Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT): Cổ đông chờ kế hoạch “đảo ngược dòng tiền”

(ĐTCK) Ngày 20/3 tới, Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông. Một trong các nội dung được cổ đông chờ đợi là giải pháp nào để FRT cải thiện tình trạng dòng tiền hoạt động kinh doanh chính năm 2018 âm 1.387 tỷ đồng, năm 2019 âm 879 tỷ đồng.
Ảnh Internet Ảnh Internet

FRT hoạt động giống mô hình của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG), chuyên mảng bán lẻ.

Doanh nghiệp đang vận hành 3 chuỗi: FPT Shop - bán lẻ các sản phẩm gồm điện thoại di động, máy tính bảng, laptop, phụ kiện…, với thị phần thứ hai; Long Châu - hệ thống nhà thuốc kinh doanh dược phẩm, dụng cụ y khoa…; F.Sudio By FPT - hệ thống cửa hàng được uỷ quyền chính thức của Apple tại Việt Nam, kinh doanh sản phẩm Apple.

Năm 2019, FRT đạt doanh thu 16.634 tỷ đồng, tăng 8,73%; lợi nhuận sau thuế 204 tỷ đồng, giảm 41,44% so với năm 2018; hoàn thành 93,98% kế hoạch doanh thu và 48,72% kế hoạch lợi nhuận.

Đáng lưu ý, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính của FRT tiếp tục âm, năm 2019 âm 879 tỷ đồng, năm 2018 trước đó âm 1.387 tỷ đồng; doanh nghiệp phải huy động vốn từ bên ngoài để tài trợ, đặc biệt là vốn vay.

Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT): Cổ đông chờ kế hoạch “đảo ngược dòng tiền” ảnh 1

Kết quả kinh doanh của FRT (Đơn vị: triệu đồng).

Cuối năm 2019, FRT có 3.698 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn, chiếm 56,1% tổng nguồn vốn, trong khi tỷ lệ nợ vay ngắn hạn cuối năm 2017 là 30,3% tổng nguồn vốn.

Nguồn vốn huy động tăng thêm của doanh nghiệp các năm qua chủ yếu chảy vào tồn kho, nếu như năm 2017 tồn kho chiếm 44,5% tổng tài sản thì tới năm 2019 lên tới 51% tổng tài sản, tương ứng 3.383,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, khoản phải thu là 1.178,4 tỷ đồng, chiếm 18% tổng tài sản.

Theo nhiều đánh giá, ngành bán lẻ điện thoại có dấu hiệu bão hoà, điều này được cả MWG và FRT thừa nhận.

Theo đó, hai doanh nghiệp đi tìm động lực tăng trưởng mới, MWG hướng tới Điện máy xanh và Bách hoá xanh, còn FRT hướng tới Nhà thuốc Long Châu.

Tính tới tháng 11/2019, FRT có 593 cửa hàng FPT Shop và gần 80 cửa hàng thuốc Long Châu.

Ngoài ra, FRT có chiến lược bán thêm đồng hồ, tương tự như MWG đã làm trước đó, hiện doanh nghiệp có 5 cửa hàng bán đồng hồ ở TP.HCM theo mô hình Shop-in-shop.

Cổ phiếu FRT sau giai đoạn giảm mạnh từ vùng giá quanh 80.000 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh) khi lên sàn chứng khoán tháng 4/2018 xuống dưới 17.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 2/2020 đã bật lên trên 22.000 đồng/cổ phiếu trong những phiên gần đây.

Được biết, giá trị sổ sách của FRT tính tới 31/12/2019 là 16.234 đồng/cổ phiếu, mức P/E hiện tại là hơn 7 lần.

Đợt hồi phục của cổ phiếu FRT vừa qua tới từ lực cầu của nhà đầu tư trong nước, trong khi khối ngoại tiếp tục xu hướng bán ròng, tháng 1 bán ròng 1 triệu cổ phiếu, tháng 2 bán ròng gần 2 triệu cổ phiếu (năm 2019 bán ròng 615.560 cổ phiếu).

Thực tế, FRT hiện chưa cho thấy dấu hiệu khởi sắc trong hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp công bố điểm sáng trong năm 2019 là kinh doanh phụ kiện và SIM, với mức tăng trưởng lần lượt 29% và 67%, mà không đề cập đến các mảng chính là bán lẻ điện thoại, dược phẩm.

Nếu như sắp tới, FRT không có chiến lược/kế hoạch hiệu quả giúp cải thiện biên lợi nhuận, gia tăng dòng tiền, thì chi phí tài chính tiếp tục là gánh nặng lớn.

Chi phí tài chính năm 2017 là 82 tỷ đồng, năm 2018 là 100,6 tỷ đồng, năm 2019 là 150,8 tỷ đồng.

Thậm chí, nếu không huy động được thêm vốn để tài trợ cho thâm hụt vốn, thì doanh nghiệp sẽ gặp vấn đề về thanh khoản, về dòng tiền lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục