Chi phí cố định thách thức đà tăng trưởng của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT)

(ĐTCK) Đặc thù của ngành bán lẻ bị chia phối bởi chi phí cố định lớn, trong môi trường kinh doanh khó khăn bởi tác động của dịch COVID-19, việc tiêu thụ hàng hoá khó khăn trong khi các chi phí cố định vẫn phải trả đang là thách thức lên nhóm cổ phiếu bán lẻ.
Chi phí cố định thách thức đà tăng trưởng của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT)

Trong nhóm cổ phiếu bán lẻ, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) đang cho thấy một tỷ lệ đòn bẩy cao hơn ngành.

Cụ thể, tính tới 31/12/2019, dư nợ vay của FRT là 3.698 tỷ đồng, chiếm 56,09% tổng nguồn vốn. Trong khi đó, các cổ phiếu niêm yết trên sàn cũng ngành bán lẻ như CTCP Đầu tư Thế giới Di động và CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) tỷ lệ nợ vay chỉ lần lượt là 33,93% và 30,39%, thấp hơn khá nhiều so với đoàn bẩy mà FRT đang sử dụng ở thời điểm hiện tại.

Trong những năm qua, để phục vụ cho quá trình mở rộng, FRT liên tục phải huy động vốn từ bên ngoài để bù đắp dòng tiền hoạt động kinh doanh âm. Cụ thể, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh chính năm 2017 dương 178,9 tỷ đồng, tuy nhiên 2 năm sau liên tục âm với giá trị lớn, năm 2018 âm 1.386,7 tỷ đồng, năm 2019 âm 878,6 tỷ đồng.

Để bù đắp dòng tiền thiếu hụt từ hoạt động kinh doanh, FRT đã phải huy động dòng vốn tài chính bên ngoài, năm 2018 huy động 1.801,7 tỷ đồng, năm 2019 huy động 894,9 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là vốn vay từ bên ngoài để bù đắp dòng tiền hoạt động kinh doanh.

Nếu như năm 2017 dư nợ vay là 1.173 tỷ đồng, chiếm 30,3% nguồn vốn, thì tới năm 2019 dư nợ vay đã tăng lên 3.698 tỷ đồng, chiếm 56,09% tổng nguồn vốn.

Trong thuyết minh báo cáo tài chính quý IV/2019, doanh nghiệp cho biết, chủ nợ chính hiện nay là Ngân hàng HSBC Hong Kong với dư nợ vay 1.192,6 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam 879,9 tỷ đồng, Ngân hàng ANZ Việt Nam 716,8 tỷ đồng, Ngân hàng Standard Chartered Bank Việt Nam 492,7 tỷ đồng và Ngân hàng Citibank Việt Nam 416 tỷ đồng.

Mặc dù doanh nghiệp không thuyết minh cụ thể lãi suất từng khoản mục vay, tuy nhiên thuyết minh báo cáo 6 tháng năm 2019 có thuyết minh các khoản vay bằng USD có lãi suất từ 3,4 - 3,9%/năm, các khoản vay bằng VNĐ có lãi suất từ 4,5 - 6,3%/năm. Như vậy, các khoản vay này sẽ có những chi phí cố định nhất định đối với doanh nghiệp.

Chi phí cố định thách thức đà tăng trưởng của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) ảnh 1

Kể từ năm 2016 tới nay, giá trị nợ vay ngày một tăng, cũng kéo theo chi phí tài chính gia tăng. Nếu như năm 2016, tiền lãi vay chỉ 73,8 tỷ đồng, chiếm 0,7% doanh thu, thì tới năm 2019 tiền lãi vay lên tới 138 tỷ đồng, chiếm 0,83% doanh thu.

Trong khi đó, do doanh nghiệp vận hành trong ngành bán lẻ, biên lợi nhuận gộp không quá lớn. Năm 2019, biên lợi nhuận gộp là 12,56%, biên lợi nhuận hoạt động kinh doanh chính là 1,93% và biên lợi nhuận ròng sau thuế là 1,22%.

Như vậy để thấy, chi phí lãi vay đang là một gánh nặng lớn với doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh bình thường chưa có diễn biến bất thường như thời điểm hiện tại.

