt dự án tăng vốn, với vốn tăng thêm là 340,3 triệu USD, đưa tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 1,145 tỷ USD, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Ngoài ra, tháng 1/2019, còn có 489 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 761,9 triệu USD, tăng 114% so với cùng kỳ năm 2018.

Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng không chỉ cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng của thị trường đầu tư Việt Nam, mà còn góp phần quan trọng tăng năng lực cho nền kinh tế, qua đó thúc đẩy tăng trưởng.

Nếu cần thêm các con số, có thể lấy mức tăng 9,4% (đã loại trừ yếu tố giá) của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng để khẳng định sự khởi sắc của nền kinh tế. Hẳn nhiên, trùng với dịp nghỉ Tết, sức mua của người dân và nền kinh tế bao giờ cũng tăng cao hơn.

Nhưng nếu so với mức tăng chỉ 7,7% của cùng kỳ năm ngoái, mới thấy, không chỉ nhờ kinh tế 2018 đã thực sự tăng trưởng tích cực, khiến thu nhập của người dân tốt hơn để tăng tiêu dùng trong kỳ lễ Tết, mà quan trọng không kém, đó là tiêu dùng tăng nhanh sẽ tạo động lực để thúc đẩy sản xuất. Điều này tạo kỳ vọng trong các tháng tới đây, chỉ số IIP sẽ tiếp tục tăng cao.

Thậm chí, nếu nhìn vào một chỉ tiêu duy nhất tăng âm trong tháng 1/2019, là kim ngạch xuất khẩu, thì vẫn có thể thấy những điểm sáng trong đó. Tháng đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 20,0 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ, nhưng vẫn tăng 1,9% so với tháng trước. Hơn nữa, con số xuất khẩu 20 tỷ USD/tháng là rất đáng ghi nhận. Con số này đã thêm một lần nữa góp phần khẳng định rằng, kinh tế 2019 đang tiếp tục khởi sắc.

Cẩn trọng với những thách thức

Dù rất khó để nhận định tình hình kinh tế 2019 chỉ qua các chỉ số kinh tế vĩ mô của tháng đầu tiên của năm mới, bởi các dấu hiệu là chưa rõ ràng, và nếu so với cùng kỳ thì có thể là chưa chính xác, do các kỳ nghỉ Tết của mỗi năm là khác nhau, song dấu hiệu khởi sắc là điều nhìn thấy khá rõ. Tuy vậy, cũng không thể bỏ qua những “dấu hiệu thách thức” trong các chỉ số kinh tế vĩ mô của tháng 1/2019.

Đầu tiên, vẫn phải nhắc tới sự sụt giảm của kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước. Theo Tổng cục Thống kê, sự sụt giảm này chủ yếu là do trong tháng 1/2019, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện chỉ đạt 2,9 tỷ USD, giảm 27,5% so với cùng kỳ.

Không chỉ vậy, xuất khẩu đồ điện tử, máy tính và linh kiện, cà phê, hạt điều, gạo… cũng giảm. Xuất khẩu giảm trong khi nhập khẩu vẫn duy trì khiến tháng đầu năm, cả nước ước nhập siêu 800 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 2,6 tỷ USD; khu vực FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 1,8 tỷ USD.

Ở đây, có hai vấn đề cần quan tâm, đó là sự sụt giảm xuất khẩu và nguyên nhân lại phụ thuộc gần như chỉ vào 1 sản phẩm. Thứ hai, đó là nhập siêu quay trở lại. Điều này trên thực tế cũng đã được nhắc tới lâu nay và cũng trùng với các dự báo được Bộ Công thương đưa ra cách đây ít ngày.

Theo Bộ Công thương, năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, xuất siêu có thể không được duy trì, mà sẽ nhập siêu trở lại. Lý do là, nhu cầu nhập khẩu dự kiến tăng cao do xuất khẩu được dự báo tiếp tục duy trì tăng trưởng ở các ngành hàng mà nước ta còn phụ thuộc vào nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, linh kiện phụ tùng của nước ngoài.

Đầu tư nước ngoài tăng mạnh cũng “thúc” nhập khẩu máy móc, thiết bị tăng cao hơn. Trong bối cảnh đó, xu hướng bảo hộ mậu dịch có thể ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Thêm vào đó, số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong tháng 1/2019, tình hình đăng ký thành lập mới doanh nghiệp giảm so với cùng kỳ, chỉ đạt 10.079 doanh nghiệp. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 10.804 doanh nghiệp, tăng 25,3% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể là 1.802 doanh nghiệp, tăng 16% so cùng kỳ.

Chưa có gì là rõ ràng, song đây là những chỉ báo cho thấy, kinh tế 2019 còn chứa đựng nhiều rủi ro, thách thức.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục