Lợi nhuận tăng nhờ chênh lệch giá vốn
Thép Nam Kim đạt tổng sản lượng trong tháng 3/2021 là 101.766 tấn, trong đó thép mạ kẽm chiếm tỷ trọng lớn nhất với 44.320 tấn, tôn lạnh 23.635 tấn, tôn mạ màu 11.031 tấn và ống thép đạt 22.780 tấn. Tổng lượng tiêu thụ trong tháng này đạt 103.481 tấn, riêng xuất khẩu là 62.422 tấn, chiếm hơn 60%.
Lũy kế 3 tháng đầu năm, Thép Nam Kim sản xuất 244.301 tấn, tiêu thụ 240.072 tấn, trong đó lượng xuất khẩu cao kỷ lục với 151.992 tấn, các thị trường chủ lực gồm các nước châu Âu và Mỹ. Doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 4.852,5 tỷ đồng, tăng gần 98% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp ghi nhận con số 318,8 tỷ đồng, tăng 668,2% so với cùng kỳ.
Các con số tài chính cho thấy, thành quả quý đầu năm của Thép Nam Kim chủ yếu có được từ sự chênh lệch giá vốn và giá bán trong quý I/2021. Cụ thể, giá vốn hàng bán của Công ty trong giai đoạn này đạt 4.242 tỷ đồng, tăng 89,4%, thấp hơn mức tăng trưởng của doanh thu thuần cùng giai đoạn.
Tốc độ tăng trưởng doanh thu cao hơn so với tốc độ tăng trưởng của giá vốn hàng bán giúp Thép Nam Kim được hưởng lợi khá rõ với con số lợi nhuận gộp tăng tới 187,7%, đạt 610 tỷ đồng trong quý I/2021. Con số tuyệt đối về chênh lệch lợi nhuận gộp của quý I/2021 so với cùng kỳ năm 2020 theo đó đạt gần 400 tỷ đồng.
Thép Nam Kim dù đã phải chi rất mạnh cho hoạt động bán hàng trong quý I/2021, với con số 173,2 tỷ đồng, tăng 179,3% so với quý I năm ngoái, nhưng cũng không thấm vào đâu so với con số lợi nhuận gộp thặng dư mà doanh nghiệp gặt hái được so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận mức tăng trưởng 656,8%, đạt giá trị tuyệt đối 355,6 tỷ đồng.
Nhìn ra bức tranh chung của thị trường thép, có thể thấy, lợi nhuận của Thép Nam Kim tăng trong quý đầu năm 2021 phụ thuộc vào việc hưởng lợi khách quan từ thị trường. Từ đầu năm 2021 đến nay, thị trường thép là chủ đề được bàn luận khá nhiều trong giới kinh doanh do những thông tin về giá thép tăng nóng được cập nhật liên tục.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), do diễn biến của giá nguyên liệu trên thế giới tăng, giá bán thép trong nước cũng tăng, đặc biệt là cuối tháng 12/2020 và đầu tháng 1/2021, giảm trong tháng 2, tăng trở lại vào tháng 3/2021 và tiếp tục có xu hướng tăng cho đến thời điểm hiện tại. Trong khi đó, giá phôi thép trong nước ghi nhận đầu tháng 5/2021 là 14.000 - 14.200 đồng/kg, tăng khoảng 30% so với đầu tháng 12/2020 và giá phôi giao dịch Đông Nam Á là 675 USD/tấn, tăng khoảng 32% so với đầu tháng 12/2020.
Giá thép tăng, các doanh nghiệp ngành thép hưởng lợi, đặc biệt là các doanh nghiệp chủ động được nguồn cung phôi thép và các doanh nghiệp có lượng hàng tồn kho dồi dào từ lúc giá còn thấp trước đó.
Yếu tố khách quan tuy đang rất thuận lợi, nhưng nhìn lại lịch sử kinh doanh các năm trước của Thép Nam Kim, thì thời kỳ đầu năm 2020 chỉ là một giai đoạn phục hồi sau thời kỳ sa sút trước đó một năm. Theo đó, kết quả kinh doanh của giai đoạn cách đây một năm cũng chưa thể đại diện cho một chu kỳ tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp.
Trước đó, trong giai đoạn quý I của 2 năm 2017 và 2018, lợi nhuận sau thuế của Thép Nam Kim ghi nhận lần lượt là 155,9 tỷ và 121,1 tỷ đồng. Theo đó, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của Công ty trong vòng 5 năm qua thực chất chỉ ở mức gấp khoảng 2 lần, tuy cũng là một tốc độ tăng khá, nhưng không phải là một điều gì đó có tính chất bùng nổ.
Đó là nhìn nhận trên con số đơn lẻ của tăng trưởng lợi nhuận, còn nếu đặt con số này với sự biến động của vốn chủ sở hữu trong cùng giai đoạn, với tốc độ tăng trưởng của vốn chủ sở hữu hơn 2 lần, thì thực tế, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của Thép Nam Kim vẫn chỉ “dậm chân tại chỗ” trong vòng 5 năm qua. Cụ thể, tỷ lệ này thời điểm quý I/2017 là khoảng 9% và tại thời điểm quý I/2021 là khoảng 9,1%.
Rủi ro từ hàng tồn kho
Năm 2021, Thép Nam Kim đặt mục tiêu doanh thu thuần 16.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 600 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 38% và 103% so với kết quả năm 2020. Liệu đây có phải một kế hoạch quá nhiều tham vọng?
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 mới đây, ông Võ Hoàng Vũ, Tổng giám đốc Thép Nam Kim cho biết, kế hoạch này được xây dựng đầu năm giữa bối cảnh giá thép thấp hơn hiện nay rất nhiều. Vì vậy, tổng doanh thu cả năm của Công ty có thể cao hơn 20% so với kế hoạch, có thể đạt 19.000 tỷ đồng. Điều này còn phụ thuộc vào giá thép trong thời gian tới.
Tính toán của Thép Nam Kim là vậy, nhưng diễn biến kinh doanh của công ty này nói riêng và một số doanh nghiệp thép khác đang rơi vào trạng thái “mua đuổi” theo giá thị trường. Điều này thể hiện ở quy mô hàng tồn kho có xu hướng tăng mạnh và nếu thị trường có sự đảo chiều ngoài dự đoán, thì các doanh nghiệp rất dễ bị rơi vào bẫy “việt vị”.
Theo báo cáo tài chính quý I/2021, Thép Nam Kim có giá trị hàng tồn kho tại thời điểm cuối quý I là 3.500,3 tỷ đồng, tăng 47,6% so với đầu quý.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư mới đây, ông Nguyễn Đức Hoàng, chuyên gia phân tích thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, xét về bản chất của doanh nghiệp, bên cạnh sản lượng tiêu thụ được cải thiện, giá nguyên đầu vào là thép cuộn cán nóng (HRC) đã tăng lên 950 USD/tấn (tăng 34,7% so với đầu năm). Chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh khiến giá trị hàng tồn kho của Thép Nam Kim tăng lên. Ngoài ra, sản lượng tiêu thụ tôn mạ cũng tăng lên 190.789 tấn trong quý I (tăng 28,7% so với cùng kỳ), buộc Công ty phải dự trữ một lượng hàng tăng tương xứng để hỗ trợ lượng tôn mạ tiêu thụ.
Trong khi đó, một chuyên gia tài chính khác là bà Nguyễn Thị Kiều Hạnh, huyên viên phân tích thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán BSC cho biết, giá trị tuyệt đối của hàng tồn kho của Thép Nam Kim tuy tăng trong quý I, nhưng xem xét trên vòng quay, thì số ngày tồn kho bình quân giảm nhẹ. Theo đó, việc duy trì hàng tồn kho hiện tại cũng là hợp lý trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào đang diễn biến nhanh, nhưng với quy mô hàng tồn kho như hiện nay, thì doanh nghiệp vẫn có thể điều chỉnh kịp thời khi giá nguyên liệu đảo chiều.
Doanh nghiệp nào đang “găm” nhiều hàng?
Khi đánh giá thái độ của các doanh nghiệp thép đối với thị trường hiện nay, việc xem xét quy mô hàng tồn kho so với doanh thu có thể giúp nhìn thấy được độ “chịu chơi” của doanh nghiệp trước diễn biến giàu cảm xúc của thị trường thép hiện nay.
Về phía Thép Nam Kim, ông Võ Hoàng Vũ đánh giá, tình hình kinh doanh ngành thép hiện rất thuận lợi, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro. Với thị trường xuất khẩu hiện tại, Công ty có thể chuyển hết đà tăng của chi phí nguyên liệu vào giá bán, bởi doanh nghiệp xác định kỳ hạn bán và kỳ hạn mua khớp với nhau. Theo đó, Thép Nam Kim có thể chuyển tải ngay tức thời vì nhu cầu thép tôn tại châu Âu, Bắc Mỹ đang rất tốt, thậm chí là thiếu nguồn cung. Giá bán tại châu Âu, Bắc Mỹ cũng đang lệch nhiều (cao hơn) so với châu Á.
Với thị trường nội địa, hiện giá bán của Thép Nam Kim có độ trễ nhất định, nhưng không quá lớn. “Trên cơ sở đó, chúng tôi luôn xây dựng kịch bản giá ở các thời điểm, qua đó nắm được giá đã chốt và lượng hàng nắm trong tay để tính toán rủi ro”, ông Vũ nói.
So sánh về quy mô hàng tồn kho với doanh thu trong quý I/2021, có thể thấy Thép Nam Kim có tỷ trọng hàng tồn kho dự trữ ít hơn so với đại gia ngành thép nhiều tiếng tăm là Hòa Phát. Thép Nam Kim cũng tỏ ra thận trọng hơn khá nhiều với cuộc chơi giá thép thời điểm hiện tại so với một số doanh nghiệp nhỏ hơn khác cùng ngành.
Cụ thể, tỷ trọng hàng tồn kho của Nam Kim chỉ ở mức 72,1%, khá khiêm tốn so với tỷ lệ lên tới 90,3% của Thép Việt Ý và 211,7% của Thép Tiến Lên. Tuy nhiên, Tập đoàn Hoa Sen hiện mới là doanh nghiệp tỏ ra bình tĩnh hơn cả trước “vòng xoáy” của giá thép, khi chỉ để lượng hàng tồn kho ở mức 52,5% so với doanh thu thuần trong quý I/2021.