Một đặc điểm của ngành bán lẻ chính là chi phí trả trước chủ yếu thuê mặt bằng kinh doanh. Theo báo cáo tài chính năm 2019 là 384 tỷ đồng, chiếm 10,38% tổng tài sản, liên tục tăng trong nhiều năm, nếu như năm 2016 chỉ là 284,6 tỷ đồng, chiếm 6,04% tổng tài sản.

Tính tới tháng 11/2019, FRT có 593 cửa hàng FPT Shop và gần 80 cửa hàng thuốc Long Châu, tiền thuê mặt bằng trả trước là chi phí cố định cho hợp đồng thuê mặt bằng của FRT và sẽ phân bổ chi phí theo kỳ báo cáo. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, tiền chi phí trả trước chủ yếu là tiền thiết lập ban đầu các cửa hàng và chi phí thuê nhà đối với các cửa hàng.

Chi phí cố định thách thức đà tăng trưởng của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) ảnh 2

Trong năm 2019, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 16.634 tỷ đồng, tăng 8,73%, lợi nhuận sau thuế 204 tỷ đồng, giảm 41,44% so với năm 2018.

Trong năm tài chính, doanh nghiệp hoàn thành 93,98% kế hoạch doanh thu và 48,72% kế hoạch lợi nhuận. Như vậy để thấy, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp năm 2019 không có nhiều khởi sắc, doanh nghiệp công bố điểm sáng năm 2019 là mảng kinh doanh phụ kiện và Sim với mức tăng trưởng ấn tượng 29% và 67%. Tuy nhiên, không hề đề cập tới các mảng bán lẻ điện thoại và dược phẩm chiếm trọng số trong cơ cấu doanh thu hiện nay.

Có thể thấy, hiện tại, FRT đang đối mặt với bài toán chi phí cố định lớn từ lãi vay, từ tiền thuê mặt bằng kinh doanh phải trả điều đặn hàng tháng chiếm trọng số trong cơ cấu lợi nhuận gộp. Tuy nhiên, với diễn phức tạp của dịch COVID-19 cùng đã ảnh hưởng tới nhiều ngành nghề tiêu cực ở Việt Nam như du lịch, hàng không, bất động sản và gần đây các ngân hàng phải hy sinh giảm bớt lợi nhuận từ lãi vay để hỗ trợ doanh nghiệp.

Như vậy, thu nhập của nền kinh tế nói chung và của cá nhân nói riêng đều có xu hướng giảm xuống. Điều này về trung và dài hạn sẽ đẩy hành vi tiêu dùng mang khuynh hướng thắt chặt, sẽ ảnh hưởng tới doanh số tiêu thụ của các mặt hàng không phải thiết yếu và tiêu thụ hàng ngày.

Bài toán FRT phải đối mặt chính là chi phí cố định không đổi, trong khi doanh số có xu hướng giảm xuống trong tương lai. Điều này được giới đầu tư phản ảnh khá nhanh lên diễn biến giá chứng khoán, cổ phiếu có nhịp hồi phục sau khi mất gần 79% giá trị kể từ khi niêm yết đầu năm 2018 về vùng giá 17.000 đồng/cổ phiếu, sau đó hồi phục lên 23.000 đồng/cổ phiếu, ngay lập tức phá đáy và đang giao dịch vùng giá 14.500 đồng/cổ phiếu.

Hiện cổ phiếu đang giao dịch vùng giá thấp hơn giá trị sổ sách 16.234 đồng/cổ phiếu, với mức P/E là 7,15 lần.

Có thể thấy, cái nhà đầu tư đang phản ảnh vào giá cổ phiếu chính triển vọng tăng trưởng không rõ ràng, trong khi đó áp lực chi phí cố định từ lãi vay, tiền thuê mặt bằng đang khiến việc kinh doanh gặp khó khăn. Nếu như doanh nghiệp không có chiến lược mới thay đổi lại dòng tiền, để dòng tiền hoạt động kinh doanh chính tạo ra tiền và giảm bớt được nợ vay thì sẽ gặp vô vàn khó khăn trong tương lai.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục