Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần 9-13/5

Ổn định mặt bằng lãi suất, giảm lãi suất cho vay; chưa xem xét phê duyệt Dự án tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng; hỗ trợ khẩn cấp người dân thiệt hại do hải sản chết bất thường; chế độ hưu trí đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 9-13/5/2016.
Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2016 Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2016

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016

Ổn định mặt bằng lãi suất, giảm lãi suất cho vay; tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng; tăng cường kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường; bảo vệ an toàn bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp... là những nội dung quan trọng tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016 đã được Chính phủ ban hành.

Chế độ hưu trí đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp

Nghị định 33/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân quy định cụ thể về chế độ hưu trí đối với các đối tượng:

Người lao động thuộc diện hưởng lương tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội, bao gồm: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân (người làm công tác cơ yếu).

Người lao động thuộc diện hưởng phụ cấp quân hàm hoặc sinh hoạt phí tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội, bao gồm: Hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ công an nhân dân; học viên công an nhân dân đang theo học được hưởng sinh hoạt phí; học viên cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí.

Quy định về quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không

Nghị định 32/2016/NĐ-CP đã được Chính phủ ban hành quy định cụ thể về quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam quy định về giới hạn độ cao chướng ngại vật hàng không đối với sân bay quân sự, sân bay dân dụng, sân bay dùng chung, sân bay chuyên dùng, bãi cất hạ cánh trên mặt đất, mặt nước, công trình nhân tạo, các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời và các đài, trạm vô tuyến điện hàng không; cảnh báo chướng ngại vật hàng không;...

Vi phạm về giống cây trồng, bảo vệ thực vật bị phạt tới 100 triệu đồng

Theo Nghị định số 31/2016/NĐ-CP của Chính phủ, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối với tổ chức là 100 triệu đồng.

Rà soát hệ thống văn bản quy định về phí, lệ phí

Tại Chỉ thị về việc triển khai thi hành Luật phí và lệ phí, Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ban, ngành trực thuộc rà soát hệ thống văn bản quy định về phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã ban hành đang còn hiệu lực thi hành, đối chiếu với Danh mục phí và lệ phí ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí và các quy định khác của luật này để thực hiện phân loại theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Hoàn thành rà soát trước ngày 31/5/2016.

Chưa xem xét phê duyệt DA tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng

Về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO (Dự án), Thủ tướng Chính phủ chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng để đảm bảo phát triển bền vững, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Việc xây dựng Quy hoạch nêu trên phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng, khoa học và phải có sự tham gia của các địa phương liên quan, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội khác là đại diện cho lợi ích của người dân trong lưu vực đồng bằng sông Hồng.

Hỗ trợ khẩn cấp người dân thiệt hại do hải sản chết bất thường

Theo Quyết định 772/QĐ-TTg hỗ trợ khẩn cấp cho người dân tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường, hỗ trợ 15kg gạo/người/tháng trong thời gian 1,5 tháng đối với các nhân khẩu thuộc hộ gia đình chủ tàu và hộ gia đình của lao động trên tàu khai thác hải sản ở vùng ven bờ, vùng lộng không lắp máy hoặc lắp máy có công suất dưới 90 CV và các hộ gia đình làm dịch vụ hậu cần nghề cá bị ảnh hưởng trực tiếp.

Các doanh nghiệp, chủ vựa, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có hoạt động thu mua, dịch vụ hậu cần nghề cá được vay vốn tín dụng tại các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định với lãi suất thấp nhất áp dụng cho lĩnh vực ưu tiên, kỳ hạn ngắn và được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong thời gian tạm trữ tối đa 6 tháng để thu mua, tạm trữ hải sản từ ngày 05/5-5/6/2016....

Hỗ trợ kinh phí cho hoạt động chống buôn lậu

Theo Quyết định quy định hỗ trợ kinh phí cho hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và thanh toán chi phí quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, ngoài kinh phí quản lý hành chính được ngân sách nhà nước cấp hàng năm cho các cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (bao gồm quỹ tiền lương, chi hoạt động thường xuyên, chi nghiệp vụ đặc thù, chi mua sắm tài sản, trang thiết bị làm việc), các cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả còn được ngân sách nhà nước bố trí thêm kinh phí hỗ trợ hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Triển khai chiến lược bảo vệ môi trường biển

Theo Kế hoạch thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng sẽ triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch quản lý chất thải; kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường từ đất liền và các hoạt động trên biển theo Quyết định số 2295/QĐ-TTg ngày 17/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các hoạt động có nguy cơ và đang gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển, đặc biệt là các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở nuôi trồng và chế biến thủy sản, các hoạt động thương mại, dịch vụ du lịch dọc theo bờ biển, trên các đảo; lập danh mục và kế hoạch xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển; tổ chức triển khai quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên và môi trường các khu vực biển Việt Nam theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Điều chỉnh Quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội

Theo Quyết định 768/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, phạm vi Vùng Thủ đô Hà Nội gồm toàn bộ ranh giới của Thủ đô Hà Nội và 9 tỉnh xung quanh là Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang (trong đó Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang là 3 tỉnh được mở rộng so với Quyết định số 490/2008/QĐ-TTg ngày 5/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ). Tổng diện tích toàn vùng khoảng 24.314,7 km2.

Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/2/2015 về tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công một cách nghiêm túc, đầy đủ và thực hiện theo đúng quy định các nhiệm vụ chưa hoàn thành.

Quyết liệt chống hạn mặn ở ĐBSCL

Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn diễn biến hết sức phức tạp và gay gắt, nhất là thời gian đầu tháng 5 năm 2016. Do vậy, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các Bộ, ngành phải tiếp tục theo dõi sát diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn, chủ động chỉ đạo và phối hợp với các địa phương triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn; tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị ở địa phương vào cuộc, đặc biệt là vai trò của người dân trong ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.


Theo VGP

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục