Báo cáo “Môi trường Kinh doanh 2014: Hiểu rõ các quy định đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ” của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, kể từ năm 2005 đến nay, 24 trên 25 nền kinh tế khu vực Đông Á – Thái Bình Dương đã có những cải cách môi trường pháp lý để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Theo báo cáo, dù đã thực hiện được nhiều cải cách nhất trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương với 21 cải cách kể từ năm 2005, nhưng xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn không có nhiều cải thiện. Năm nay, Việt Nam xếp thứ 99 trên tổng số 189 nền kinh tế, cho thấy Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện thứ bậc.
“Việt Nam đã có những cải cách quan trọng trong 9 năm qua để cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng vẫn cần làm nhiều hơn nữa để duy trì năng lực cạnh tranh, đặc biệt là cần áp dụng những thông lệ quốc tế tốt nhất trong các quy định về hoạt động của doanh nghiệp”, bà Wendy Werner, Giám đốc Chương trình Tư vấn môi trường đầu tư khu vực Đông Á – Thái Bình Dương của Công ty Tài chính quốc tế (IFC), thành viên Nhóm WB, nhận định.
Báo cáo mới nhất của Nhóm WB cho biết, từ tháng 7/2012 đến tháng 6/2013, Việt Nam đã có các biện pháp tăng cường bảo vệ nhà đầu tư và nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp trong nước.
Cụ thể, Việt Nam đã tăng cường bảo vệ nhà đầu tư nhờ thắt chặt quy định về công khai thông tin đối với các công ty niêm yết trong trường hợp giao dịch với bên liên quan. Ngoài ra, Việt Nam cũng cấp phép thành lập trung tâm thông tin tín dụng tư nhân đầu tiên sau khi ban hành một nghị định năm 2010 tạo khung pháp lý để thành lập những trung tâm thông tin tín dụng loại này. Tuy nhiên, chi phí đóng thuế đối với doanh nghiệp của Việt Nam lại tăng do quy định tăng mức đóng bảo hiểm xã hội đối với người sử dụng lao động.
Theo Báo cáo, lĩnh vực bảo vệ nhà đầu tư xếp hạng 157, trong đó, chỉ số về mức độ công khai thông tin ở mức 7 (0-10). Lĩnh vực về vay vốn tín dụng xếp hạng 42, trong đó, chỉ số về mức độ quyền lợi theo luật định ở mức 8 (0-10).