Với số điểm 59, BCI quý I/2014 đã vượt qua giai đoạn đi ngang 3 quý liên tục ở mức điểm trung bình (50 điểm). Đây cũng là mức điểm cao nhất kể từ quý IV/2011 đến nay.
Mặc dù có ý kiến cho rằng, mức gia tăng đáng kể này nhiều khả năng liên quan đến việc gia tăng sự lạc quan trong tổng quan kinh doanh và doanh số vào mùa Tết, tương tự các năm trước, song kết quả khảo sát cho thấy, những lo ngại về lạm phát đã giảm, độ tin cậy về triển vọng kinh tế vĩ mô, nhất là những chuyển biến tích cực trong các vấn đề liên quan đến pháp luật, thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng và hy vọng việc hoàn thành một hiệp định tự do thương mại (FTA) khả thi và hiệu quả giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đã khá vững vàng.
Thậm chí, các doanh nghiệp tham gia khảo sát tiếp tục khẳng định, quy mô thị trường, cơ hội kinh doanh hiệu quả, chi phí lao động và dân số tương đối trẻ tiếp tục là điểm hấp dẫn của thị trường Việt Nam.
Như vậy, nếu tính tới tỷ lệ 70% doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam sẽ mở rộng kinh doanh với lý do chủ yếu là khả năng tăng trưởng cao, tăng doanh thu, xu thế phục hồi niềm tin kinh doanh trong các nhà đầu tư nước ngoài với thị trường Việt Nam không giới hạn trong một khu vực hay quốc tịch nào.
Không chỉ dựa trên những đánh giá mang tính cảm quan, số liệu cụ thể về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân trong 2 tháng đầu năm 2014 đã khẳng định khá rõ điều này.
Theo công bố của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vào ngày hôm qua, 2 tháng đầu năm 2014, tổng vốn FDI giải ngân là 1,120 tỷ USD, bằng 106% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngay cả trong tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm của 2 tháng đầu năm là 1,539 tỷ USD, số vốn tăng thêm là 708 triệu USD của 41 dự án cũng là điểm đáng kể. Bởi, quy mô tăng vốn của một dự án hiện hữu là khá lớn (trung bình khoảng 17 triệu USD/dự án) so với quy mô vốn của dự án đăng ký mới trong 2 tháng qua, trung bình chỉ khoảng 6,8 triệu USD/dự án.
Tuy nhiên, cũng không thể bỏ qua một số lượng đáng kể (khoảng 32%) các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam phản hồi cho biết, họ bị suy giảm lợi nhuận trong 12 tháng vừa qua. Vẫn có tới 30% doanh nghiệp lo ngại về triển vọng kinh doanh không tích cực, cao hơn năm ngoái (28%). Với các doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam có tên trong cả 5 hạng mục rủi ro nhất khi đầu tư mà họ lo ngại, bao gồm thực thi pháp luật, thủ tục hành chính, thuế quan, chi phí nhân công…
Một lần nữa, khoảng cách giữa nói và làm, giữa chính sách và hành động thực thi chính sách ở các cấp… được nhắc lại như rào cản lớn trong quá trình phục hồi niềm tin kinh doanh. Rõ ràng, cho dù sự hào hứng, lạc quan trong kinh doanh đang được sự hậu thuẫn bởi quyết tâm chính trị từ các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, thể hiện ở những văn bản chỉ đạo điều hành, ở những chương trình hành động chỉ rõ những việc cần làm và bước đi trong cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách doanh nghiệp nhà nước, giải quyết kết cấu hạ tầng, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng..., nếu không có những kết quả cụ thể trong thực hiện, câu hỏi về khả năng duy trì niềm tin đang trong thế phục hồi sẽ lại quay trở lại…
Điều này đã từng xảy ra với BCI vào quý I/2012, sau khi tăng 4 điểm so với quý IV/2011 đã giảm một mạch xuống dưới mức điểm trung bình vào quý IV/2012…