Chi phí gia tăng, nặng lòng doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tuần qua, chuyện được nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trao đổi với ĐTCK có một điểm chung, đó là ảnh hưởng từ bão giá nguyên liệu rất lớn.
Ảnh: Shutterstock. Ảnh: Shutterstock.

Chẳng hạn, các doanh nghiệp đầu tư điện gió đang chạy nước rút cho thời điểm 31/10/2021 khi giá FIT ưu đãi kết thúc nên dù sắt thép, dầu tăng cỡ nào cũng phải cắn răng mua đủ, nguyên liệu chủ yếu của mỗi cột gió là thép, trong khi giá thép từ đầu năm đến nay tăng hơn 50%, hàng đặc biệt thậm chí tăng gấp đôi.

Covid-19 hoành hành ở Ấn Độ - nguồn cung cấp tá dược lớn - cũng khiến các doanh nghiệp ngành dược như ngồi trên lửa.

Sự đứt gẫy về chuỗi cung ứng đầu vào khiến nhiều doanh nghiệp dược niêm yết có chi phí sản xuất tăng thêm 10%.

Trong khi đó, cầu giảm do người dân hạn chế chi tiêu và cạnh tranh sống còn để duy trì thị phần, duy trì dòng tiền nên doanh nghiệp không thể tùy tiện tăng giá và kết quả là họ phải chấp nhận lãi mỏng. Dữ liệu kết quả kinh doanh quý I/2021 của 16 doanh nghiệp dược niêm yết cho thấy, tổng doanh thu của các doanh nghiệp giảm 4,1% và chỉ tăng 0,3% lợi nhuận so với cùng kỳ.

Các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng rơi vào cảnh tương tự. Tổng giám đốc một công ty chia sẻ, nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc ồ ạt mua nguyên liệu thức ăn chăn nuôi làm cho giá tăng vọt. Ngô, đậu tương không những tăng giá mà còn khan hiếm khi doanh nghiệp muốn ký hợp đồng lớn.

Bão giá nguyên liệu đã phản ánh khá rõ nét trong chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu sản xuất tháng 4/2021 theo con số được Tổng cục Thống kê công bố. Xu hướng tăng đang tiếp tục và đạt mức 4,47% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê khuyến nghị doanh nghiệp tăng cường dự trữ nguyên liệu, tránh trình trạng thiếu hụt khi giá tăng cao... Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu giảm thuế nhập khẩu cũng như giảm chi phí vận chuyển, lưu kho bãi để giảm giá thành, đảm bảo nguồn cung, ổn định sản xuất trong nước.

Dù vậy, phương án trên cũng không dễ thực hiện. Doanh nghiệp Việt Nam vốn mỏng nên không có sẵn nguồn lực để tích trữ một lượng lớn nguyên vật liệu. Hơn nữa, như con chim sợ cành cong, nhiều doanh nghiệp từng chịu đòn đau khi mua nguyên liệu ở giá cao đến khi cầu thế giới thấp, giá tuột dốc khiến họ chịu lỗ nặng nề.

Chưa kể, hiện nay chi phí lãi vay với các doanh nghiệp không hề thấp, trung bình 9-10%/năm, nên doanh nghiệp vẫn ở cảnh ăn đong.

Mà cho dù lãi suất có xuống thấp đến đâu, cũng chỉ giúp các doanh nghiệp ở khoản vay vốn và trả nợ, chứ không thể bù đắp cho nhu cầu thay đổi có hệ thống do ảnh hưởng từ đại dịch.

Doanh nghiệp không thể thu về lợi nhuận nếu không có khách hàng. Cũng bởi cầu thấp, sức mua và thu nhập của người dân trong nước giảm mạnh nên lo ngại về lạm phát trong nước năm nay vượt mục tiêu 4% không quá lớn, không có dấu hiệu cho thấy lạm phát sẽ trở nên dai dẳng.

Nhưng đây lại là điều các nhà đầu tư phải lưu ý bởi sự bất định của thị trường sẽ khiến cho các giả định và kịch bản lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp thay đổi. Các phương án đầu tư, sản xuất - kinh doanh cũng dễ dàng bị điều chỉnh theo. Đó chính là ẩn số với giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trên thị trường.

Đã vài tuần nay, nhiều nhà đầu tư không còn giữ thói quen nhìn vào chỉ số VN-Index. Thực tế cho thấy, ngoại trừ ngân hàng và thép, cũng như một số mã chứng khoán có câu chuyện riêng, phần lớn các mã còn lại mang sắc đỏ. VN-Index dao động quanh 1.250 điểm, nhưng thị giá nhiều cổ phiếu đã rớt xuống thấp hơn thời chỉ số ở mức 900 điểm.

Thích ứng với diễn biến mới và bắt đúng sóng giai đoạn này sẽ là rất khó với nhà đầu tư. Đó cũng là sự trăn trở của các bài viết trong số báo có chủ đề “Đo lường áp lực lạm phát” với mong muốn cùng độc giả tìm kiếm những địa chỉ an tâm gửi gắm đồng vốn giai đoạn này.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục